Chưa thể khẳng định có tham nhũng chính sách trong làm luật!

Thứ ba, ngày 20/08/2013 12:51 PM (GMT+7)
Sáng nay (20.8), tại phiên trả lời chất vấn ĐBQH do UBTVQH tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Chưa thể khẳng định là có tham nhũng chính sách hay lợi ích nhóm trong việc làm luật.
Bình luận 0
Nhiều bộ vẫn lơ là việc hoàn thiện thể chế

ĐB Trần Văn Tấn (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cùng một số đại biểu khác nêu câu hỏi: Việc thực hiện nghị quyết của QH về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh hàng năm chưa nghiêm, thường xuyên có việc đề nghị đưa vào và rút ra các dự án luật. Các đại biểu đặt vấn đề: Trách nhiệm của bộ trưởng Bộ tư pháp ra sao, giải pháp thế nào? ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Phó trưởng đoàn ĐBQH Cần Thơ) thì đánh giá: Dự thảo luật trình ra kém chất lượng, không đảm bảo tiến độ, mặt khác luật chậm đi vào cuộc sống? Một số ĐB khác thì quan tâm tới vấn đề văn bản hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh quá chậm hoặc nợ đọng kéo dài.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lần lượt trả lời theo các nhóm vấn đề. Thứ nhất là trách nhiệm của Bộ trưởng trong tham mưu đề nghị thực hiện chương trình xây dựng luật và pháp lệnh Quốc hội đã thông qua, Bộ trưởng Cường thừa nhận: Đúng là có chuyện còn dễ dãi trong việc đề xuất rút ra rút vào dự án luật, rồi dự án luật không đúng tiến độ, chất lượng kém. “Nguyên nhân chủ quan là do những dự án luật đi vào lĩnh vực chuyên sâu nên rất khó. Ví dụ như dự án luật Đầu tư công, luật Xây dựng (sửa đổi). Ngoài ra, nhiều đề nghị sửa đổi bổ sung do phải chờ tổng kết: Ví như luật HTX phải xin lùi để chờ Tổng kết Nghị quyết của T.Ư. Có những dự án luật qua tổng kết, nghiên cứu của bộ chủ quản, Chính phủ cho rằng phải xây dựng luật sửa đổi chứ không phải sửa đổi bổ sung luật thế nên cũng phải mất thời gian”, ông Cường giải thích.

Về lý do khách quan, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Thời gian qua, tình hình KT – XH khó khăn, nhiều bộ ngành kinh tế có tập trung cao cho chỉ đạo điều hành hàng ngày nên lơ là việc hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường vẫn cho rằng, rõ ràng có nhiều chuyển biến về chất lượng xây dựng luật. Các quy trình ban hành VBQPPL cũng được đảm bảo, từ việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cũng có nhiều tiến bộ. Từ đầu nhiệm kỳ tới giờ đã thông qua 46 dự án luật, trong đó 44 dự thảo của Chính phủ trình cũng là một sự cố gắng lớn.

Về nhóm vấn đề ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm hay nợ đọng, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân chủ quan là do sự chỉ đạo quyết liệt của một số bộ ngành chưa cao. Việc tăng cường tổ chức pháp chế của một số bộ ngành chưa nghiêm theo chỉ thị của Thủ tướng và việc thu hút đối tượng vào làm việc các tổ chức pháp chế rất khó khăn. Tuy vậy, đến cuối năm 2012, Chính phủ tổng kết trong tinh thần phấn khởi: Nợ đọng các văn bản hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh đã chuyển biến rõ nét, chỉ còn 29 văn bản nợ đọng. Thủ tướng cho rằng đó là tiến bộ vượt bậc trong 10 năm trở lại đây.

“Tuy nhiên, năm 2013 số văn bản nợ đọng lại tăng đột biến lên 107 văn bản, nguyên nhân là do chúng ta có Luật xử lý vi phạm hành chính, theo đó, sau một thời kỳ rà soát, Thủ tướng quyết định chỉ ban hành 56 Nghị định thay vì hơn 100 Nghị định để hướng dẫn thực thi luật này và hiện mới có 4 Nghị định được ban hành. Ngoài ra, có những luật phải tính toán cụ thể, như luật Biển VN theo Quốc hội thông qua, Chính phủ phải ban hành 5, 6 văn bản kèm theo nhưng có những vấn đề phức tạp nên phải tồn đọng lại”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích.

Có hay không lợi ích nhóm khi làm luật?

Tiếp đó, nhiều đại biểu liên tục chất vấn về vấn đề tồn tại hạn chế trong việc thẩm định, kiểm tra VBQPPL để nhiều bộ ngành cho ra đời những quy định "trên trời" như quy định cộng điểm cho Bà mẹ VN anh hùng, quy định quan tài không được lắp kính, quy định chó mèo cũng phải có hộ khẩu... Bên cạnh đó, có đại biểu đặt dấu hỏi liệu có tình trạng tham nhũng chính sách, "lobby" chính sách để làm lợi cho một số nhóm lợi ích, nhưng lại làm hại cho nền kinh tế chung hay không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, theo quy định, các VBQPPL gửi đến Bộ phải được kiểm tra. Về nguyên tắc, sau 3 ngày ban hành, các cơ quan ban hành văn bản phải gửi đến Bộ, nhưng việc gửi còn chậm, thậm chí có văn bản không gửi. Nhiều khi văn bản đăng rồi nhưng cơ quan kiểm tra chưa nhận được, chỉ khi báo chí, dư luận lên tiếng thì mới biết. “Chúng tôi chỉ đạo phải rút kinh nghiệm điều này. Hàng ngày trên bàn tôi có điểm báo các vấn đề báo chí nêu liên quan tới vấn đề xây dựng pháp luật. Tôi cũng đề nghị anh em chú ý kiểm tra ngay. Từ 2010, ban hành kế hoạch để hàng năm công tác kiểm tra từ Bộ, các Sở tư pháp, cấp huyện... sâu vào một số lĩnh vực có bức xúc, người dân quan tâm chứ không chỉ kiểm tra sau khi có dư luận, báo chí nêu”, ông Cường khẳng định.

Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận: Riêng với Thông tư và Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành các Nghị đinh, luật do các bộ ban hành thì đang bỏ ngỏ kiểm soát: “Vì thế chúng tôi đã đề xuất thí điểm kiểm soát tập trung từ một cơ quan, có sự kiểm soát của một bộ đối với ban hành Thông tư và Thông tư liên tịch chứ không để các bộ tự ban hành, tự kiểm tra như hiện nay”.

Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) về chuyện có lợi ích nhóm hay tham nhũng chính sách trong việc làm luật hay ban hành các VBQPPL, Bộ trưởng Cường khẳng định: Quy trình xây dựng VBQPPL rất đầy đủ và chặt chẽ qua nhiều tầng nấc, trừ thông tư và thông tư liên tịch chưa có sự kiểm soát tập trung. Từng quyết định của Thủ tướng, Nghị định của Chính phủ được ban hành đều theo quy trình rất chặt chẽ nên chưa thể khẳng định là có tham nhũng chính sách hay lợi ích nhóm. Tuy vậy cũng không loại trừ có lỗ hổng trong kiểm soát. “Nhưng tóm lại, văn bản từ cấp Thủ tướng Chính phủ trở lên đều có quy trình kiểm soát chặt chẽ, rất khó có lợi ích nhóm xen vào”, Bộ trưởng tái khẳng định.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, riêng Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng đã có 426 văn bản, mỗi văn bản trung bình có 50 nội dung, tính tổng ra cũng trên 2 vạn nội dung. Những sai sót thời gian vừa qua cũng không phải là nhiều lắm so với số lượng trên. Và nhưng sai sót đó Chính phủ đều tiếp thu như việc quy định mặt sau CMND phải in tên bố mẹ. Thực ra cái này Nghị định năm 1999 đã quy định rồi. Sau này, anh em xem lại những cái cũ đã quy định thì cứ để nguyên không sửa. Đến khi Bộ Công an ra thông tư làm thí điểm trên 4 quận nội thành Hà Nội thì dư luận lên tiếng. Và chúng tôi đã cho sửa ngay.
Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem