Chùa Hương trước ngày mở cửa đón khách, người dân đi lễ cần lưu ý gì?

Gia Khiêm - Ngọc Hải Thứ năm, ngày 11/03/2021 18:43 PM (GMT+7)
Trước ngày mở cửa đón khách trở lại, hàng trăm chiếc thuyền ở chùa Hương được người dân cọ rửa, sơn mới lại, hạ xuống suối Yến. Không khí diễn ra gấp rút, ai nấy đều phấn khởi như Tết.
Bình luận 0

"Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết"

Chỉ còn hơn 1 ngày nữa chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức mở cửa đón khách trở lại. Trưa ngày 11/3, không khí chuẩn bị cho ngày mở cửa đang được ráo riết thực hiện.

Sau thời gian dài "đóng băng" do dịch Covid-19, nhiều người dân đã bắt đầu vận chuyển hàng hoá vào trong chùa Hương. Hàng trăm chiếc thuyền sau nhiều ngày phơi mưa phơi nắng đã được sơn lại và hạ thủy xuống suối Yến. Ba tháng chính hội là thời gian những người dân xã Hương Sơn kiếm sống bằng nghề lái đò, buôn bán. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 1.

Hàng trăm chiếc thuyền được sơn mới lại hạ xuống suối Yến.

Nghe tin chùa Hương mở cửa trở lại, bà Nguyễn Thị Hương (người dân xã Hương Sơn) rục rịch hạ thuyền xuống suối Yến cọ rửa sạch sẽ. Hơn 20 năm qua bà Hương cùng hàng nghìn người dân xã Hương Sơn sống nhờ từ công việc lái đò chở du khách đi vãn cảnh, làm lễ chùa Hương.

"Năm nay do ảnh hưởng của dịch, lễ hội tạm đóng cửa. Người dân chúng tôi đành dựng thuyền trên bãi. Khi nghe tin chùa Hương được mở cửa trở lại, tôi cùng mọi người rất phấn khởi. Đi làm được thấy mọi người ăn mặc đẹp, chụp ảnh, không khí tấp nập, tôi cùng những người lái đò đều rất vui", bà Hương chia sẻ.

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 2.

Bà Hương vui sướng khi chùa Hương mở cửa trở lại.

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 3.

Nhiều người dân khác cũng vô cùng vui mừng.

Theo bà Hương, 100% du khách, người phục vụ trong không gian chùa sẽ phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Khách đến chùa phải khai báo y tế để bảo đảm hiệu quả khoanh vùng các trường hợp liên quan trong trường hợp xuất hiện các ca nhiễm COVID-19.

"Những việc làm cần thiết này đều được ban quản lý chùa Hương phổ biến tới chúng tôi. Được quay trở lại với công việc là vui lắm rồi, đó cũng là điều chứng minh dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Giờ mọi người chỉ cần ý thức chấp hành khai báo y tế, đeo khẩu trang sát khuẩn…", bà Hương chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng như bà Hương, anh Nguyễn Văn Chất (39 tuổi) làm nghề buôn bán ở chùa Hương vô cùng vui mừng khi biết tin nơi đây sắp được mở cửa trở lại.

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 4.

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 5.

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 6.

Người dân Hương Sơn bày hàng hoá chuẩn bị bán phục vụ khách đi lễ chùa Hương

"Với người dân xã Hương Sơn, chúng tôi giờ mới thực sự là Tết. Những ngày vừa qua, chùa Hương đóng cửa mọi người cũng nghỉ bán hàng quán hết. Ai ai cũng mong đợi dịch bệnh được đẩy lùi để người dân yên tâm đi lễ chùa. Những người buôn bán được phục vụ nhân dân", anh Chất chia sẻ.

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 7.

Chị Thu dọn dẹp bàn ghế bám bụi bẩn sau nhiều ngày cửa hàng đóng cửa.

Vừa lau chùi lại bàn ghế, chị Nguyễn Thị Thu (45 tuổi) cười nói: "Thực sự điều chúng tôi vui nhất đó là dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Chùa Hương mở cửa đón khách, ai cũng vui mừng".

Du khách đi chùa Hương phải thực hiện khai báo y tế bằng việc quét mã QR 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban quản lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương cho biết, để chuẩn bị tốt cho việc đón khách trở lại, UBND huyện Mỹ Đức, Ban tổ chức lễ hội cũng đã xây dựng phương án cụ thể.

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban quản lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương.

UBND huyện đã xây dựng các phương án chi tiết, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra an toàn, hiệu quả. Theo đó, tất cả các du khách đến với Chùa Hương buộc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt, du khách phải tuyệt đối chấp hành việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế bằng việc quét mã QR, hạn chế tập trung đông người.

"Đối với người kinh doanh vận chuyển đò thuyền, chúng tôi yêu cầu thuyền nhỏ chở 6 người trở xuống, thuyền to tối đa 12 người. Khi di chuyển du khách không cười đùa, nói chuyện to trên thuyền nhằm phòng chống dịch tốt nhất", ông Hiển nhấn mạnh.

Người dân chùa Hương sung sướng trước ngày mở cửa đón khách: “Với chúng tôi giờ mới thực sự là Tết” - Ảnh 9.

Hàng hoá được vận chuyển vào bên trong khu vực chùa Hương trước ngày mở cửa.

Theo ông Hiển, việc mở cửa chùa Hương trở lại, đơn vị đã tăng cường khoảng 300 người, trong đó có lực lượng y tế, lực lượng ban quản lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương, Công an huyện. Nếu khách đông sẽ xin lực lượng hỗ trợ của thành phố.

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi đó là sự an toàn. Chủ đề Lễ hội năm 2021 đó là Chùa Hương điểm đến an toàn, thân thiện. Do vậy, khuyến cáo du khách chủ động vật dụng thiết yếu cho mình khi thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch", ông Hiển nói thêm. 



Trước đó, vào ngày 5/2/2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách, UBND huyện Mỹ Đức đã quyết định dừng tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2021 theo Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 3/2/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Lễ hội Chùa Hương dự kiến diễn ra trong 3 tháng (từ ngày 13/2 đến hết ngày 5/5).

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội chiều 8/3, trước đề nghị của UBND huyện Mỹ Đức về việc mở lại chùa Hương, cam kết phòng chống dịch, Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đã đồng ý.

"Nếu huyện đã chuẩn bị tốt và sẵn sàng đón khách thì nên mở cửa sớm hơn để tránh ngày mở cửa trở lại đúng đầu tháng âm lịch (1/2), người dân có thể đến đông", ông Dũng nói.

Vào ngày 8/3, nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, các di tích trên địa bàn Hà Nội cũng đã bắt đầu mở cửa đón khách. Những cơ sở này đều phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem