Chưa tới Tết Trung Thu, nhiều nhãn bánh đã giảm giá mạnh vì ế khách

Thùy Anh Thứ năm, ngày 16/09/2021 13:27 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Vì thế, cùng với việc cắt giảm sản xuất, nhiều đơn vị, cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu đã phải giảm giá sâu dù chưa tới rằm tháng 8.
Bình luận 0

Bánh Trung thu giảm giá từ 30- 50%

Điểm qua một số thương hiệu bánh Trung Thu lớn, nhỏ tại Hà Nội, chúng tôi ghi nhận các tiệm bánh vẫn hoạt động, nhưng công suất, sản lượng bánh đều giảm ít nhiều.

Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ cơ sở sản xuất bánh Trung Thu Bình Chung (phường Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng than thở, chưa có năm nào thị trường bánh trung thu chật vật như năm nay, làm thì vất vả mà bán cũng khó khăn.

"Hà Nội giãn cách, chúng tôi thiếu người làm, trong khi đó, khách hàng cũng không di chuyển được nên không thể đi mua. Số lượng làm bánh giảm đi tới 70%, mỗi ngày làm có 30-400 cái, giá bán cũng giảm tới mức gần chạm đáy, không lãi mà bán mãi vẫn chưa hết", bà Bình nói.

Nhiều dòng sản phầm bánh Trung Thu từ bình dân tới cao cấp của hãng L'indochina giảm giá sâu dù chưa tới rằm. Ảnh: N.T

Nhiều dòng sản phẩm bánh Trung Thu từ bình dân tới cao cấp của hãng L'indochina giảm giá sâu dù chưa tới rằm tháng 8. Ảnh: N.T

Cũng bởi số lượng bánh bán chậm nên hiện cơ sở của bà chỉ giữ lại 8 công nhân, trong khi đó, như những năm trước, xưởng lúc nào cũng có tới 20 nhân công, thay ca làm cả ngày lẫn đêm.

Không riêng các cơ sở sản xuất bánh Trung Thu gia truyền, nhiều thương hiệu bánh lớn như: Hồng Ngọc; Kinh Đô hay L'indochina cũng đang phải cắt giảm sản lượng, thậm chí giảm giá sâu, nhưng người mua vẫn khá vắng.

Dù còn gần 1 tuần nữa mới tới Trung Thu, nhưng nhãn hàng L'indochina cũng phải giảm giá sâu vì doanh số bán khá chậm. Bánh của thương hiệu này khá đa dạng, với gần chục loại bánh hương vị khác nhau, màu sắc, mẫu mã cũng rất đa dạng, đẹp. Có những hộp bánh bình dân tầm 500-600 nghìn đồng giảm giá tới 50%, có loại cao cấp giá lên tới gần 2 triệu đồng cũng giảm tới 30-40%.

Chị Công Thị Tám - Nhân viên bán hàng của hãng cho hay, dù giảm giá sâu nhưng việc đẩy hàng cũng rất khó, nhất với dòng cao cấp có giá từ trên 1 triệu đồng. Những dòng sản phẩm có giá bình dân giảm giá còn khoảng hơn 300 nghìn đồng là dễ bán nhất. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch, các quầy hàng cũng phải đóng cửa toàn bộ, công ty chỉ cung cấp, bán sản phẩm qua kênh bán hàng online.

"Năm trước, chúng tôi làm ra còn không đủ bánh cung cấp cho các công ty. Nhiều công ty đặt hàng nghìn chiếc để tặng công nhân, lao động, đối tác, nhưng năm nay các đơn hàng này gần như không còn", chị Tám nói.

Trên tmột số rang thương mại điện tử, còn áp dụng chính sách giảm giá bánh Trung Thu mua 1 tặng 1. Ảnh: Chụp màn hình

Trên một số trang thương mại điện tử còn áp dụng chính sách giảm giá bánh Trung Thu mua 1 tặng 1. Ảnh: Chụp màn hình

Nhiều nhãn hàng bánh Trung Thu lớn khác dù không công khai giảm giá, nhưng cũng ra thông báo nội bộ đề nghị chiết khấu, giảm giá từ 15-30% giá bán các sản phẩm. Thậm chí, nhiều bên còn liên kết với các tập đoàn đề nghị hỗ trợ tiêu thụ phân phối bánh. Đồng loạt trên các trang như: Lazada, Bách Hóa xanh, Tiki… cũng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kiểu như mua 1 tặng 1, hay giảm từ 20% nếu khách hàng mua hóa đơn từ 1 triệu đồng..

Bánh Trung Thu giảm giá sâu, người dân vẫn không hào hứng

Chị Nguyễn Thị Trang Ly (Cầu Giấy) cho biết, thông thường hàng năm vào dịp Tết Trung Thu, chị phải đặt mua cả chục hộp bánh đi biếu hai bên nội ngoại, biếu bạn bè, biếu đối tác. Thế nhưng, năm nay dịch bệnh, kinh tế hạn hẹp, cũng không tiện di chuyển nên chị bỏ luôn khoản tặng bánh.

"Năm nay tôi chỉ mua 3 hộp loại bánh cổ truyền để gửi bố mẹ hai bên và thắp hương trong nhà. Mấy khoản mua tặng cắt giảm hết vì kinh phí eo hẹp", chị Ly nói.

Xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu không hợp lý, giảm biếu tặng cũng bao phủ toàn thị trường bởi với nhiều khách hàng, bánh Trung Thu cũng không phải là mặt hàng thiết yếu.

Thời điểm này, nhiều cửa hàng sản xuất, bán bánh Trung Thu đã bắt đầu chạy chương trình giảm giá sâu. Ảnh: Hồng Tư

Thời điểm này, nhiều cửa hàng sản xuất, bán bánh Trung Thu đã bắt đầu chạy chương trình giảm giá sâu. Ảnh: Hồng Tư

Anh Nguyễn Văn Nam (Nam Từ Liêm) Hà Nội cho biết, từ nhiều tháng nay, hai vợ chồng anh bị giảm thu nhập sâu. Vì thế, giờ gia đình anh chỉ mua bán mặt hàng thiết yếu, mặt hàng như bánh Trung Thu phải cắt giảm hết.  

Chị Lê Thị Quỳnh - nhân viên bán bánh Kinh Đô cho biết, 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch nên lượng bánh tiêu thụ giảm mạnh. Năm nay, chị không mở quầy ngoài đường, cũng dừng nhận làm đại lý phân phối bởi việc bán hàng online số lượng ít, lời lãi không đáng kể.

"Theo dõi thị trường thì thấy những năm gần đây, thị trường bánh trung thu đã bão hòa, sản phẩm mới ra đời quá nhiều. Cung nhiều hơn cầu dẫn tới năm nào cũng có một lượng lớn bánh Trung Thu ế khách. Nhiều hãng chấp nhận giảm giá, xả hàng, thu hồi vốn sớm từ trung tuần 2 của tháng 8 âm lịch", chị Quỳnh nói.

Cũng theo chị Quỳnh, thông thường, bánh Trung thu chỉ bán mạnh vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm. Tới rằm thì các nhãn hàng đồng loạt giảm giá đẩy hàng. Người bán bánh nếu không tính toán kỹ được nhu cầu, xu thế tiêu dùng của người mua hàng thì có thể lỗ nặng.

"Bánh Trung Thu không phải mặt hàng thực phẩm bình thường, thời hạn bảo quản ngắn, nhu cầu mua cũng có hạn, mỗi nhà trung bình chỉ 2-3 chiếc, vì thế có giảm giá cũng không thể tăng sản lượng bán lên nhiều", chị Quỳnh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem