Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM vì sao chưa được hưởng chính sách hỗ trợ?

Trần Đáng Thứ ba, ngày 23/04/2024 17:27 PM (GMT+7)
Những năm qua, TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhưng các chính sách này khi đi vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0
Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM vì sao chưa được hưởng chính sách hỗ trợ?- Ảnh 1.

Để Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành công, TP.HCM đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông cho nông dân. Ảnh: Nông dân TP đang được cán bộ Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM dạy nghề trồng rau sạch. Ảnh: T.Đ

Theo Sở NNPTNT, hiện nay TP đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, như nhóm chính sách về hỗ trợ tín dụng, gồm có: Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 55 của Chính phủ về tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn).

Bên cạnh đó, còn có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Quỹ trợ vốn xã viên HTX TP (Quỹ CCM) trực thuộc Liên minh HTX TP. Chính sách cho vay của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Và chính sách cho vay của Quỹ hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân TP.

Đặc biệt,TP đã ban hành và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, như Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay). TP hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư khi thực hiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2021, đã có 24.634 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 13.896,534 tỷ đồng, trong đó vốn vay được hỗ trợ lãi vay 8.435,678 tỷ đồng, ngân sách đã giải ngân hỗ trợ lãi vay 673,525 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có nhóm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, như chính sách khuyến nông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chính sách hỗ trợ chi phí tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súctrên địa bàn TP.HCM...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NNPTNT TP, các chính sách hỗ trợ này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do còn gặp nhiều khó khăn, cản trở khi đi vào thực tế, như công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt các chính sách của Trung ương, của địa phương ở cơ sở còn chưa thường xuyên liên tục. Một bộ phận nhân dân vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất đảm bảo qui mô để được hưởng chính sách hỗ trợ.

Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM vì sao chưa được hưởng chính sách hỗ trợ?- Ảnh 3.

Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang gặp khó khi còn một bộ phận nhân dân vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất đảm bảo qui mô để được hưởng chính sách hỗ trợ. Ảnh: T.Đ

Bên cạnh đó, một số chính sách đã ban hành nhưng chậm triển khai, nội dung triển khai các chính sách hỗ trợ đến nông dân còn hạn chế, chưa sâu sát và thu hút sự đồng thuận tham gia của người dân.

Việc triển khai chính sách đến với người dân, doanh nghiệp ở một số quận vùng ven có sản xuất nông nghiệp còn chậm. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa cao, mức độ tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp chưa tập trung.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, các chủ phương án chưa được nhận kinh phí hỗ trợ lãi vay. Điều này khiến cho nhiều chủ phương án hoang mang, bức xúc và đã có nhiều kiến nghị, phản ánh, cầu cứu,.. đến các cơ quan chức năng từ cấp xã, cấp huyện và đến cấp TP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem