Chú trọng phát triển nông thôn

Thứ năm, ngày 03/06/2010 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 2-6, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày trước Quốc hội báo cáo về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bình luận 0
img
Các đại biểu Quốc hội xem mô hình quy hoạch Thủ đô sáng 2-6.

Báo cáo nêu vắn tắt định hướng, những điểm chung của bản quy hoạch. Nông thôn Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình “Nông thôn mới” trong đô thị đặc biệt, tạo ra hành lang xanh - môi trường sống tốt cho người dân Thủ đô.

Hành lang xanh chiếm 70% diện tích

Về phát triển điểm dân cư nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Định hướng phát triển nông thôn Hà Nội theo mô hình "Nông thôn mới" trong đô thị đặc biệt, tạo ra hành lang xanh - môi trường sống tốt cho người dân Thủ đô. Thực hiện chiến lược "hiện đại hóa nông thôn Hà Nội" nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Các giải pháp để thực hiện mục tiêu này là: Cải thiện môi trường sống nông thôn. Hình thành mới các trung tâm tiểu vùng là các thị trấn hoặc thị tứ để tăng cường khả năng tiếp cận của các làng nông thôn với các dịch vụ đô thị. Phát triển mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã gắn kết với giao thông ngoại thị, đảm bảo cho nông dân có điều kiện sử dụng ô tô phục vụ sản xuất. Thu nhập của người nông dân sẽ được nâng cao bằng cách xây dựng các mô hình sản xuất mới, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống gắn với khai thác du lịch và giải trí; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng được hiện đại hoá theo hướng hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mũi nhọn về giống cây trồng, vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp Hà Nội.

Đối với nhà ở nông thôn, khuyến khích bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống. Hướng dẫn thiết kế mẫu nhà ở nông thôn điển hình.

Ý kiến của tư vấn phản biện quốc tế được dẫn ra cũng đánh giá cao về việc phát triển đô thị với hành lang xanh chiếm khoảng 70% diện tích là nội dung quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội. Hành lang xanh có vai trò quan trọng về mặt sinh thái, đa dạng sinh học, duy trì các làng nghề truyền thống.

Cần đánh giá kỹ hiện trạng nông thôn

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội do Chủ nhiệm Uỷ ban Hà Văn Hiền trình bày tuy đồng thuận với chủ trương bảo tồn và phát triển khu vực nông thôn của Hà Nội mở rộng nhưng vẫn cân nhắc: Cần có đánh giá kỹ về đặc điểm hiện trạng nông thôn ở Hà Nội để có định hướng phát triển khu vực nông thôn mới trong đô thị đặc biệt.

Trong đó, cần chú ý các vấn đề trọng tâm là: Xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa đô thị và nông thôn, đưa các vùng nông thôn của Hà Nội sau khi sáp nhập lên những bước phát triển mới cân đối với khu vực đô thị của Hà Nội; mô hình nông thôn mới và định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong lòng Thủ đô; phát triển quỹ đất ở cho khu vực nông thôn; định hướng giải quyết đất sản xuất, hình thành các khu sản xuất tập trung tại các làng nghề; định hướng giải quyết các vấn đề môi trường ở nông thôn.

Hình thành vùng nông nghiệp có năng suất cao ở Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa và Mỹ Đức; vùng sản xuất rau sạch theo công nghệ tiên tiến ở Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai...Duy trì các vùng hoa truyền thống Tứ Liên, Phú Thượng, Đông Ngạc, Tây Tựu, Vân Nội; Mở rộng các vùng trồng hoa mới Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Cây cảnh ở Tây Hồ, Đông Ngạc, Phù Đổng, Trâu Quỳ, Uy Nỗ, Vân Nội... Vùng chăn nuôi trâu, bò siêu thịt và bò sữa thuộc Ba Vì và các huyện phía Bắc, chăn nuôi lợn thịt tại Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh...
Nguồn: Báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem