Nhưng sau khi Quốc hội Mỹ thông qua khoản 4 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và những người tị nạn Ukraine ở các nước lân cận hồi tháng trước, nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa không có hứng thú với việc tài trợ thêm cho chương trình viện trợ lương thực toàn cầu.
Ngoài ra, những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, như hạn hán trên diện rộng năm ngoái, thời điểm gieo trồng, chi phí phân bón lẫn nhiên liệu đều tăng cao đang hạn chế khả năng của Mỹ để lấp đầy khoảng trống về lương thực do cuộc khủng hoảng Ukraine tạo ra.
Chris Coons (D-Del.), một trong những thượng nghị sĩ Mỹ đang thúc đẩy viện trợ lương thực bổ sung cảnh báo rằng, "nạn đói hàng loạt là một mối đe dọa thực sự, sắp xảy ra".
Đáng chú ý, một số nghị sĩ Mỹ như Coons, Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa ở Nam Carolina và các thượng nghị sĩ cùng chí hướng khác đang cảnh báo rằng, tình trạng thiếu lương thực lan rộng có thể gây ra cuộc di cư ồ ạt và gây bất ổn chính trị trên khắp Bắc Phi và Trung Đông, từ đó có thể đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Bình luận về tình trạng thiếu lương thực lan rộng, một phụ tá cấp cao của Thượng viện Mỹ gần đây đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi thấy cơn bão đang đến và chúng tôi cảm thấy không chuẩn bị đủ để đối phó với điều này".
Bob Menendez (DN.J.) và Jim Risch (R-Idaho), các nhà lập pháp hàng đầu của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 5/4 đã gửi thư yêu cầu chính quyền Biden phát triển một chiến lược để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Các quan chức tại Cục Kinh tế và Kinh doanh của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang theo dõi chặt chẽ tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine.
Ramin Toloui, người đứng đầu văn phòng cho biết: “Các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi, có nguy cơ cao hơn do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine".
Toloui cho biết, các quan chức Mỹ đang làm việc với các đồng minh, các cơ quan đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực.
Các quan chức Mỹ đặc biệt lo ngại về các quốc gia như Afghanistan và Yemen, những quốc gia vốn đang hứng chịu khủng hoảng đói kém nghiêm trọng, cũng như Lebanon, nơi 3/4 dân số sống trong cảnh nghèo đói.
Đặc biệt là Lebanon, đất nước này mua khoảng 80% ngũ cốc từ Nga và Ukraine trước xung đột. Một vấn đề đáng ngại khác, Lebanon chỉ có thể dự trữ lượng lúa mì khoảng một tháng sau vụ nổ Beirut năm 2020 phá hủy các hầm chứa ngũ cốc chính của nước này.
Với tình trạng thiếu hụt lương thực chồng chất, Mỹ đang thúc ép Ấn Độ, Argentina, Trung Quốc và các quốc gia có trữ lượng ngũ cốc đáng kể khác phải đóng góp một phần nguồn cung của họ cho Chương trình Lương thực Thế giới hoặc ít nhất là bán ra thị trường toàn cầu.
Sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G7 vào cuối tháng trước, Tổng thống Biden đã cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu. Ông Biden nói thêm rằng, Mỹ và Canada, hai nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới đã thảo luận về cách thức hai nước có thể viện trợ nhiều hơn ngũ cốc cho nước ngoài để giúp lấp đầy khoảng trống về nguồn cung lương thực do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.
Nhưng khi các quan chức Mỹ đang nỗ lực để giảm bớt tình trạng thiếu hụt lương thực, họ đang phải đối mặt với những thách thức khác: Đó là dự trữ lúa mì toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ, đang thấp hơn bình thường sau đợt hạn hán kỷ lục năm ngoái.
Nhu cầu cao hơn đối với lúa mì, ngô và các nguồn cung cấp lương thực khác cũng đang tăng lên vào thời điểm nông dân trên toàn thế giới đang chịu áp lực tài chính lớn do chi phí tăng cao cho nhiên liệu, phân bón, hạt giống và các đầu vào nông nghiệp khác.
Mỹ thúc giục nông dân tăng sản lượng để hưởng lợi về giá
Tại Mỹ, Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của chính quyền Biden nói với các phóng viên vào tuần trước rằng, Nhà Trắng mong muốn nông dân Mỹ tăng sản lượng để hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine.
Ông Rouse nói thêm rằng chính phủ Mỹ, bao gồm USAID đang làm việc với các đối tác và các tổ chức quốc tế khác để “cung cấp lương thực và giảm bớt áp lực giá cả” cho các quốc gia có nhu cầu.
Nhưng trái với kỳ vọng của chính phủ, nông dân Mỹ, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp nước này, chỉ có kế hoạch gieo trồng trên diện tích bằng với năm ngoái, thậm chí, trồng ít ngô hơn, làm tăng thêm lo ngại về nguồn dự trữ ngũ cốc.
Quan chức thuộc Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ cho rằng, Nhà Trắng “hoàn toàn ngây thơ” khi nói rằng nông dân Mỹ có thể tăng sản lượng trong bối cảnh chi phí sản xuất và nhiên liệu tăng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.