Chưa tính hết những hệ lụy của thủy điện

Thứ sáu, ngày 11/11/2011 07:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tôi cho rằng, vừa qua chúng ta quá ưu tiên cho thủy điện nên đã cho xây dựng quá nhiều nhà máy mà chưa tính hết các hệ lụy có thể xảy ra!”
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội ngày 10.11.

Thủy điện mọc lên tràn lan khắp các lưu vực sông và đang gây hại cho dân do xả lũ tùy tiện (như ở Quảng Nam, Phú Yên). Có phải chúng ta mất kiểm soát việc xây dựng nhà máy thủy điện, thưa ông?

-Đúng là thủy điện còn nhiều bất cập, vì thế cần phải tính toán giải pháp phù hợp, đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước đối với hồ chứa (thủy điện, thủy lợi). Tuy nhiên, để hạn chế mặt trái của thủy điện thì cần tiếp tục nghiên cứu thêm để điều chỉnh quy định pháp luật.

img
Thủy điện xả lũ nên gây ngập nặng ở nhiều địa phương miền Trung.

Riêng việc quản lý xả nước hồ chứa là rất khó khăn vì có tính hai mặt như vừa phải tích nước chứa trong hồ để phục vụ sản xuất điện và vừa phải xả lũ đón đầu. Cái gì chúng ta cũng muốn là điều không thể. Tất nhiên, trong thực tế, có nơi này nơi khác nảy sinh một số vấn đề, bất cập liên quan đến xả lũ thủy điện nên các địa phương và ngành chức năng phải theo sát chủ đầu tư và liên tục kiểm tra.

Theo ông, đến lúc này liệu chúng ta có nên tạm dừng xây mới thủy điện?

- Một số thủy điện có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không đạt yêu cầu, Bộ TNMT dứt khoát bác bỏ và yêu cầu làm lại như Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Các bộ ngành sẽ tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Cá nhân tôi cho rằng vừa qua chúng ta quá ưu tiên cho thủy điện nên đã cho xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện mà chưa tính hết các hệ lụy có thể xảy ra.

Quy trình yêu cầu chủ đầu tư thủy điện chỉ thông báo việc xả lũ trước 48 giờ là thời gian quá ngắn để dân sơ tán?

- Vấn đề này cũng liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ TNMT. Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước nên Bộ TNMT sẽ tiếp thu và xem xét, nghiên cứu để có đề nghị chỉnh sửa những mặt bất hợp lý.

Theo ông, chủ đầu tư dự án phải bồi thường không nếu xác định đúng lý do chủ quan làm lũ nghiêm trọng thêm?

- Cái đó là đương nhiên, chúng ta phải quy định điều này và đây là việc cần thiết để ngăn chặn những trận lũ lụt do nhân tai.

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội: Cần một bàn tay sắp xếp toàn diện

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có đánh giá tác động của thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới đời sống người dân.

Thêm nữa, vấn đề quy hoạch tổng thể thủy điện rất quan trọng nhưng hiện làm chưa tốt. Tôi là ĐB của Lâm Đồng nên tôi biết, Lâm Đồng vừa qua cũng đã cắt giảm nhiều dự án thủy điện trong quy hoạch của mình vì nó cũng ảnh hưởng tới đất rừng chứ không chỉ riêng chuyện xả lũ.

Nhưng ở cấp độ vĩ mô, phải có quy hoạch tổng thể, chứ giao cho từng địa phương thì Lâm Đồng chỉ biết Lâm Đồng, Phú Yên chỉ biết Phú Yên. Do vậy, cần một bàn tay sắp xếp toàn diện và cái này thuộc trách nhiệm Chính phủ. Việc thanh tra, kiểm tra thuỷ điện cũng phải tăng cường mạnh hơn nữa, còn tất cả vi phạm đều đã có chế tài xử lý rồi, vấn đề là mình có làm hay không thôi.

Thừa Thiên - Huế: Hàng chục ha cao su ngập nặng

Ngày 10.11, tin từ UBND huyện Phong Điền, Thủy điện Hương Điền ở đầu nguồn sông Bồ xả lũ những ngày qua đã gây ngập nhiều diện tích cao su và rừng trồng của người dân trên địa bàn. Theo thống kê ban đầu, đã có hơn 56 ha cao su và 28 ha rừng trồng của người dân xã Phong Sơn bị ngập sâu. Trong đó, nhiều diện tích cao su đã bị chết do ngập nước dài ngày và số cây chết ngày càng tăng nhanh. Tình trạng này khiến hàng chục hộ dân trồng cao su có nguy cơ bị trắng tay, mất khả năng trả nợ ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem