Dự án này được đầu tư bởi Công ty Cổ phần Masan MEATLife ("MML") – một công ty thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN).
Đến dự lễ khánh thành có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng của Masan.
Phát biểu tại sự kiện, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: "Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, một trong những yếu điểm là chế biến sau thu hoạch. Việc Masan MEATLife đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất thịt mát tại Long An, áp dụng công nghệ hiện đại với dây chuyền sản xuất tiên tiến, cho ra thịt mát vừa đảm bảo vệ sinh an toàn, chất lượng cao, là sự đầu tư chế biến sâu có giá trị".
Những năm qua, ngành nông nghiệp ngày càng được quan tâm sâu sát, khắc phục dần những điểm yếu của nền nông nghiệp nước nhà, đặc biệt khi chúng ta phát triển theo nền kinh tế thị trường. Tổ hợp nhà máy sẽ mang đến nhiều hơn cơ hội sử dụng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam, cho người nông dân và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Nguyên Chủ tịch nước cũng nhắn nhủ với các lãnh đạo Masan là Long An "đất rộng, người hiền", sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư và mong đợi sự đầu tư mở rộng theo bước chân của Tập đoàn này để đóng góp hơn nữa cho sự phát triển nông nghiệp của Việt Nam.
Tại buổi lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định dự án Tổ hợp đầu tư chế biến thịt của Masan MEATLife có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh năm 2020 nước ta cũng như cả thế giới gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh xảy ra. Điều này cũng thể hiện sự nhanh nhạy của Tập đoàn Masan trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam còn những nút thắt lớn.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Ngành chăn nuôi, cung cấp thịt của Việt Nam có công suất 4 triệu tấn thịt lợn/năm. Trước đây chỉ có 25 cơ sở giết mổ ở mức có đầu tư công nghệ tiên tiến, hệ thống phân phối của ngành thì manh mún nhỏ lẻ thiếu quy chuẩn - cho thấy nút thắt lớn của cả ngành.
Đặc biệt là trong 3 năm gần đây, những vấn đề của ngành thể hiện rõ sự mất cân đối khi năm 2017 chúng ta phải giải cứu thịt lợn, năm 2019 đối mặt với dịch tả lợn châu Phi và đến năm 2020 thì lại lâm vào khan hiếm. Ngành hàng thịt lợn đang tồn tại rất nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta cần giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự ra đời của Tổ hợp Masan MEATDeli Sài Gòn thể hiện sự quyết tâm của doanh nghiệp khi tham gia khắc phục các vấn đề để nền nông nghiệp, chăn nuôi Việt Nam thực sự có những bước phát triển. Và trong 4 năm qua, kể từ năm 2017 khi đặt vấn đề đầu tư vào ngành cung cấp thịt, Masan đã có những bước tiến và đầu tư rất lớn, đã hoàn thiện hệ sinh thái để sẵn sàng cung cấp sản phẩm cho những vùng tiêu thụ lớn của cả nước.
"Trong đó, Tổ hợp Masan MEATDei Sài Gòn là dự án có quy mô rất lớn, công suất thịt 140.000 tấn cùng 15.000 tấn sản phẩm chế biến từ thịt mát, sẽ chiếm sản lượng 1/3 công suất của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò rất lớn trong liên kết sản xuất, cân đối giúp ngành chăn nuôi không còn bị rơi vào tình trạng "được mùa dội chợ", cung cấp đầy đủ sản phẩm giá thành hợp lý, chất lượng cao cho không chỉ TP Hồ Chí Minh, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các khu công nghiệp mà còn thúc đẩy sự tiếp cận sản xuất chăn nuôi nông nghiệp hiện đại, quy mô, theo chuỗi" - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị tỉnh Long An phối hợp cùng Masan xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, để có thực phẩm sạch từ nguyên liệu, doanh nghiệp và bà con kinh doanh - chăn nuôi cùng thắng. Cùng với đó là chăm lo mở rộng thị trường vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, tiến tới đa dạng hóa rổ thực phẩm với lợi thế thủy sản, gia cầm, trái cây từ địa phương.
Ông Phạm Trung Lâm - Tổng Giám Đốc Masan MEATLife cho biết: "Việc khánh thành tổ hợp chế biến thịt heo mát MEATDeli Sài Gòn và bước vào thị trường thịt gia cầm thông qua khoản đầu tư vào 3F VIỆT là các bước đi chiến lược hướng đến tầm nhìn chuyển đổi MML thành một công ty hàng tiêu dùng thực thụ".
Theo đó, Công ty CP Masan MEATLife (thuộc Tập đoàn Masan) đã chính thức công bố thương vụ rót 613 tỷ đồng để sở hữu Công ty CP 3F VIỆT, một doanh nghiệp có nền tảng sản xuất thịt gà lớn tại Việt Nam hiện nay.
MML cho rằng, thịt gia cầm đóng vai trò quan trọng thứ hai trong bữa ăn của gia đình Việt. Những hạn chế của thị trường này cũng tương tự như đối với thị trường thịt lợn: Năng suất thấp, vấn đề về chất lượng, thiếu sản phẩm mới và đột phá. Do đó, khoản rót vốn 613 tỷ đồng sẽ được 3F VIỆT dùng để mở rộng kinh doanh và xây dựng thương hiệu thịt gia cầm vững mạnh.
"Với hai cột mốc quan trọng này, chúng tôi kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng những giá trị đột phá, theo hướng có thể nhân rộng và phát triển để trở thành các thương hiệu mạnh số 1 tại Việt Nam. Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp sản phẩm thịt tươi ngon, dinh dưỡng, giá cả hợp lý và truy xuất được nguồn gốc cho mỗi và mọi người tiêu dùng Việt Nam" - ông Lâm phát biểu.
Trước đó, tháng 12/2018, MML khánh thành nhà máy MEAT Hà Nam , tổ hợp chế biến thịt mát đầu tiên tại Việt Nam và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATDeli tại Hà Nội. Nối tiếp những thành công ban đầu, MML tiếp tục đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến thịt thứ 2 - MEATDeli Sài Gòn tại tỉnh Long An nhằm phục vụ nhu cầu sản phẩm thịt tươi ngon, dinh dưỡng ngày càng gia tăng của hàng chục triệu người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Đến nay, MEATDeli đã phục vụ cho hàng triệu người tiêu dùng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, có mặt tại hơn 1.700 điểm bán, bao gồm hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+, siêu thị CoopMart, Big C, các cửa hàng MEATDeli và các đại lý…
Khởi đầu là một công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam với sản phẩm "BioZeem" - thương hiệu thức ăn chăn nuôi dẫn đầu về hiệu suất, Công ty Cổ phần Masan MEATLife (MML) đã mở rộng sang ngành kinh doanh thịt có thương hiệu theo mô hình hàng tiêu dùng. MML là công ty đầu tiên tại Việt Nam ra mắt thành công thương hiệu thịt mát "MEATDeli" theo công nghệ chế biến đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.