Ghi nhận của PV Dân Việt ngày 4/10, hầu hết các chợ trung tâm TP.Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Đống Đa… đều rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách, chỉ có người bán mà vắng người mua.
Theo bà Trang Thị Nguyệt (tiểu thương hàng thịt tại chợ Cồn), ngày thường bà bán được gần 2 con heo, nhưng hiện tại đến nửa con cũng không bán nổi vì các quy định phòng dịch, bạn hàng không được vào chợ lấy thịt, dù giá cả có phần giảm hơn so với thời gian dịch phức tạp.
"Chưa kịp mừng vì được bán hàng trở lại thì lại rơi vào cảnh ế ẩm này đây. Khách vắng lắm, ngồi một chút rồi cũng dọn hàng để làm việc khác. Chiều nay tôi nghỉ bán. Không có người mua thì bán cho ai", bà Nguyệt nói buồn.
Theo nhiều tiểu thương, chợ truyền thống ế khách do bị "chợ cóc" bao vây. Người dân mua mọi thứ ngoài đường mà không vào chợ vì thủ tục rắc rối.
"Để phòng dịch, thành phố hạn chế người dân vào chợ nhưng ở ngoài thì "chợ cóc" bán rầm rộ. Nếu xuất hiện lây nhiễm, thì 100% không thể truy vết nếu người dân đi chợ cóc", bà Nguyễn Thị Cân (tiểu thương hàng gia cầm tại chợ Cồn) nói.
Đồng cảnh với tiểu thương chợ Cồn, hàng loạt tiểu thương tại chợ Đống Đa (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cũng ngán ngẩm, ngồi "đuổi ruồi".
3 tháng mới mở lại quầy hàng, bà Lê Huyền (tiểu thương hàng hương đèn chợ Đống Đa) không lường đến tình trạng ế khách đến như vậy.
Theo bà Huyền, gần đến ngày mùng 1 nhưng cả buổi sáng quầy hương đèn của bà không nổi một khách đến mua. Dịch bệnh, thời gian dài đóng cửa kéo dài, hàng hóa hư hao, khách mua không có, bà Huyền mong các cấp giảm tiền thuế, tiền mặt bằng cho tiểu thương.
"Tâm lý hiện nay của người dân là đi chợ ngày một, nên việc phát phiếu đi chợ 3 ngày/lần là không còn hợp lý. Bất tiện nên người dân đành phải mua hàng tại "chợ cóc". Mong chính quyền địa phương có hướng tháo gỡ cho tiểu thương chúng tôi", bà Huyền than thở.
Theo ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc công ty quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, trong thời gian các chợ Đà Nẵng đóng cửa phòng dịch, nhiều hộ dân đã nhập thực phẩm, hàng hóa về bày bán tại vỉa hè tạo nên tình trạng chợ cóc tràn lan, công ty đã đề xuất với Sở Công Thương, UBND TP.Đà Nẵng giải quyết tình trạng "chợ cóc" gây mất an toàn phòng dịch như hiện nay.
"Công ty cũng có đề xuất nâng tần suất đi chợ của người dân từ 3 ngày/lần lên 1-2 ngày/lần tùy theo tình hình dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, từng bước đưa các chợ truyền thống hoạt động ổn định trong trạng thái bình thường mới", ông Tẩu nói.
Theo đó, UBND TP.Đà Nẵng miễn 100% tiền sử dụng diện tích bán hàng (ki ốt) tại chợ cho tất cả các hộ kinh doanh cố định và không cố định đang kinh doanh buôn bán tại tất cả các chợ ở Đà Nẵng. Thời gian hỗ trợ là 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10/2021. Dự kiến sẽ có gần 20.000 tiểu thương được hỗ trợ lần này với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng.
Trước diễn biến tích cực của dịch Covid-19 trên địa bàn TP, từ 0h ngày 30/9, Đà Nẵng cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại. Ban Quản lý các chợ bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Đối với tiểu thương và những người làm việc trực tiếp liên quan đến hoạt động của chợ phải được tiêm ít nhất một liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng. Mỗi hộ gia đình được đi chợ với tần suất 3 ngày/lần và phải có giấy đi mua hàng có mã QR.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.