Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Sẽ thành lập các khu bảo tồn biển

N.Linh Chủ nhật, ngày 26/12/2021 12:50 PM (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang có tờ trình và dự thảo quyết định gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu sẽ phục hồi lần lượt 30% và 70% hệ sinh thái ven biển bị suy thoái.
Bình luận 0
Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Sẽ thành lập các khu bảo tồn biển - Ảnh 1.

Khai thác thủy sản ven biển ở Cần Thơ. Ảnh: TCTS

Nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), các kết quả điều tra, nghiên cứu trong những năm gần đây đã cho thấy nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, môi trường sống của các loài thủy sản biển đang có xu hướng suy giảm trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vùng ven bờ.

Tại một số vùng biển, sự suy giảm đã đến mức báo động, mất hoàn toàn khả năng phục hồi như hệ sinh thái cỏ biển tại vùng cửa sông Hàn (Đà Nẵng) đã bị phá hủy hoàn toàn; hệ sinh thái san hô tại một số khu vực thuộc vùng biển Cô Tô và Đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh suy thoái trên 90% không còn khả năng phục hồi; hệ sinh thái tại một số khu vực ven đảo thuộc vịnh Nha Trang đã bị san lấp hoàn toàn.

Kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, nguồn lợi hải sản nước ta đang bị suy giảm với tốc độ nhanh. Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016-2020 còn 3,95 triệu tấn, tiếp tục suy giảm đáng kể (giảm 22,1% so với giai đoạn 2000-2005 và giảm 9,5% so với giai đoạn 2011-2015). Ngược lại, sản lượng khai thác hải sản lại có xu hướng tăng. Sản lượng khai thác hải sản đạt khoảng 2,866 triệu tấn vượt khả năng khai thác cho phép trung bình (ước tính khoảng 2,45 triệu tấn). Thậm chí, năm 2020, sản lượng khai thác hải sản ước đạt 3,63 triệu tấn.

Theo Bộ NNPTNT, năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) ước đạt 3,01% so với năm 2020, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020 (8,64 triệu tấn), trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn). Mặc dù có tăng so với năm 2020, song một số chỉ tiêu về nuôi trồng thủy sản không đạt kế hoạch đề ra (Sản lượng tôm sú đạt 94,5% kế hoạch; tôm thẻ chân trắng đạt 99,2%; cá tra đạt 96,1%).

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020 (8,41 tỷ USD), đạt 104,6% so kế hoạch (8,5 tỷ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, bằng 107,6% so với năm 2020 (tổng là 8,89 tỷ USD).

Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Sẽ thành lập các khu bảo tồn biển - Ảnh 2.

Sản lượng khai thác thủy sản liên tục tăng đã dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản trên biển. Ảnh: TCTS

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng khai thác quá mức, sử dụng các ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa, phát triển du lịch ở vùng ven biển, hàng hải; tình trạng san lấp, lấn biển để xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương diễn ra hết sức phức tạp; cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và đặc biệt là sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực tự nhiên.

Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Sẽ thành lập các khu bảo tồn biển - Ảnh 3.

Rạn san hô dưới biển Lý Sơn rất cần được bảo tồn. Ảnh: TCTS

Sẽ thành lập các khu bảo tồn biển, tập trung phục hồi hệ sinh thái ven biển

Một trong những điểm quan trọng được Bộ NNPTNT đưa vào dự thảo quyết định trình Thủ tướng phê duyệt, đó là sẽ thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-203 đưa tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,4% diện tích vùng biển Việt Nam.

Trong đó, các chỉ tiêu chính được đưa ra trong giai đoạn đến 2025, đó là:

- Trữ lượng nguồn lợi thủy sản được duy trì tương đương với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016 - 2020.

- Phục hồi 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển.

- Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tổ chức thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- 5% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thủy vực tự nhiên.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lợi thủy sản được xây dựng hoàn thiện, được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Đối với giai đoạn đến 2030, các nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào:

- Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản được thực hiện đầy đủ, liên tục; thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

- Trữ lượng nguồn lợi thủy sản phục hồi, tăng khoảng 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016-2020.

- Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển, nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam.

- Phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển.

- Ít nhất 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện tốt đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- 10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thủy vực tự nhiên.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất.

Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Sẽ thành lập các khu bảo tồn biển - Ảnh 4.

Dự kiến, sẽ có thêm nhiều khu bảo tồn biển được thành lập trong giai đoạn tới. Ảnh: TCTS.

Gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Để đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu trên Bộ NNPTNT đã xây dựng dự thảo chiến lược quốc gia về BVNLTS theo hướng tổ chức Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước theo định kỳ 5 năm; Xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, liên tục cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

Đối với việc bảo tồn biển: Sẽ tiến hành kiện toàn hệ thống các khu bảo tồn biển đã thành lập; rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển đã được thành lập; thành lập các khu bảo tồn mới; xây dựng hạ tầng thiết yếu, trang bị cơ sở vật chất của các khu bảo tồn biển; kết hợp xây dựng các trung tâm, trạm, cơ sở cứu hộ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại một số khu bảo tồn biển.

Đặc biệt, tổ chức phục hồi rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn tại các khu bảo tồn biển và khu vực biển ngoài khu bảo tồn biển đã được điều tra, đánh giá phù hợp với quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Về BVNLTS: Tổ chức quản lý các khu BVNLTS; khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; khu vực đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; Xây dựng và tổ chức thực hiện một số biện pháp bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như: Kế hoạch quốc gia về quản lý và bảo tồn các loài thú biển nhằm giảm thiểu đánh bắt không chủ ý đối với các loài thú biển...

Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản: Phục hồi hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là các hệ sinh thái điển hình như: san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều, cửa sông là nơi sống của các loài thủy sản.

Hình thành khu cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản; đặc biệt quan tâm đầu tư và triển khai thả rạn nhân tạo, nuôi cấy san hô, tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản ở một số khu vực có điều kiện thuận lợi, phù hợp.

Thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào các thủy vực.

Đặc biệt, trong chiến lược này cũng không thể thiếu sự vào cuộc của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, hướng tới củng cố lại các hình thức tổ đội sản xuất trên biển theo hướng khai thác gắn với quản lý, bảo vệ, nguồn lợi thủy sản môi trường sống của các loài thủy sản; hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát, thông báo kịp thời các hành vi khai thác gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng ven bờ của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và một số loại hình thủy vực tự nhiên như sông, hồ, hồ chứa, đầm phá, bãi bồi ven biển trong vùng nội địa phù hợp với nhu cầu của người dân; theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn...

Triển khai Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thu hút các nguồn tài chính của xã hội để hỗ trợ cho các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Sẽ thành lập các khu bảo tồn biển - Ảnh 5.

Hoạt động nuôi thủy sản trên lồng bè ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: TCTS.

Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản

Tăng cường năng lực quản lý, thực thi pháp luật trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tại các địa phương; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: tàu tuần tra, trang bị bảo hộ, công cụ hỗ trợ...

Đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản vi phạm quy định pháp luật về thủy sản, đặc biệt là hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, các phương pháp, phương tiện khai thác thủy sản có tính hủy diệt hoặc các nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.

Tiếp tục điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, bảo đảm phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi thủy sản theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác không thân thiện với nguồn lợi và môi trường, có tính chọn lọc thấp, khai thác thủy sản còn non ở vùng ven bờ và trong vùng nội địa.

Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Sẽ thành lập các khu bảo tồn biển - Ảnh 6.

11 Đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến 2030

Để thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển NLTS, Bộ NNPTNT đã dự thảo 11 Đề án, kế hoạch để thực hiện:

1. Dự án điều tra, đánh giá xác định mức độ xâm hại nguồn lợi của các nghề, ngư cụ khai thác thủy sản làm cơ sở khoa học cho việc ban hành danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.

2. Dự án nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Dự án thành lập các khu bảo tồn biển.

4. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ban quản lý các khu bảo tồn biển; xây dựng trung tâm, cứu hộ sinh vật biển tại một số khu bảo tồn biển.

5. Dự án phục hồi hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn bị suy thoái.

6. Dự án hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản.

7. Dự án thả tái tạo nguồn lợi thủy sản tại một số thủy vực vùng ven biển và nội địa.

8. Dự án xây dựng thí điểm các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 tại 7 vùng sinh thái trên cả nước.

9. Đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

10. Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

11. Kế hoạch hành động quản lý và bảo tồn một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (như rùa biển, thú biển, cá mập, cá đuối…).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem