Trước khi được ông Vichai mua lại với giá khoảng 39 triệu bảng vào năm 2010, Leicester khi ấy như thế nào? “Bầy cáo” lúc đó có một đội ngũ trung bình yếu, ngụp lặn ở Championship (giải hạng Nhất). Ngoài ra, Leicester nợ đầm đìa khi chủ tịch Milan Mandaric chẳng kiểm soát nổi tình hình. Tóm lại, hoàn cảnh của Leicester khi ấy vô cùng bi đát.
Mua Leicester, tỷ phú Vichai đã khiến CLB này lột xác
Mua Leicester với giá 39 triệu bảng, Vichai phải nhận nhiều sự nghi ngờ dù số tiền mà ông bỏ ra còn chẳng bằng một câu lạc bộ lớn như Chelsea, M.U, Man City, Arsenal hay Liverpool mua về một ngôi sao nào đó. Có những ý kiến cho rằng Vichai có thể giỏi trên phương diện kinh doanh, nhưng chưa hẳn phù hợp với vị trí quản lý một CLB bóng đá.
Ngày chính thức thành chủ tịch Leicester vào năm 2011, Vichai khẳng định, ông sẽ rót tiền để nâng tầm Leicester. Đa số cổ động viên của chính Leicester đã nghĩ, tỷ phú người Thái Lan chỉ nói cho… vui. Họ đã quá quen với việc chứng kiến đội bóng của mình chật vật ở hạng đấu thấp và không có nhiều tham vọng. Câu chuyện “Lọt vào tốp 3 của giải ngoại hạng Anh sau 4 năm nữa” mà chủ tịch Vichai tuyên bố thậm chí còn khiến nhiều người cảm thấy hài hước.
Nhưng Vichai đã nói là làm, và ông làm một cách bài bản, khoa học, tâm huyết. Vichai đã mạnh dạn bỏ tiền túi để chi 103 triệu bảng trả những món nợ mà Leicester gánh chịu. Tiếp đó, ông bỏ ra 120 triệu bảng để ban lãnh đạo tìm kiếm cầu thủ giỏi.
Vichai đã thể hiện sự đầu tư rất nghiêm túc và hiệu quả vào Leicester
Trong cuộc đua “định giá ảo” và “vung tay quá trán” khi mua cầu thủ của các CLB Anh, Vichai có một kế sách khác. Ông đặt niềm tin và tìm kiếm các… tuyển trạch viên giỏi, những người biết phát hiện ra nhiều cầu thủ trẻ, có tài năng và quan trọng là giá không quá đắt.
Nhờ cách làm ấy của Vichai, những N’Golo Kante, Riyad Mahrez được phát hiện và bồi dưỡng thành siêu sao như hiện tại. Một chân sút tầm thường và thậm chí phải đá nghiệp dư như Jeremy Vardy khi về Leicester cũng được nâng cấp và trở thành tuyển thủ Anh.
Không chỉ làm bóng đá “có nghề”, Vichai còn thể hiện mình là người có tâm và rất hào phóng. Ông từng mời bia, xúc xích, bánh ngọt tất cả các CĐV đến sân King Power trong ngày sinh nhật mình. Ông cũng chỉ tiền mua ô tô tặng các cầu thủ khi họ đạt được thành công.
Đỉnh cao vinh quang của cả Leicester lẫn Vichai là chức vô địch ngoại hạng Anh mùa 2015-2016. Khi ấy, tỷ lệ mà các nhà cái đặt cho khả năng “Bầy cáo” đăng quang là… 1/5.000. Nhưng Leicester đã “biến không thành có” và công lớn nhất chắc chắn thuộc về tỷ phú Vichai.
Đỉnh cao của mối duyên Vichai - Leicester là chức vô địch ngoại hạng Anh 2015-2016
Trong quãng thời gian làm chủ tịch, Vichai đã nâng giá trị của Leicester lên gần 400 triệu bảng, tăng gần 10 lần so với chi phí mà ông bỏ ra để mua đội bóng. Leicester đã có được vị trí tương đối vững ở nhóm khá tại giải ngoại hạng Anh, đã có thể bán siêu sao mà sức mạnh không quá suy yếu.
Nhưng giờ đây, khi tỷ phú Vichai đã không còn nữa sau tai nạn rơi máy bay thảm khốc, Leicester sẽ phải đối diện với vô vàn khó khăn xen lẫn sự đau thương mà họ đang phải chịu. Chưa biết chừng, ánh hào quang của sân vận động King Power sẽ rời bỏ Leicester, sau sự ra đi đột ngột của chủ tịch Vichai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.