Ngày 14/10, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết, cơ quan này đã chấp thuận đơn xin ra khỏi CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa của "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải.
Cụ thể, sau khi tiếp nhận đơn, UBND phường Phú Hoà đã họp với các ngành công an, Ban Chủ nhiệm CLB 2 lần và thống nhất giải quyết theo nguyện vọng của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải. Tuy nhiên, đến nay Ban Chủ nhiệm CLB vẫn chưa ban hành quyết định cho ông Hải chính thức ra khỏi CLB Phòng chống tội phạm Phú Hoà.
Theo đại diện UBND phường Phú Hoà, nguyên nhân do ông Nguyễn Thanh Hải không đồng ý thực hiện theo quy chế của UBND tỉnh Bình Dương quy định về địa bàn hoạt động của các CLB Phòng chống truy bắt tội phạm trong địa bàn phường nào thì hoạt động ở phường đó. Khi qua địa bàn khác phải báo cho Ban Chủ nhiệm biết và báo cho CLB ở địa bàn đó cùng phối hợp.
Cụ thể, quy chế quy định: "Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn của mình hoạt động: các hội viên phải báo ngay cho Ban Chủ nhiệm CLB để báo cáo cơ quan công an có thẩm quyền tổ chức phối hợp và thông báo cho Đội xung kích chống tội phạm ở các địa bàn khác cùng tham gia".
"Hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải (áo khoác đen) là người gắn bó gần 30 năm với việc bắt cướp, phòng chống tội phạm ở Bình Dương.
Trước đó, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải đã đăng một đoạn video trên trang facebook cá nhân về việc xin nghỉ tại CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa. Lý do theo ông Hải là phường bắt ông phải báo cáo, kiểm điểm do trong quá trình theo dõi để bắt quả tang một đối tượng trộm xe của người dân đã đi ra khỏi địa bàn phường mà không báo cáo.
"Chúng tôi theo dõi, truy bắt tội phạm quả tang như trộm, cướp…đi ra khỏi địa bàn phường thì chúng tôi cũng phải bám theo, làm sao mà kịp báo cáo. Nếu báo cáo thì trộm, cướp nó đã bỏ đi mất" - "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải phân trần.
Theo “hiệp sĩ” Hải, trong quá trình săn bắt cướp, ông bị cơ quan chức năng nhắc nhở vì vi phạm địa bàn hoạt động, không phối hợp với CLB ở địa bàn đó cùng phối hợp.
“Quá trình truy bắt tội phạm, tôi phải chạy với tốc độ cao, qua nhiều địa bàn nên không thể dừng lại để báo cáo cơ quan chức năng từng khu vực vì sẽ mất dấu vết. Việc bắt tội phạm phải theo quy trình, báo cáo tổ chức, báo cáo lực lượng chức năng từng khu vực, phối hợp chỗ này chỗ kia, tôi thấy điều này gây khó khăn cho anh em hiệp sĩ khi làm nhiệm vụ”, “hiệp sĩ” Hải băn khoăn.
"Hiệp sĩ" Hải cho biết, dù không hoạt động tại CLB Phòng chống tội phạm Phú Hoà nhưng anh vẫn sẽ bắt cướp ở bên ngoài.
“Hiệp sĩ” Hải cho biết, mới đây có 2 vụ bị mất ô tô tải và container ở Bình Dương, nạn nhân nài nỉ nhờ anh giúp đỡ. Những phương tiện này có gắn định vị nên thấy các nghi phạm trộm cắp đã chạy với tốc độ cao về tỉnh Bạc Liêu và An Giang, đội "hiệp sĩ" liền chạy về An Giang, Bạc Liêu khống chế người và tang vật giao cho công an ở hai địa phương này.
Sau sự việc, ông Hải đã báo cáo sự việc cho Ban Chủ nhiệm CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa thì bị phê bình, yêu cầu viết tường trình vì hoạt động sai địa bàn. “Tôi xin chính quyền địa phương, người dân hiểu cho tôi. Việc săn bắt tội phạm theo quy trình, quy định không phù hợp với tôi nên tôi xin phép nghỉ”, ông Nguyễn Thanh Hải trần tình.
Chia sẻ với phóng viên, “hiệp sĩ” Hải cho biết dù nghỉ làm ở CLB Phòng chống tội phạm nhưng anh vẫn là “hiệp sĩ” làm tự do bên ngoài và không hưởng lương, hưởng chế độ. Khi người dân cần hỗ trợ, tìm tài sản, bắt cướp thì anh sẵn sàng giúp đỡ hết mình.
“Hiện nay, tôi và một số anh em hiệp sĩ sẽ hoạt động ngoài tổ chức, tự do nên người dân có vấn đề gì cứ báo trực tiếp, chúng tôi sẽ hết lòng giúp đỡ”, “hiệp sĩ” Hải khẳng định.
Được biết, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải là người đã làm công việc truy bắt tội phạm chủ yếu là trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở phường Phú Hòa gần 30 năm nay và đã được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen từ trung ương đến địa phương.
Thượng tá Hà Văn Thanh – Nguyên Phó trưởng phòng Phong trào Công an tỉnh Bình Dương, người có công rất lớn trong việc hình thành mô hình CLB Phòng chống tội phạm ở Bình Dương, cho rằng việc chấp thuận để anh Nguyễn Thanh Hải nghỉ công tác là một tổn thất rất lớn.
Thượng tá Thanh là người hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, bởi ông là người đầu tiên đề xuất xây dựng mô hình CLB Phòng chống tội phạm tại Bình Dương.
Liên quan đến vụ việc này, PV Dân Việt đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để hỏi về quan điểm của tỉnh. Tuy nhiên, ông Liêm cho biết đang bận họp nên chưa có thông tin gì đến báo chí.
Cũng trong ngày 14/10, PV đã cố gắng liên lạc với Công an tỉnh Bình Dương, tuy nhiên lãnh đạo của đơn vị này cũng báo rằng đang bận họp.
Mô hình "hiệp sĩ" được khởi nguồn từ Bình Dương - một địa phương có tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Sau nhiều năm phát triển phong trào "hiệp sĩ", năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định 34 nhằm tạo "hành lang" cho hoạt động của "hiệp sĩ". Theo quyết định này, "hiệp sĩ" chính là thành viên đội xung kích phòng chống tội phạm hoạt động tại các phường, hoạt động gắn chặt với vai trò của "đội trưởng" là trưởng công an cấp xã, phường.
Việc quy định gắn hoạt động của "hiệp sĩ" với trách nhiệm của công an để vừa phát huy được vai trò của "hiệp sĩ" trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cũng vừa để quản lý hoạt động của "hiệp sĩ" đúng chừng mực, tránh lạm quyền, tránh vi phạm pháp luật. Công an phường phải vừa phối hợp, hướng dẫn "hiệp sĩ", nhưng cũng phải quản lý, chấn chỉnh kịp thời nếu có những biểu hiện không đúng quy định.
Quy định hiện hành của tỉnh Bình Dương cũng chỉ giới hạn "hiệp sĩ" được hỗ trợ bắt các tội phạm truy nã, tội phạm quả tang. "Hiệp sĩ" chỉ bắt tội phạm quả tang, truy nã trong địa bàn phường mình sinh hoạt. Trong trường hợp thấy có tội phạm quả tang, tội phạm bị truy nã mà đi sang địa bàn phường khác thì "hiệp sĩ" phải thông báo ngay cho ban chủ nhiệm CLB nơi mình sinh hoạt để báo cho công an và lực lượng chức năng phường sở tại phối hợp, bắt giữ tội phạm.
Tại Bình Dương hàng năm, mỗi CLB phòng chống tội phạm cấp xã, phường được ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng để trang bị sách báo pháp luật, hỗ trợ xăng, thăm bệnh...cho các hội viên. Toàn tỉnh hiện có 84/91 xã, phường thành lập được đội xung kích chống tội phạm, với hơn 1.500 đội viên. Trong năm 2017, "hiệp sĩ" tại Bình Dương đã phối hợp, hỗ trợ công an phát hiện 323 vụ, bắt giữ 576 đối tượng các loại.
"Hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải là một trong những "hiệp sĩ" nổi tiếng tại Bình Dương, là đội trưởng đội xung kích phòng chống tội phạm trong CLB phường Phú Hòa.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.