Scandal tiền, tình
Trước khi thông tin chính thức điều tra ông Chu Vĩnh Khang được Hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc đăng tải, Chu Vĩnh Khang vẫn là một “con hổ lớn”, một nhân vật quyền lực được người dân Trung Quốc biết đến.
Chỉ vài ngày sau khi thông tin chấn động này lan truyền, nhiều dị bản về Chu Vĩnh Khang xuất hiện trên các tờ báo. Chân dung của nhân vật quyền lực một thời không khác gì vết xe đổ của những người “ngã ngựa” trước đó: Tham nhũng, bồ nhí, và âm mưu giết người.
Lật lại tiểu sử của ông Chu Vĩnh Khang, để thấy vì sao ông này được mệnh danh là “con hổ lớn”. Ông Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942 tại nông thôn phía bắc Thượng Hải. Năm 1961, ông Chu đậu vào Học viện Dầu hỏa Bắc Kinh, sau đó nổ ra cuộc Cách mạng Văn hóa và các trường đại học đóng cửa, nên ông được phân bổ làm kỹ thuật viên tại một khu vực khai thác dầu mỏ tại phía đông bắc Trung Quốc.
Chính tại đây, ông đã từng bước thăng tiến đến chức vụ giám đốc Tập đoàn Dầu hỏa Petrochina. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài nguyên vào năm 1998.
Tiếp đến, ông lãnh đạo tỉnh Sơn Đông và chính tại đây, ông đã thành lập lãnh địa chính trị của mình, trước khi nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền trung ương Bắc Kinh. Ông Chu Vĩnh Khang cũng vốn là ông chủ trong ngành công nghiệp dầu hỏa. Chu Vĩnh Khang không phải là “hoàng tử đỏ”, nhưng ông là con của bạn Mao Trạch Đông.
Ngay sau khi thông tin ông Chu Vĩnh Khang bị Chính phủ điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”, thậm chí còn xuất hiện các tin đồn cho rằng ông Chu còn có ý định ám sát Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tờ China Times dẫn nguồn từ các điều tra viên cho rằng ông Chu có ít nhất 6 căn nhà riêng, là nơi dùng để mua vui với phụ nữ. Tờ báo còn đưa ra con số mỹ nữ đã qua tay ông Chu khiến nhiều người choáng váng: 400 người. Trong số những mỹ nhân được ông Chu chọn, có cả những ngôi sao truyền hình nổi tiếng như Ye Yingchun.
Theo nguồn tin từ tờ China Times, sự nghiệp bồ bịch của Chu Vĩnh Khang bắt đầu từ năm 1999, khi ông này còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên. Các “tay chân” của Chu Vĩnh Khang thường xuyên dâng tặng phụ nữ cho ông như một món quà hối lộ để nhờ ông dùng quyền lực nâng đỡ cho họ. Nhiều tin đồn còn cho rằng, bà Jia Xiaoye, ngôi sao truyền hình của Đài Truyền hình CCTV, là người vợ thứ hai của ông Chu Vĩnh Khang, cũng được cho là “một món quà” mà Phó Chủ tịch CCTV tặng cho ông Chu.
Đâu là sự thật trong những thông tin về những scandal này còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận nước này vốn từ lâu không còn ưa “con hổ lớn” đã cảm thấy rất thích thú cho rằng bí mật sau tấm màn nhung đã thực sự được hé lộ.
Chiến dịch “đả hổ”
Tờ Thời báo tài chính của Anh nhận định, hầu hết người dân Trung Quốc sẽ hân hoan với thành tích mới nhất của ông Tập Cận Bình trong chiến dịch "đả hổ". Cáo buộc tham nhũng nhằm vào thân nhân và những người thân tín của ông Chu Vĩnh Khang đã gây sốc. Nhốt vào lồng một "con hổ" như Chu Vĩnh Khang thực sự đã giúp giải tỏa cơn thịnh nộ của người dân nước này.
Chiến dịch chống tham nhũng có thể đã mang lại danh tiếng và sự ngưỡng mộ lớn cho ông Tập Cận Bình, nhưng lại tạo ra sự hoảng loạn chưa từng có trong giới quan chức Trung Quốc.
Các biện pháp khắc khổ của ông Tập Cận Bình đã đẩy nhiều quan chức Trung Quốc ra khỏi các nhà hàng, khách sạn sang trọng, khiến họ đau đầu lo toan mỗi khi nhận những món quà lót tay đắt tiền. Cảm giác bất an, sợ hãi thậm chí còn đi xa hơn thế. Bởi các tập quán như hối lộ để đổi lấy sự thăng tiến hay giúp các doanh nghiệp tư nhân giành được hợp đồng đã phổ biến tràn lan.
Với sự ngã ngựa của Chu Vĩnh Khang, đánh dấu sự quyết liệt và chưa từng có từ trước đến nay trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Nhưng theo giới phân tích, mặc dù “con hổ lớn” đã bị sa lưới, nhưng chiến dịch “săn hổ” vẫn còn dai dẳng.
Cho đến thời điểm này, các chiến dịch điều tra đã dẫn đến việc bắt giữ 36 quan chức cấp cao, từ chủ tịch tỉnh đến bộ trưởng cùng hàng nghìn quan chức dưới quyền.
Tờ báo nhận định, xử lý một con hổ bị nhốt cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Theo luật pháp ở Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang sẽ phải được xét xử trong một phiên tòa và các công tố viên phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc gắn ông này với những hành vi sai trái mà các thân nhân và bạn bè thân tín của ông thực hiện. Nhưng đối với ông Tập Cận Bình, xét xử và kết tội Chu Vĩnh Khang theo một trình tự pháp lý đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về công khai và công bằng là việc làm cần thiết.
Cùng lúc ông Chu Vĩnh Khang bị chính thức điều tra, Chu Bân - con trai cả của ông này cũng bị cơ quan công tố thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc bắt giữ vì dính líu tới hoạt động kinh doanh phi pháp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.