Chuột hoành hành miền Tây, lúa thu đông thất bát

Chúc Ly Chủ nhật, ngày 11/09/2016 07:00 AM (GMT+7)
Đến thời điểm này, tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lũ chưa về, trong khi trên đồng ruộng, diện tích lúa được gieo trồng liên tiếp tạo môi trường thuận lợi cho chuột sinh sôi và phát triển nhanh. Nhiều nông dân như “ngồi trên đống lửa” khi diện tích lúa bị chuột cắn phá ngày càng tăng.
Bình luận 0

Vụ mùa thất bát

Từ đầu vụ đến nay, ông Phạm Thanh Toàn (ngụ ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) thường xuyên phải có mặt trên đồng mỗi sáng để thu gom xác chuột. Ông  cho biết: “Vụ thu đông năm nay tôi gieo sạ 1ha lúa  giống OM 5451, vài ngày nữa là thu hoạch, tuy nhiên năm nay năng suất sẽ giảm rất nhiều do chuột cắn phá dữ dội. Hầu như từ lúc sạ đến nay lúc nào cũng có chuột, lúc lúa mới lên thì nó cắn gốc, lúa trổ thì nó cắn phá ăn gạo”.

img

Nhà nông huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đào hang đặt bẫy diệt chuột. Ảnh: Chúc Ly 

Theo ngành chức năng các tỉnh, khác với dịch hại khác, việc tổ chức diệt chuột cần phải đồng loạt trong cả khu vực lớn. Khi sử dụng thuốc diệt chuột cần đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và môi trường. Đồng thời, không để ruộng khô nước, không để đất hoang, lùm bụi rậm rạp giữa đồng... là nơi ẩn nấp lý tưởng của chuột; kích thước bờ ruộng không nên lớn, nên dọn sạch cỏ.

Ông Toàn đã mua bả chuột về để diệt, thời gian đầu còn thấy xác chuột chết nhưng về sau thì không thấy nữa, mà lúa thì vẫn bị cắn phá. “Không chỉ riêng tôi mà hầu như cả khu vực này ai cũng bị như vậy” – ông Toàn than thở.

Cũng khó khăn như ông Toàn, ông Nguyễn Văn Cò (ngụ cùng ấp 3) vừa thu hoạch xong 4 công lúa nhưng chỉ thu được 2 tấn lúa, giảm 1 nửa so với năm trước. Ông Cò buồn rầu: “Năm nay, chuột cắn phá dữ quá, các biện pháp diệt chuột hầu như không có tác dụng. Năm nay, gia đình tôi xem như huề vốn vì cơ bản vụ này làm đã khó hơn các vụ khác mà lại bị chuột cắn phá, chắc năm sau không làm lúa thu đông nữa”.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, trong khoảng 10 ngày trở lại đây diện tích lúa thu đông bị chuột gây hại lên đến 377ha (tăng 160ha so với tuần trước), phân bố ở hầu hết các huyện, thị của tỉnh. Dự báo chuột tiếp tục gây hại trong thời gian tới trên diện rộng.

Không riêng gì Hậu Giang, các địa phương chuyên canh lúa khác trong vùng ĐBSCL cũng có tình trạng tương tự. Nhiều nông dân rất lo lắng cho năng suất lúa, nhưng đa số cho biết đành bất lực vì không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

Anh Lê Ngọc Thành (ngụ xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Năm nay lũ chưa về, mặt ruộng rất khô ráo, là điều kiện thuận lợi cho chuột phát triển. Nông dân cũng không còn cách nào khác vì diệt chuột thì chỉ có thể dùng các biện pháp thủ công, kém hiệu quả. Năm nay, năng suất lúa của gia đình tôi giảm khoảng 200kg/công”.

Cần nhiều biện pháp tổng hợp

Về nguyên nhân chuột xuất hiện tràn đồng, gây hại lúa trên diện rộng, có nhiều ý kiến lý giải khác nhau, trong đó có việc lũ chưa về nên chuột có điều kiện sinh sống, phát triển. Tuy nhiên, xét phương diện khoa học thì nguyên nhân chính là do nông dân canh tác liên tục nhiều vụ lúa trên đồng nên có thức ăn thường xuyên để chuột sinh sôi...

Chuột là một trong những loại sinh vật gây hại nguy hiểm đối với sản xuất nông nghiệp. Việc phòng trừ chuột đang là một vấn đề khó khăn đối với người dân vì chúng chủ yếu xuất hiện vào ban đêm và là loài động vật nhanh nhạy, hoạt động trên diện rộng nên khó diệt trừ.

Bà Nguyễn Thanh Thúy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang khuyến cáo: “Để phòng trừ chuột có hiệu quả nên áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật. Người dân có thể tìm hang chuột để diệt đồng loạt ở các cánh đồng gần nhau; dùng các loại bẫy, sử dụng các loại thuốc diệt chuột trong danh mục được phép sử dụng trong nông nghiệp, sử dụng thiên địch của chuột để diệt chuột. Đối với canh tác cần phát quang bờ, bụi rậm, gò đống... làm mất nơi cư trú của chuột”.

Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Đối với các phương pháp diệt chuột, bà con cần lưu ý sử dụng đồng loạt nhiều biện pháp để tăng hiệu quả. Đặc biệt chú trọng tiến hành diệt theo hình thức cộng đồng, cả khu vực cùng thực hiện. Tuyệt đối không khuyến cáo sử dụng bẫy điện, đây là biện pháp hết sức nguy hiểm có thể dẫn đến chết người. Chính quyền địa phương cần theo dõi sát việc làm này để ngăn chận những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem