Sau thịt lợn mát, Masan rót 613 tỷ đồng để sở hữu Công ty 3F Việt, chính thức bước chân vào chế biến thịt gà

N.Lê Thứ bảy, ngày 03/10/2020 11:03 AM (GMT+7)
Sáng nay 3/10, trong khuôn khổ lễ khánh thành Tổ hợp chế biến thịt mát MEATDeli Sài Gòn (tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Công ty CP Masan MEATLife (thuộc Tập đoàn Masan) đã chính thức công bố thương vụ rót 613 tỷ đồng để sở hữu Công ty CP 3F VIỆT, một doanh nghiệp có nền tảng sản xuất thịt gà lớn tại Việt Nam hiện nay.
Bình luận 0

Sau thịt lợn, Masan "ôm" cả thịt gà

Sau thịt lợn mát, Masan rót 613 tỷ đồng để sở hữu Công ty 3F Việt, chính thức bước chân vào chế biến thịt gà - Ảnh 1.

Thịt lợn mát được chế biến tại Tổ hợp MEATDeli Sài Gòn.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám Đốc Masan MEATLife (MML) cho biết: "Với việc khánh thành Tổ hợp chế biến thịt heo mát MEATDeli Sài Gòn và bước vào thị trường thịt gia cầm thông qua khoản đầu tư vào 3F VIỆT là các bước đi chiến lược hướng đến tầm nhìn chuyển đổi MML thành một công ty hàng tiêu dùng thực thụ",

Theo ông Lâm, với hai cột mốc quan trọng này, MML kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng những giá trị đột phá, theo hướng có thể nhân rộng và phát triển để trở thành các thương hiệu mạnh số 1 tại Việt Nam. Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp sản phẩm thịt tươi ngon, dinh dưỡng, giá cả hợp lý và truy xuất được nguồn gốccho mỗi và mọi người tiêu dùng Việt Nam.

Vào tháng 12/2018, MML khánh thành nhà máy MEAT Hà Nam – tổ hợp chế biến thịt mát đầu tiên tại Việt Nam và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATDeli tại Hà Nội. Nối tiếp những thành công ban đầu, MML tiếp tục đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến thịt thứ 2 - MEATDeli Sài Gòn tại tỉnh Long An nhằm phục vụ nhu cầu sản phẩm thịt tươi ngon, dinh dưỡng ngày càng gia tăng của hàng chục triệu người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Tính đến nay, MEATDeli đã phục vụ cho hàng triệu người tiêu dùng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, có mặt tại hơn 1.700 điểm bán, bao gồm hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+, siêu thị CoopMart, Big C, các cửa hàng MEATDeli và các đại lý…

Sau 2 tổ hợp chế biến thịt lợn mát, tham vọng của Masan đã không dừng lại ở đó, mà tiếp tục lấn sang mảng chế biến thịt gà. Masan cho biết, khoản rót vốn  613 tỷ sẽ được 3F VIỆT dùng để mở rộng kinh doanh và xây dựng thương hiệu thịt gia cầm vững mạnh. Hiện giao dịch này đang chờ sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.

Sau thịt lợn mát, Masan rót 613 tỷ đồng để sở hữu Công ty 3F Việt, chính thức bước chân vào chế biến thịt gà - Ảnh 2.

 Cung cấp 155.000 tấn thịt lợn mát/năm cho người dân Sài Gòn và lân cận

Khởi công từ tháng 5/2019, dự án Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn có tổng diện tíchhơn 20ha, công suất thiết kế 1,4 triệu con lợn/năm, tổng số vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng, Ở giai đoạn 1, tổ hợp có quy mô 155.000 tấn sản phẩm thịt mát và thịt chế biến từ thịt mát.

Dây chuyền chế biến thịt của MEATDeli Sài Gòn được Marel - công ty hàng đầu thế giới về thiết bị chế biến thịt của Hà Lan cung cấp, ứng dụng tự động hóa với 3 robot trong hệ thống. Nhà máy được vận hành theo tiêu chuẩn BRC – tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về An toàn Thực phẩm, đạt chứng chỉ HACCP và do chính các chuyên gia giàu kinh nghiệm của EU trực tiếp vận hành, giám sát và kiểm nghiệm. Đồng thời, thịt mát MEATDeli đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12429:2018) về Thịt mát do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất và Bộ Khoa học Công nghệ công bố. Thịt mát MEATDeli áp dụng hệ thống kiểm soát "3 tuyến kiểm dịch" theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho miếng thịt khi đến tay người sử dụng.

Ở giai đoạn 1, tổ hợp cung cấp thịt mát với sản lượng 140.000 tấn/năm và thịt chế biến từ thịt mát như giò lụa, giò thủ, chà bông và các sản phẩm khác với sản lượng 15.000 tấn/năm. Ở giai đoạn 2, tổ hợp sẽ nâng sản lượng các sản phẩm thịt chế biến lên 25.000 tấn /năm, đồng thời, ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới như: bột huyết, huyết tương, collagen, bột thịt xương… với quy mô 14.000 tấn/năm.

Vì sao Masan bỏ 613 tỷ đồng để sỡ hữu 51% Công ty mới thành lập được 6 năm như 3F VIỆT?

Công ty Cổ phần 3F VIỆT được thành lập vào tháng 8/2014, là môt trong những công ty đầu tiên của người Việt triển khai mô hình FEED – FARM – FOOD để hiện thực hóa ý tưởng "từ trang trại đến bàn ăn".

3F VIỆT được sinh ra với sứ mệnh "Sáng tạo những giá trị dinh dưỡng độc đáo có nguồn gốc đạm động vật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng". 

Ông Nguyễn Quốc Trung- Chủ tịch 3F VIỆT cho biết: "Trong 6 năm qua, sản phẩm của công ty3F VIỆT đã được người tiêu dùng tin tưởng ủng hộ. Đội ngũ 3F VIỆT tin rằng công ty đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới. Chúng tôi tự tin với mối quan hệ đối tác chiến lược, đầu tư góp vốn và sức mạnh cộng hưởng từ Masan, nhất là khi tập đoàn này đã rất thành công trong việc xây dựng nhiều thương hiệu mạnh, và hệ thống phân phối toàn quốc, bao gồm các kênh hiện đại như hệ thống VinMart và VinMart+. 3F VIỆT sẽ hiện thực hóa sứ mệnh cung cấp các sản phẩm thịt gia cầm tươi, ngon cho đại đa số người tiêu dùng Việt Nam trong tương lai rất gần".

Lý giải về việc vì sao mở rộng đầu tư kinh doanh sang chế biến thịt gà, đại diện của MML cho biết, Bởi theo đánh giá của MML, thịt gia cầm đóng vai trò quan trọng thứ hai trong bữa ăn của gia đình Việt. Những hạn chế của thị trường này cũng tương tự như đối với thị trường thịt lợn: Năng suất thấp, vấn đề về chất lượng, thiếu sản phẩm mới và đột phá. Trong bối cảnh đó, 3F VIỆT, một doanh nghiệp nội địa thành lập vào năm 2014, nổi lên với vai trò đi đầu về các sản phẩm từ gia cầm như thịt gà mát đóng gói và các sản phẩm chế biến từ thịt gà.

Nền tảng của 3F VIỆT là chuỗi giá trị trải đều từ con giống, trại ấp, trại thịt đến cơ sở chế biến và đóng gói quy mô lớn. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm và nhà máy chế biến của 3F VIỆT đạt các tiêu chuẩn của các hệ thống quản lý chất lượng .Với mô hình hoạt động hiệu quả, 3F VIỆT hướng đến mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ và hòa vốn trong năm tài chính 2020.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nước ta đang có tổng đàn gà lên tới 500 triệu con, song số lượng các nhà máy chế biến, giết mổ gà còn rất ít, hầu hết thịt gà được giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ, thủ công, không đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau thịt lợn mát, Masan rót 613 tỷ đồng để sở hữu Công ty 3F Việt, chính thức bước chân vào chế biến thịt gà - Ảnh 4.

Ông Dany Le- Tổng Giám đốc Masan Group, một chuyên gia về M&A

Masan sẽ tiếp tục mua bán, sáp nhập

Trước thương vụ đầu tư 613 tỷ đồng mới nhất để sở hữu 51% 3F VIỆT, Masan đã thực hiện hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập các công ty chế biến thực phẩm, đồ uống như nước khoáng Vĩnh Hảo, Quang Hanh, Vinacafe Biên Hòa, bia Phú Yên...; Masan cũng từng bước tăng vốn đầu tư và nâng dần tỉ lệ sở hữu cổ phần vào các ông lớn như Vissan- chuyên chế biến thịt hay Cholimex- Công ty CP Chợ Lớn.

Đặc biệt, vào cuối năm 2019, Masan đã thực hiện thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất, đó là mua lại chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+ và VinEco từ Tập đoàn Vingroup. Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Masan cũng chính thức công bố kế hoạch sẽ chi 1 tỷ USD để mua lại toàn bộ 15% cổ phần còn lại của Vingroup ở VinComerce để sở hữu 100% cổ phần của đơn vị nắm giữ thương hiệu Vinmart này.

Cũng tại đây, trả lời câu hỏi của các cổ đông về việc, liệu Masan có tiếp tục thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong tương lại, ông Dany Le- Tổng Giám đốc Masan Group- một chuyên gia về M&A khẳng định: hắc chắn là có, nhưng nó diễn ra vào thời điểm nào và M&A lĩnh vực gì, thì chúng tôi chưa biết và chưa thể nói được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch HĐQT Masan Group cũng tiết lộ, bán lẻ sẽ là lĩnh vực mà Masan rất quan tâm đầu tư. "Tại Masan, chúng tôi luôn xuất phát với một vạch đích được xác định rõ ràng. Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%. Yếu tố thay đổi cuộc chơi là khi Masan không chỉ có kênh mua sắm hiện đại cho các cư dân thành thị mà còn mang trải nghiệm tuyệt vời này đến phục vụ cả người tiêu dùng ở nông thôn"- ông Nguyễn Đăng Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang, Masan đang ở vị thế sẵn sàng cho sứ mệnh này nhờ mối quan hệ mật thiết và lâu dài sẵn có với hơn 300.000 điểm bán lẻ truyền thống (GT). Từ chỗ đơn thuần bán sản phẩm của Masan như hiện nay, họ sẽ trở thành một phần trong nền tảng bán lẻ của chúng tôi thông qua mô hình nhượng quyền và mối quan hệ đối tác mật thiết, giúp mang đến lợi ích cho cả hai bên và cho chính người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng khẳng định: "Năm 2020, Masan Group sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà sẽ nỗ lực để đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng quy mô. Tôi tin rằng nếu cùng thực thi quyết liệt và kiên định với chiến lược, chúng tôi không những sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận 2 chữ số".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem