Chủ tịch Trung Quốc thăm Ấn Độ: Cơ hội cho quan hệ Ấn - Trung

Thứ năm, ngày 18/09/2014 13:30 PM (GMT+7)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Ấn Độ 3 ngày, hứa hẹn nhiều khoản đầu tư và thúc đẩy tăng cường quan hệ giữa hai cường quốc châu Á, cho tới nay vẫn còn nghi kỵ nhau.
Bình luận 0

 

Chủ tịch Trung Quốc đem cả trăm tỷ USD “nhử" Ấn Độ

Ngày 17.9.2014, Tổng thống Tập Cận Bình tới Ahmebadad, thành phố chính của bang Gurajat, quê hương của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. 

Đến thăm Ấn Độ lần này, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết những khoản đầu tư, mà theo lời tổng lãnh sự Trung Quốc ở Bombay, có thể lên tới hơn 100 tỷ USD, tức là cao gấp 3 lần so với số vốn đầu tư mà thủ tướng Nhật Shinzo Abe hứa hẹn trong chuyến viếng thăm Ấn Độ gần đây. 

Đây là một tháng quan trọng trong nhật ký ngoại giao của Ấn Độ. 

Với lịch sử khá bất ổn trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Ấn Độ được giới quan sát đặc biệt quan tâm. 

Khi còn trên cương vị là Bộ trưởng phụ trách Gujarat, ông Modi tới Trung Quốc năm lần, nhiều hơn tới bất cứ nước nào khác và ông rõ ràng rất ấn tượng bởi thành công kinh tế của Trung Quốc.

Thắng lợi lớn của ông trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 được nhiều người tại Bắc Kinh xem là một báo hiệu cho một giai đoạn tốt đẹp hơn, với việc ông Modi được miêu tả là một “Nixon” của Ấn, người sẽ đưa quan hệ Trung - Ấn lên tầm cao mới. 

Tuy nhiên, tâm trạng phấn khởi ban đầu hiện đã nhường chỗ cho cách đánh giá thực tế hơn khi Bắc Kinh đang xem ông Modi là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ sẵn sàng hành động.

Do đó, việc nhanh chóng tiếp cận ông Modi được xem là tối quan trọng trong việc đảm bảo Ấn Độ không ngả về một liên minh chống Trung Quốc đang nổi lên tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương khi Mỹ muốn tái cân bằng chiến lược trong khu vực. 

Thủ tướng Ấn, ông Modi và Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình hôm 15/07/2014

Ông Modi và ông Tập từng gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh Brics tại Brazil

Ông Modi và ông Tập đã từng gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế lớn mới nổi  BRICS ở Brazil. Ở đó, họ trở nên thân thiết, một điều sẽ được họ muốn sử dụng để chuyến đi được thành công.

Cũng giống ông Modi, ông Tập là một nhà lãnh đạo có đường lối dân tộc với lập trường cứng rắn về vấn đề an ninh quốc gia nhưng vẫn muốn hợp tác về kinh tế.

Ông Modi được xem là người khôn ngoan trên lĩnh vực ngoại giao hơn người tiền nhiệm của ông là ông Manmohan Singh.

Thời cựu Thủ tướng Singh, Đảng Quốc đại từng bị tê liệt vì nỗi sợ gần như vô lý, đó là sợ làm Trung Quốc phật lòng. Tuy nhiên, ông Modi lại ở vị thế tự tin hơn người tiền nhiệm ngay từ khi ông nhậm chức.

Ông Modi từng công khai nói về “sự bành trướng” của Trung Quốc và bắt đầu có những biện pháp cụ thể tạo phần đệm cho Ấn Độ trước những ảnh hưởng tiêu cực khi Bắc Kinh đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ rằng, ông sẽ làm tất cả để thu hút đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ. 

Trong một dấu hiệu rằng trọng tâm chuyến viếng thăm của ông Tập sẽ là quan hệ thương mại, Chủ tịch Trung Quốc được hơn 100 doanh nhân Trung Quốc tháp tùng.


Bắc Kinh có nhiều khả năng sẽ tuyên bố một vài sáng kiến đầu tư lớn tại Ấn Độ vào khi khu vực doanh nghiệp của Trung Quốc bắt đầu quan tâm nước này trở lại.

Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Ấn Độ, với trao đổi mậu dịch hàng năm hiện lên tới hơn 65 tỷ USD, nhưng với phần thâm hụt nghiêng hẳn về phía Ấn Độ. 

 Đây là điều mà ông Modi vẫn tập trung tìm cách điều chỉnh. Các công ty của Trung Quốc nay sẽ được khuyến khích đầu tư vào Ấn Độ bằng việc khánh thành các khu công nghiệp chuyên dụng tại Ấn Độ. 


Vấn đề tranh chấp lãnh thổ

 

Tuy nhiên, trọng tâm về thương mại và các vấn đề kinh tế không có nghĩa là chính phủ của ông Modi có thể nhẹ tay trong các vấn đề chiến lược. 

 

Tuần trước Ngoại trưởng Ấn Độ, bà Sushma Swaraj tuyên bố rõ Trung Quốc phải tôn trọng các tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ tại Arunachal Pradesh.

“Để Ấn Độ đồng ý với chính sách một nước Trung Quốc thì Trung Quốc cần phải tái khẳng định chính sách một nước Ấn Độ”, bà Swaraj lập luận.

Biên giới Trung Quốc và Ấn Độ

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đứng gác tại khu vực biên giới giữa 2 nước.

 

Quan hệ Trung Ấn đang đứng trước một số thách thức, từ vấn đề biên giới gây phật lòng tới bất cân bằng thương mại ngày càng gia tăng.

Nhận thức của công chúng đã trở nên tiêu cực khi tâm lý mất lòng tin chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng trong mấy năm gần đây.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Ấn, đã xảy ra 334 vụ “vi phạm” của quân đội Trung Quốc qua biên giới Ấn Độ trong 216 ngày tính từ đầu năm nay.

Sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đang chính là một thách thức cho Ấn Độ.

Chuyến thăm của ông Tập tới Maldives và Sri Lanka trước khi tới Ấn Độ đã nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc muốn phát triển liên hệ mật thiết với các quốc đảo ở Ấn Độ Dương.

Kế hoạch của Trung Quốc về “con đường tơ lụa hàng hải” liên kết bằng cơ sở hạ tầng xuyên biên giới sẽ củng cố thêm vai trò của Trung Quốc trong khu vực khi cả chính phủ Maldives và Sri Lanka đều vui mừng đón nhận lời mời tham gia sáng kiến của Trung Quốc.

(Theo BBC, RFI)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem