Chủ tịch UBND huyện Krông Năng: Cùng doanh nghiệp đưa "đặc sản" nông nghiệp đi xa
Chủ tịch UBND huyện Krông Năng: Cùng doanh nghiệp đưa "đặc sản" nông nghiệp đi xa
Ngọc Giàu
Thứ năm, ngày 09/11/2023 11:29 AM (GMT+7)
"Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng các nhà tài trợ, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hành trình hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững, với tinh thần cùng đóng góp, cùng chia sẻ và cùng thắng", ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng khẳng định tại Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản 2023.
Sáng 9/11, UBND huyện Krông Năng (Đắk Lắk) tổ chức Hội nghị "Liên kết sản xuất - kết nối tiêu thụ nông sản huyện Krông Năng năm 2023". Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với huyện Krông Năng nhằm kết nối, hình thành nên chuỗi liên kết, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Hội nghị thu hút rất đông các nhà đầu tư, nhà tại trợ, các doanh nghiệp gần xa về tham dự.
Ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng khẳng định sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp đưa "đặc sản" nông nghiệp đi xa - Ảnh: Ngọc Giàu
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Mỹ- Chủ tịch UBND huyện Krông Năng gửi lời cảm ơn, tri ân đối với các đại biểu, nhà tài trợ, nhà đầu tư, doanh nghiệp về tham dự Hội nghị "Liên kết sản xuất - kết nối tiêu thụ nông sản huyện Krông Năng năm 2023".
"Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng các nhà tài trợ, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt hành trình hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững, với tinh thần cùng đóng góp, cùng chia sẻ và cùng thắng", ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng (Đắk Lắk) khẳng định tại Hội nghị.
Ông Mỹ cho biết, Krông Năng là huyện có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp. Tổng diện tích cây lâu năm 42.830 ha, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng chính trong phát triển kinh tế xã hội của huyện, từ 51% - 53%. Đặc biệt là các cây trồng chủ lực, là thế mạnh của địa phương, như: Cà phê, hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng, bơ, vải thiều.
Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn mà huyện Krông Năng đang gặp phải như: Vấn đề về kiểm soát chất lượng giống cây; phần lớn nông sản bản ra thị trường là sản phẩm thô nên giá trị không cao; Hầu hết các hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún (không sản xuất theo tiêu chuẩn - không liên kết sản xuất); người dân chưa thực sự quan tâm tìm hiểu thông tin thị trường (cung cầu của thị trường), mà vẫn sản xuất theo tâm lý đám đông (thấy giá cao và thấy hàng xóm trồng thì mình trồng theo), mà hệ lụy, rủi ro là cung vượt cầu và chất lượng sản phẩm kém, không đáp ứng yêu cầu của thị trường…
Trước thực trạng trên, UBND huyện Krông Năng đã quyết tâm khai thông thế bế tắc cho ngành nông nghiệp. Một trong những cách địa phương này thực hiện là đẩy mạnh công tác "trải thảm đỏ" thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư về huyện Krông Năng "lót ổ".
Chủ tịch UBND huyện Krông Năng khẳng định: "Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng các nhà tài trợ, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt hành trình hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững, với tinh thần cùng đóng góp, cùng chia sẻ và cùng thắng".
Hiện, Krông Năng là một trong những địa phương đi đầu trong công tác cải cách các thủ tục hành chính, tạo cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm cho nông dân; khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn, ưu tiên lắp đặt thiết bị công nghệ mới, tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính…
Theo lãnh đạo huyện Krông Năng, Hội nghị lần này nằm trong trong chuỗi hoạt động thực hiện kế hoạch chương trình hành động của Nghị quyết số 04 ngày 14/10/2016 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; và cũng là mục tiêu quan trọng,ưu tiên thuộc Chương trình Sản xuất kết hợp với Bảo tồn nguồn Tài nguyên và An sinh xã hội, còn gọi là (Chương trình Compact Krông Năng).
Tại Hội nghị còn diễn ra sự kiện quan trọng, đó là Ký kết biên bản ghi nhớ - Thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất và thu mua, tiêu thụ nông sản vùng Compact" giữa UBND huyện Krông năng, Ban chỉ đạo Chương trình Compact với các công ty: Simexco Đắk Lắk tiêu thụ thu mua cà phê; Công ty TNHH Chế Biến Gia Vị Nedspice Việt Nam; Công ty cổ phần sầu riêng Tây nguyên (Sarita); Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu.
Thời gian tới, huyện Krông Năng vẫn xác định cà phê vẫn là cây chủ lực nên tiếp tục ổn định diện tích từ 23.200-24.000 ha; định hướng phát triển khoảng 7.800 ha sầu riêng và khoảng 3.900 ha mắc ca. Đối với cây hồ tiêu, tiếp tục định hướng ổn định diện tích khoảng 1.400 ha hồ tiêu và khoảng 550 ha cây vải, khoảng 1.200 ha cây bơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.