Chủ tịch xã được công bố dịch?

Lương Kết Thứ năm, ngày 14/08/2014 10:24 AM (GMT+7)
Chiều 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Thú y, với nhiều điểm được quy định khá chi tiết và mới so với Pháp lệnh về thú y.
Bình luận 0

Để chủ động và đáp ứng phòng, chống dịch bệnh kịp thời, khẩn trương dự thảo đã quy định và trao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp được công bố dịch và đáp ứng được các điều kiện sau: Thứ nhất có ổ dịch thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch xảy ra; Thứ hai có kết luận chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp xã công bố dịch trên địa bàn xã; Dịch bệnh xảy ra ở hai xã thì Chủ tịch UBND cấp huyện công bố dịch trên địa bàn cấp huyện... Dự thảo cũng quy định bổ sung về thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh được thành lập khi xuất hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và đe dọa tính mạng sức khỏe con người.

Điểm đáng chú ý nữa là quy định "mở" về việc lưu thông động vật mẫn cảm với dịch bệnh đang được công bố và các loại sản phẩm của chúng ra khỏi vùng có dịch. Quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nằm trong vùng có dịch, tránh được hiện tượng “bế quan, tỏa cảng”, dẫn đến ứ đọng sản phẩm động vật như đã từng xảy ra trong các dịch cúm gia cầm, heo tai xanh thời gian qua.

Góp ý, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng luật vẫn thiếu những vấn đề thực tiễn. “Chó dại, mèo dại ai chịu trách nhiệm, nó rất nguy hiểm và dễ lây lan, thú y làm việc gì ở những lĩnh vực này. Đọc Chương 2 và 3 của dự thảo luật không thấy nói đến đối tượng vật nuôi trong nhà, thậm chí con gà nuôi thả bình thường cũng không được đưa vào dự án luật, như vậy là thiếu sự bao quát" - ông Ksor Phước góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, một số quy định cần rà soát lại sao cho phù hợp với Hiến pháp. Theo ông Giàu, phải quy định rõ vật nuôi nào, quy mô nào thì cần có hoạt động thú y? "Mỗi lần công bố dịch trên đài báo là tôi sợ lắm. Tâm lý xã hội, rồi thiệt hại nếu công bố không chính xác hoặc không thực thi tốt thì ảnh hưởng tới người dân rất lớn. Quan điểm tôi là chủ tịch tỉnh mới được công bố dịch. Không phải cứ cấp xã hay cấp huyện công bố thì mới chính xác và kịp thời đâu" - ông Giàu nêu quan điểm.

Cũng nói về thẩm quyền công bố dịch, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng quy định như dự thảo luật là để cho cấp xã phải có phản ứng ngay tức khắc, vì ngay một đêm chết hàng ngàn con vịt, gà nhưng phải chạy đi huyện, tỉnh báo cáo thì chậm mất. Bà Mai đề nghị quy định thời hạn công bố, sau 2 ngày mới công bố để chết hàng loạt thì ai chịu trách nhiệm? Ngoài ra, nên cân nhắc xã, huyện, tỉnh thời gian là bao nhiêu để từ đó quy trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: Luật này liên quan nhiều luật khác về bảo vệ sức khỏe. Nhiều điểm trong dự thảo trùng với luật khác như Luật Môi trường. "Tại sao động vật trên cạn quy định công bố dịch ngay nhưng dưới nước lại phải có quy trình. Hai huyện trở lên có dịch thì tỉnh công bố, vậy hai tỉnh trở lên thì trách nhiệm ai công bố?" - ông Lý nêu vấn đề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem