Lạ một điều là sau khi công bố số liệu trên, từ giới truyền thông cho đến người dân cả nước đều có phần lặng lẽ. Không phải là thái độ dửng dưng của những người “khinh cơm, trọng phở”, coi việc ăn một muỗng cơm mỗi bữa là “nghĩa vụ gia đình”, mà xem xét một cách nghiêm túc thấy vai trò hạt lúa trong đời sống hiện tại tuy vẫn rất quan trọng với người nông dân, nhưng chưa phải là tất cả.
Nông dân ta có câu “làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”. Hiểu theo nghĩa bây giờ có phần ngược lại. Làm ruộng, cho dù có thoát khỏi lũ bão, sâu bệnh, có giống tốt cho năng suất cao 7-8 tấn/ha (xưa ở miền Bắc chỉ hát “Bài ca 5 tấn”) cũng không thể so được với việc đem đất ra làm nhà (kinh doanh bất động sản).
Có lẽ vì thế khi ĐBSCL về trước kế hoạch 10 năm (chuyện xưa nay chưa có ở VN) không thấy tờ báo nào rút tít có những từ như “thần thoại”, “kỳ tích” hay “cổ tích thời nay”. Cổ tích ngày xưa nói trồng lúa ngon lành lắm. Hạt thóc lại to như quả bưởi, đến mùa tự lăn từ ngoài đồng về nhà, chẳng phải gánh kĩu kịt hay chống xuồng vất vả. Bây giờ nếu vẫn có giống lúa thần kỳ như thế, chắc chắn nông dân vẫn có cuộc sống chẳng khá hơn là bao.
Một nghiên cứu ở ĐBSCL cho thấy nông dân vẫn nghèo, chênh lệch giàu - nghèo đã lên đến 6,4 lần và ngày càng rộng thêm. Nền nông nghiệp của ta vẫn chưa phát triển tới trình độ bền vững về ba phương diện: Kinh tế, môi trường và xã hội. Ở An Giang, một trọng điểm lúa vẫn còn 13% dân số từ 15 tuổi trở lên mù chữ.
Một con số của ngành y tế cho biết có tới 53% bệnh nhân do nghèo (chủ yếu là nông dân) không dám đi khám - chữa bệnh vì vấn đề “đầu tiên” là tiền đâu? Tóm lại, nông dân vẫn làm ăn như câu ca dao “Tháng 5 ta có lúa chiêm - Tháng 10 ta lại có thêm lúa mùa - Nếu ăn không hết còn thừa - Bán đi mua vải là vừa ấm no”. Muốn bán phải qua thương lái, lái lúa ngày nay vẫn là gã “hàng xáo” ngày xưa, vẫn ăn trên lưng dân cày, ăn đậm hơn người làm ra hạt lúa.
Có lẽ tôi sinh ra đã bú ngay bầu sữa của bà mẹ nông dân, răng đen nhưng nhức nên “vấn đề dân cày” suốt đời là nỗi ám ảnh. Nhớ sau Cách mạng Tháng Mười, sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô Viết do Lênin đứng đầu ban hành là “Sắc lệnh Hoà Bình và Ruộng đất”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “cuộc chiến” mới, diệt giặc đói và giặc dốt.
Đã qua thế kỷ 20, lại hết một thập niên đầu thế kỷ 21, sao vẫn phảng phất những vấn nạn từ ngày trứng nước. Nghĩ thế do “một phút yếu lòng” nhưng không bi quan, vì có một nhà khoa học “tam nông” đã nhận xét ta đang bước vào giai đoạn ba “phát triển cơ chế chính sách hội nhập kinh tế”. Hy vọng sẽ tìm được con đường cho nông dân - những người đang đi trước nhưng vẫn nghèo.
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.