Đây là quan điểm của GS-TSKH Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long - về câu chuyện lùm xùm công nhận chức danh GS những ngày qua.
Chiều 2.3, Bộ GDĐT đã công bố kết quả rà soát 94 ứng viên GS, PGS theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, 41 ứng viên không được công nhận do hồ sơ không đảm bảo theo quy định hoặc có đơn xin rút (15 người xin rút).
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ - cùng nhiều quan chức khác như cục trưởng, giám đốc, vụ phó… đang làm công tác quản lý, cũng không được công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS đợt này.
Từ khi bùng nổ những tranh cãi về việc ở Việt Nam có nhiều nhà quản lý cũng làm GS, trong khi bản chất của “Giáo sư” chính là người làm nghề dạy học, GS-TSKH Hoàng Xuân Sính vẫn bảo lưu quan điểm: Làm quan chức thì không nên chạy đua để có được chức danh GS.
Theo bà lý do là: Nghiên cứu khoa học thì phải làm việc ở phòng thí nghiệm tối thiểu 12 tiếng/ngày, nếu không dành toàn tâm toàn sức như thế thì rất khó có được công trình đặc biệt. Chưa kể việc giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng mất nhiều thời gian. Làm việc nọ sẽ bị sao nhãng việc kia.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, không ai cấm việc quan chức tham gia làm hồ sơ để công nhận chức danh GS. Quy định bổ nhiệm chức danh GS hiện nay đang có những quy định cứng, nếu đáp ứng các tiêu chí, có minh chứng đầy đủ thì được công nhận, không đủ thì bị gạt ra, không liên quan đến việc họ là quan chức hay không.
Có điều trong tương lai, để tránh những lùm xùm xảy ra, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng cần phải sửa đổi quy định theo hướng: Nếu không làm việc ở các cơ sở đào tạo, không tham gia nghiên cứu, nhất quyết không được công nhận chức danh GS, PGS.
Bà cũng cho rằng, việc phong chức danh GS hiện nay chưa thực chất: “Chúng ta đang xét chức danh này như một thứ huân chương, có thể giữ suốt đời, thông qua nhiều cấp xét duyệt hồ sơ. Đối với những hội đồng liên ngành, xảy ra trường hợp, một GS ngành nọ phải chấm hồ sơ của ứng viên ngành kia. Thậm chí, “xét” mà không biết rõ người mình “xét”.
Vì thế, nếu người ta có ăn cắp công trình của người khác, khai hồ sơ không chuẩn thì cũng không phát hiện được. Như vậy là rất bất cập".
TS Lê Viết Khuyến. Ảnh: N. Khánh
Theo TS Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học - Bộ GDĐT), số hồ sơ "có vấn đề" bị để lại sau đợt rà soát chưa phải là tất cả, không có nghĩa những người đã "qua cửa" xứng đáng để nhận danh GS. Điều khó nhất hiện nay là hồ sơ khoa học của ứng viên chưa được công khai, nên chưa có việc giám sát từ xã hội.
Qua đợt rà soát này, TS Khuyến vẫn tiếp tục kiến nghị trong quy định mới cần trả lại việc công nhận, bổ nhiệm GS lại cho các trường đại học, để trả chức danh GS về đúng nghĩa của nó, chứ không phải là một thứ "trang sức" cho những người "háo danh".
Clip: VTV
Đặng Chung (Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.