Đầu tiên là một trận động đất mạnh 7,1 độ Richter làm rung chuyển Nhật Bản, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, bán tháo cổ phiếu. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao ngay cũng vượt trên 110 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 30 tháng qua, do chiến sự tại Libya có thể diễn biến phức tạp. Cũng trong ngày hôm qua, ngân hàng trung ương châu Âu đã chính thức nâng lãi suất cho vay cơ bản từ 1% lên 1,25%.
|
Thông tin xấu khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại |
Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 chốt phiên giảm 0,2% còn 1.333,51 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% còn 12.409,49 điểm. S&P 500 đã tăng 6% từ đầu năm đến nay, nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ và nhiều công ty lớn trong nước báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi, giúp giới đầu tư lạc quan hơn.
Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm mạnh trở lại hôm 5.4, khi biên bản cuộc họp định kỳ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) được công bố cho thấy các chuyên gia kinh tế có thể sẽ rút dần các biện pháp hỗ trợ để đảm bảo nền kinh tế có thể tự hồi phục từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chứng khoán châu Âu cũng mất điểm, với chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu đóng cửa giảm 0,3% còn 280,78 điểm. Chỉ số chứng khoán chính của 12 trong số 18 thị trường khu vực Tây Âu đều giảm, trong đó, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,6%, chỉ số DAX của Đức và chỉ số CAC 40 của Pháp cùng giảm 0,5%.
Tại khu vực châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật hôm qua đã công bố một nguồn quỹ trị giá 1 nghìn tỷ yen (tương đương 12 tỷ USD) để hỗ trợ cho vay trong 1 năm đối với các công ty bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần hôm 11.3. Chỉ số MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương chốt phiên chiều 7.4 tăng 0,3% lên 135,43 điểm.
Thúy Yên
Theo Bloomberg
Vui lòng nhập nội dung bình luận.