Chưa thu hoạch đã lo... rớt giá

Thứ năm, ngày 01/07/2010 18:05 PM (GMT+7)
(NTNN) - Đến thời điểm này, vùng ĐBSCL trồng được khoảng 55.000ha mía niên vụ 2010-2011, tăng hơn so với vụ trước 3.000ha. Việc nông dân đổ xô trồng mía thì tình trạng được mùa, rớt giá có nguy cơ tái diễn.
Bình luận 0

Ồ ạt trồng mía

Diện tích mía ở ĐBSCL tăng mạnh vì vụ trước mía được giá nên ND ồ ạt trồng thêm. Trong đó, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng có diện tích trồng mía lớn nhất trong khu vực và đây cũng là 2 địa phương nông dân chuyển sang trồng mía nhiều nhất. Tỉnh Hậu Giang có diện tích mía khoảng 13.200ha, tăng hơn so với vụ vừa qua khoảng 800ha.

Trong đó, huyện Phụng Hiệp là vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh với diện tích khoảng 8.500ha. Nhiều nông dân phá bỏ vườn tạp và ruộng lúa để chuyển qua trồng mía. Các xã có diện tích trồng mía tăng là Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, Phương Bình, thị trấn Cây Dương… Năm nay, toàn xã Tân Phước Hưng trồng được 2.700ha mía, tăng so với vụ trước gần 100ha.

Ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Việc diện tích mía tăng là không tránh khỏi vì năm rồi giá mía ở mức cao, nông dân lãi nhiều. Sở đang khuyến cáo nông dân nên phá bỏ vườn tạp và san bằng đất trồng tràm kém hiệu quả để trồng mía nhưng không nên chuyển vườn cây ăn trái và lúa sang trồng mía”.

Ngày 28-6, ông Phan Hồng Phước - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nông dân đang đầu tư lớn cho cây mía vì vụ vừa rồi giá mía cao. Nếu mía rớt giá thì 85% nông dân trong xã sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đa số nông dân đã ký hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) với giá 600 đồng/kg nên chuyện đầu ra cũng không đáng lo…”.

Ở thị xã Vị Thanh, nông dân cũng ồ ạt phá bỏ vườn dâu để trồng mía. Ông Nguyễn Văn Thu (xã Hỏa Lựu) đã hạ vườn dâu 2.000m2 để trồng mía. Ông Thu cho biết: “Vườn dâu 8 năm tuổi nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không lớn.

Vì vậy gia đình quyết định chuyển sang trồng mía mong có thu nhập cao hơn vì năm rồi giá mía rất cao”. Còn ông Nguyễn Văn Dơi ở ấp 2A, xã Vị Tân, thị xã Vị Thanh đang trồng hơn 2ha mía. Năm nay ông đã cải tạo thêm vườn tạp chuyển qua trồng mía với hy vọng giá mía cao như năm vừa rồi và thu nhập từ cây mía sẽ tăng lên.

Người trồng mía lo âu

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, năm nay người trồng mía sẽ gặp nhiều khó khăn khi đầu vụ nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía. Đồng thời, thông tin giá đường trong thời gian tới sẽ giảm đang làm người trồng mía không khỏi lo âu. Ông Nguyễn Văn Dơi lo lắng: “Năm nay nhiều người đổ xô trồng mía nên khả năng mía rớt giá là rất cao. Giá phân bón, nhân công đều tăng nên việc đầu tư cho cây mía lớn hơn các vụ trước. Nếu như giá mía không ở mức cao như vụ vừa rồi thì nông dân sẽ bị thua lỗ”.

Ông Võ Văn Sơn - Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho biết: “Còn khoảng hơn 2 tháng nữa mới bắt đầu vào vụ mía nhưng dự báo năm nay người trồng mía và các nhà máy đường sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Giá đường thế giới thì biến động liên tục và có xu hướng giảm mạnh.

Đường lậu tràn vào nhiều với giá rẻ gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường đường trong nước. Khi đó, giá đường giảm sẽ kéo theo giá mía giảm và ảnh hưởng rất lớn đền đời sống của người trồng mía”.

Thêm một vụ mía nữa mà người trồng mía đang thấp thỏm lo âu về giá và khả năng tiêu thụ sản phẩm... Với diện tích tăng như hiện nay thì chuyện thêm một vụ mía “đắng” với nông dân ĐBSCL rất có thể xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem