Chuỗi ICT tăng trưởng mạnh quý 3, lộ cơ sở dự báo quý sau không mấy sáng sủa của Thế Giới Di Động (MWG)

An Vũ Thứ bảy, ngày 12/11/2022 09:10 AM (GMT+7)
SSI Research cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài trong vài quý tới, do đó sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng Điện Máy Xanh, TGDD và Topzone của Thế Giới Di Động (MWG).
Bình luận 0

Trong quý 3/2022, Công ty CP Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu đạt 32 nghìn tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 907 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ). Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 102,8 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ) và 3,48 nghìn tỷ đồng (tăng 4,3% so với cùng kỳ), hoàn thành 73% và 55% kế hoạch năm. Với tiến độ như vậy, trong báo cáo phân tích mới gửi, SSI Research cho rằng MWG có thể khó hoàn thành kế hoạch năm nay.

Chuỗi ICT & CE (TGDD, Điện Máy Xanh và Topzone) tăng trưởng tốt trong quý 3/2022

Doanh thu quý 3 năm 2022 tăng lên 24 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ) từ mức cơ sở thấp của năm ngoái, khi công ty phải chịu tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam Việt Nam.

Tính đến quý 3/2022, công ty có 1.116 cửa hàng TGDD (tăng 146 cửa hàng so với đầu năm), 2.246 cửa hàng Điện Máy Xanh (tăng 254 cửa hàng so với đầu năm, trong đó có 219 cửa hàng Điện Máy Xanh Supermini) và 71 cửa hàng Topzone (tăng 61 cửa hàng so với đầu năm)

Mặc dù doanh thu tăng trưởng tốt (tăng 26% so với cùng kỳ) trong 9 tháng đầu năm 2022, công ty cho rằng chi tiêu của người tiêu dùng trong những quý tới sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát và khả năng suy thoái kinh tế. Do đó, ban lãnh đạo công bố kế hoạch ngừng mở mới trong thời gian tới để tập trung cắt giảm chi phí và đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh tín dụng từ hệ thống ngân hàng bị thắt chặt.

Chuỗi ICT tăng trưởng mạnh quý 3, lộ cơ sở dự báo quý sau không mấy sáng sủa của Thế Giới Di Động (MWG) - Ảnh 1.

Ảnh: Chụp màn hình

Chuỗi cửa hàng bách hóa (BHX)

Doanh thu quý 3 năm 2022 giảm xuống 7,2 nghìn tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ), do công ty đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả và mức cơ sở cao của năm ngoái khi các cửa hàng bách hóa thương mại hiện đại tăng được lượng khách hàng trong lúc chợ truyền thống phải đóng cửa ở các tỉnh miền Nam Việt Nam.

Tính đến quý 3/2022, công ty có 1.727 cửa hàng BHX (giảm 379 cửa hàng so với đầu năm). Bên cạnh việc thay đổi cách bố trí cho tất cả các cửa hàng BHX, công ty cũng đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả vào tháng 6 và tháng 7 năm 2022, do đó phát sinh chi phí ghi nhận một lần trong quý 2 và quý 3 năm 2022. 

SSI Research ước tính công ty sẽ ghi nhận khoảng 246 tỷ đồng cho khoản chi phí một lần này trong quý 3/2022. Nếu loại trừ khoản chi phí này, SSI Research ước tính lợi nhuận ròng trong quý 3/2022 của công ty sẽ tăng 40% so với cùng kỳ, và tỷ suất LNTT trong quý 3/2022 của BHX cải thiện 1% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Mặc dù đóng cửa 162 cửa hàng trong quý 3 năm 2022, nhưng doanh thu mảng BHX trong quý 3/2022 đã cải thiện 6,5% so với quý trước, cho thấy doanh thu trên mỗi cửa hàng được cải thiện sau khi thay đổi cách bố trí cửa hàng. Đây sẽ là yếu tố chính giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho mảng BHX trong thời gian tới. Tính đến quý 3 năm 2022, tỷ lệ nợ/VCSH của MWG là 0,98 lần, trong khi tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu là 0,3 lần.

Tỷ suất lợi nhuận gộp tổng thể giảm từ 25% trong quý 3/2021 xuống 23,1% trong quý 3/2022. SSI Research cho rằng, cả hai mảng BXH và ICT & CE đều ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn trong quý 3/2022 so với giai đoạn quý 3/2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai đã giúp công ty đạt được biên lợi nhuận cao bất thường nhờ doanh thu máy tính xách tay cao trong cơ cấu sản phẩm và doanh thu các cửa hàng BHX tăng lên khi người tiêu dùng chuyển từ chợ truyền thống sang các cửa hàng bách hóa thương mại hiện đại để tích trữ thực phẩm trong thời kì giãn cách xã hội.

Công ty đã chuyển từ ghi nhận 124 tỷ đồng lãi từ hoạt động tài chính trong quý 3/2021 sang lỗ 86 tỷ đồng trong quý 3/2022 do phải chịu lãi suất vay cao hơn cũng như thời hạn vay dài hơn.

Lạm phát tiếp tục tăng làm giảm tốc độc tăng trưởng doanh thu của Thế giới Di động

Lạm phát làm tăng chi phí cho MWG, đồng thời làm giảm sức mua của người tiêu dùng, do đó công ty khó có thể chuyển phần tăng lên của chi phí sang giá bán cho khách hàng. SSI Research cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài trong vài quý tới, do đó sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng Điện Máy Xanh, TGDD và Topzone.

Điều này, cùng với việc mở mới cửa hàng chậm lại, sẽ gây áp lực giảm lợi nhuận của mảng ICT & CE vào năm 2023.

Chi phí tài chính có thể tăng lên do: xu hướng tăng của lãi suất; cơ cấu lại nợ sang kỳ hạn dài hơn và; VND mất giá. SSI Research ước tính USD sẽ tăng giá 4,2%, trong khi lãi suất cho vay dự kiến sẽ tăng 50-100 bps trong quý 4 năm 2022, điều này sẽ làm giảm đáng kể doanh thu tài chính của công ty. Vào năm 2023, SSI Research kỳ vọng USD sẽ tăng giá ở mức nhẹ hơn (khoảng 1-2% vào năm 2023 so với 9% vào năm 2022), trong khi lãi suất dự kiến sẽ tăng 100-150 bps (so với 300-400 bps vào năm 2022) . Do đó, trong giai đoạn 2022-2023 ước tính công ty sẽ ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 227 tỷ đồng và 104 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.

Đối với mảng BHX, SSI Research kỳ vọng khả năng sinh lời sẽ cải thiện từ quý 4/2022 trở đi nhờ doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng được cải thiện và không phát sinh chi phí một lần liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả (công ty đã ghi nhận 540 tỷ đồng khoản chi phí này trong quý 2/2022 và quý 3/2022).

Theo SSI, giá cổ phiếu MWG trong ngắn hạn có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thị trường bán tháo, diễn biến không tích cực liên quan đến việc tăng lãi suất, VND mất giá và rủi ro trái phiếu mất giá trị (MWG nắm giữ 1,6 tỷ đồng trái phiếu thời điểm quý 3/2022)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem