Chưa cần thiết phải đưa ra gói kích thích kinh tế vì Covid-19?

Huyền Anh Thứ năm, ngày 13/02/2020 09:13 AM (GMT+7)
Theo TS. Cấn Văn Lực, chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 tại thời điểm này và chưa cần thiết phải đưa ra gói kích thích kinh tế. Bởi kinh nghiệm năm 2009 cho thấy tính hiệu quả của việc dùng gói kích thích kinh tế không cao.
Bình luận 0

TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa thực hiện báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch Covid -19 tới kinh tế thế giới, Trung Quốc và kinh tế Việt Nam cùng các giải pháp kiến nghị.

Theo nhóm tác giả, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đã trở thành đại dịch tại Trung Quốc đang lây lan tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được các tổ chức y tế đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nCoV. Tại Việt Nam, về cơ bản, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng diễn biến rất phức tạp và khó lường.

img

Để đánh giá tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra các kịch bản.

Mô hình đánh giá được thực hiện với hai giả định chính là những biến động khác (ngành nghề, lĩnh vực khác) vẫn duy trì đà tăng trưởng như thường lệ; và Chính phủ chưa có động thái quyết liệt, chưa có gói kích thích kinh tế hay chưa điều chỉnh chính sách kinh tế (nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa, công thương và giá cả…).

Kịch bản cơ sở

Theo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu, đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Trong kịch bản này, dịch bệnh tiếp tục diễn biến như trong thời gian qua, nhưng được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới, nhưng số ca được phát hiện nhiễm nCoV tăng trong vùng đã có dịch hoặc có người nhiễm; các biện pháp ngăn chặn dịch được kéo dài cho tới khi thời tiết ấm lên, không còn là môi trường phù hợp cho sự phát triển của bệnh; các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020.

Đối với lĩnh vực du lịch, lượng khách và doanh thu khách quốc tế dự báo sẽ giảm mạnh trong quý 1 (đến 90%), giảm ít hơn nhưng vẫn ở mức sâu trong quý 2 (70%), chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của khách Trung Quốc và châu Á, song có thể phục hồi dần từ quý 3/2020 và bù đắp từ các nguồn khách khác. Lượng khách và doanh thu khách quốc tế cả năm giảm khoảng 20-22% so với năm 2019. Theo đó, sự sụt giảm của lĩnh vực du lịch quốc tế khiến GDP của Việt Nam giảm 5,49 điểm % trong quý 1, giảm 4,27 điểm % trong quý 2 so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 1,22 điểm % cả năm 2020.

Đối với lĩnh vực ngoại thương, xuất khẩu giảm khoảng 10%, nhập khẩu giảm khoảng 11%, cân cân thương mại thặng dư, giúp GDP tăng thêm 0,58 điểm % so với năm 2019…v.v.

Đối với lĩnh vực bán lẻ (tiêu dùng cá nhân), dự báo, nửa cuối năm, các điều kiện thời tiết thay đổi, vaccine và thuốc điều trị sẽ sớm được sản xuất, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn; từ đó, góp phần giúp cho lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng hồi phục dần, cả năm giảm nhẹ 0,5% và khiến GDP giảm 0,07 điểm %.

Lĩnh vực giao thông - vận tải, là hoạt động hỗ trợ ngành du lịch, với trọng tâm là vận tải hàng không. Với đà giảm của du lịch cùng với tâm lý ngại di chuyển và tụ tập động người, dự báo ngành vận tải hàng không sẽ giảm khá mạnh (khoảng 30%) trong quý 1 so với cùng kỳ năm 2019, khiến GDP giảm 0,03 điểm %. Trong quý 2, vận tải hàng không vẫn còn nhiều khó khăn và giảm khoảng 25%, khiến GDP giảm 0,025 điểm %. Nửa cuối năm, dự báo ngành này sẽ phục hồi; nhưng tính chung cả năm 2020, vận tải hàng không có thể vẫn giảm khoảng 20% và khiến GDP giảm 0,02 điểm %.

Đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng, trong quý 1, dịch nCoV làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất – kinh doanh của một số doanh nghiệp và hộ gia đình (nhất là trong các lĩnh vực nêu trên) bị suy giảm,… từ đó làm giảm các hoạt động, giao dịch tài chính-ngân hàng (khoảng 1%) và khiến GDP giảm 0,05 điểm %. Từ quý 2 đến cuối năm, các tác động từ dịch nCoV với lĩnh vực này sẽ tăng dần (do có độ trễ), khiến GDP giảm 0,08 điểm % trong quý 2 và GDP giảm 0,11 điểm % cả năm.

Với kịch bản cơ sở này, GDP năm 2020 Việt Nam giảm khoảng 0,83 điểm %. Trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm %.

img

Kịch bản tích cực

Với kịch bản này, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không lây lan rộng, các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh (như đóng cửa khẩu, hạn chế du lịch, thương mại,…) sớm được gỡ bỏ và các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020.

Tương tự như đánh giá tại kịch bản cơ sở, dịch bệnh nCoV dự báo sẽ khiến du lịch quốc tế giảm đến 90% trong quý 1, giảm 50% quý 2 và cả năm giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu quý 1 giảm 19-20%, quý 2 giảm 12-13% và cả năm giảm 7%; tiêu dùng cá nhân quý 1 giảm 1%, quý 2 giảm 0,5% và cả năm giảm nhẹ 0,1%.

Trong khi đó, dịch vụ vận tải hàng không quý 1 giảm 25%, quý 2 giảm 15% và cả năm giảm 15%; và dịch vụ tài chính-ngân hàng-bảo hiểm quý 1 và quý 2 giảm nhẹ 1%, cả năm giảm 0,5%.

Với diễn biến như vậy, GDP Việt Nam quý 1 có thể giảm khoảng 1,22 điểm %; GDP quý 2 giảm 0,39 điểm %, và GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %.

img

Chưa cần đưa ra gói hỗ  trợ

 Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 tại thời điểm này và chưa cần thiết phải đưa ra gói kích thích kinh tế.  

“Chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm nay, nhưng cần quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt đầu tư công, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường kinh doanh; Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh; có tính đến phương án phải nới lỏng nhẹ tiền tệ và tài khóa và chưa tính đến gói kích thích kinh tế (kinh nghiệm năm 2009 cho thấy tính hiệu quả của việc dùng gói này không cao)”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem