Nhiều con chuột có virus Hanta
Gần đây, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một bệnh nhân (55 tuổi) bị giảm tiểu cầu, ho, sốt cao kéo dài, viêm phổi, có nổi mẩn đỏ qua da. Sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận, sức khỏe yếu. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta từ chuột. Bệnh nhân cho biết trước đó bị chuột cắn vào chân, đã đi tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên sau vài ngày thì ho, sốt cao, nổi mẩn đỏ ở da. Một ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận và sức khỏe yếu dần.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2012/images/2012-11-23/1434724914-281_14_chuot.jpg) |
Chuột là thủ phạm của gần 40 bệnh ký sinh trùng. |
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, virus Hanta ủ bệnh kéo dài khoảng vài tuần và có thể gây bệnh ở thận, phổi và nguy cơ gây tử vong ở người. Tuy nhiên chưa có vaccin phòng ngừa và thuốc đặc trị. Virus Hanta có trong chất bài tiết của chuột bị nhiễm bệnh như nước tiểu, nước dãi, phân. Thông qua các vết xước, niêm mạc mắt, mũi, miệng, virus Hanta sẽ ngấm vào cơ thể người. “Nếu điều trị không đúng, bệnh nhân có thể suy thận, gây tử vong. Tuy nhiên, không phải chuột nào cũng mang virus Hanta và ai bị chuột cắn cũng nhiễm bệnh” – tiến sĩ Siêu cho biết.
Bác sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh (phụ trách khoa Động vật, côn trùng y học Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi phát hiện bệnh nhân dương tính với virus Hanta do chuột cắn, Viện đã bắt 25 con chuột ngẫu nhiên quanh khu vực nhà bệnh nhân đó sinh sống để xét nghiệm. Kết quả 3/25 con chuột mang virus Hanta.
Nguồn lây nhiều bệnh
Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, gần đây thường xuyên có các bệnh nhân nhập viện vì sốt cao do bị chuột cắn. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, bệnh nhiễm độc do chuột cắn còn gọi là bệnh Sokodu.
“Người dân bị chuột cắn không chỉ đi tiêm phòng uốn ván mà cần theo dõi sức khỏe của mình sau đó. Nếu có các biểu hiện sốt cao, đau nhức, nổi mẩn đỏ, vết cắn bị sưng to thì cần đi viện để được chẩn đoán đúng bệnh”.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà
Thời kỳ ủ bệnh thường là 4-5 ngày đến tận 4 tuần sau khi bị chuột cắn. Theo bác sĩ Hà, điều đáng lo ngại là bệnh Sokodu do chuột cắn thường không có biểu hiện cấp tính mà kéo dài, thi thoảng mới sốt nên nhiều bệnh nhân không đi khám chữa. “Nếu không được điều trị, bệnh có thể kéo dài từ 1-2 tháng, tỷ lệ tử vong khoảng 6-10%” – bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại (nguyên chuyên viên Bộ Y tế) cho biết, chuột là thủ phạm của gần 40 bệnh ký sinh trùng và vi sinh vật khác nhau, có hại cho sức khỏe con người. Đồng thời, chuột sẽ truyền bệnh này cho các con vật nuôi khác trong nhà khiến nguy cơ lây nhiễm sang người càng tăng cao. Có thể kể đến các bệnh như dịch hạch, ghẻ, giun sán gây viêm màng não, bệnh chân voi, bệnh phong thấp…
Tuấn Kiệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.