Chung tay bảo vệ, hỗ trợ người di cư trong bối cảnh đại dịch Covid-19

PV Thứ sáu, ngày 18/12/2020 22:52 PM (GMT+7)
Ngày 17/12, Tổng cục Dân số- KHHGĐ đã phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế IOM tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư với chủ đề “Tiếng nói của người di cư trong đại dịch Covid-19”.
Bình luận 0

Tại buổi lễ, ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết: Trên thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng số hơn 7 tỷ người. Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. 

Người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quốc gia đi, tăng cường sự giao thoa văn hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết, kết đoàn giữa nơi đi và nơi đến.

Chung tay bảo vệ và hỗ trợ người di cư trong bối cảnh đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) phát biểu khai mạc lễ mít tinh.

Ngày Quốc tế Người di cư với chủ đề "Tiếng nói của người di cư trong đại dịch Covid-19" nhằm tạo cơ hội để lắng nghe tiếng nói,  những câu chuyện ý nghĩa, những trải nghiệm và mong đợi của người di cư về hành trình của họ trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu. 

Sự kiện đồng thời là dịp để kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, các bên có liên quan và người di cư cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư.  

Sự lây lan của đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Người di cư ở nước ngoài dễ bị tổn thương bởi tác động của Covid-19 hơn những người không di cư vì các yếu tố cá nhân, môi trường xã hội. Người di cư không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập mà còn có thể bị kỳ thị. 

Quan trọng hơn hết, người di cư cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 như người dân của các nước sở tại. Tuy nhiên, rào cản văn hóa - ngôn ngữ và tình trạng kinh tế xã hội có thể hạn chế họ tiếp cận với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.

"Chúng ta đã và đang chứng kiến một thực tiễn hiện nay là đại dịch Covid-19 đang càn quét trên khắp hành tinh. Việc di chuyển, tiếp xúc của người di cư quốc tế làm tăng nguy cơ lây lan của dịch bệnh giữa các quốc gia trên toàn cầu. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với những vẫn đề như mất việc làm, giảm lương và đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe của bản thân và gia đình họ.

Chính vì vậy, Ngày Quốc tế Người di cư năm nay, Liên Hợp Quốc lấy chủ đề: "Tiếng nói người di cư trong đại dịch COVID-19" nhằm kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức, các cộng đồng và cả người di cư cùng chung tay bảo vệ và hỗ trợ người di cư", ông Nghị nhấn mạnh.

Bà Park Mihyung Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng những đóng góp của người di cư đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19: "Chúng ta phụ thuộc vào người di cư nhiều hơn chúng ta tưởng. Chính người di cư là lực lượng lao động thiết yếu ở mỗi quốc gia. 

Ở quê hương tôi, những người di cư, trong đó có rất nhiều người đến từ Việt Nam, đã làm ra nhu yếu phẩm, xây những ngôi nhà chúng tôi ở, và sản xuất, vận chuyển thực phẩm để chúng tôi có được bữa cơm bên gia đình. Cũng những lao động ấy chăm sóc khi chúng tôi ốm, ngay cả khi nhiễm Covid-19, và chăm sóc những đứa trẻ, người già trong gia đình chúng ta".

Chung tay bảo vệ, hỗ trợ người di cư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Trong dịch Covid-19, những người di cư, rời nhà lên TP làm lao động tự do càng gặp nhiều rủi ro hơn. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có dân số 96,2 triệu người và là quốc gia có dân số đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN.

Trong đó, di cư nội địa trong 5 năm qua của nước ta là hơn 7% dân số. Báo cáo của Bộ Ngoại giao năm 2016 cho thấy số lượt người Việt Nam di cư quốc tế là khoảng hơn 10 triệu lượt người.

Cũng theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68,0% tổng dân số. Dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến nhóm đối tượng người di cư. Trong đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.

Cùng với đó, một số chương trình, dự án đã được thực hiện nhằm hỗ trợ người di cư. Nhiều chuyên gia đã cùng nhau kêu gọi các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân chung tay bảo vệ, hỗ trợ người di cư để họ vượt qua đại dịch.

"Nhân ngày Quốc tế Người Di cư, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây ngày hôm nay nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, thực hiện tốt việc phòng chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19 vì những hành trình khỏe mạnh, an toàn, vì hạnh phúc của mỗi người di cư, của gia đình họ và của cả cộng đồng".

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem