Chuột “tuyệt chủng 11 triệu năm” bị săn lùng

Thứ sáu, ngày 24/02/2012 12:59 PM (GMT+7)
Loài chuột đá Lào được giới khoa học kết luận đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm, nay vẫn còn sống và rất gần gũi với bà con tộc người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nhưng nguy cơ mất dần loại động vật quý hiếm này là rất lớn bởi việc đặt bẫy săn bắt, làm thịt của một số bà con đồng bào Rục.
Bình luận 0

“Bản miềng ăn thịt nó mãi”

Chúng tôi lên phân khu rừng thuộc xã Thượng Hóa (Minh Hóa), thuộc 20.000ha rừng mở rộng cho vùng quy hoạch của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi mà các nhà khoa học khẳng định đã tìm thấy loài chuột được cho là tuyệt chủng 11 triệu năm trước.

Một cán bộ UBND H. Minh Hóa tiết lộ: “Khu vực rừng ấy hiện vẫn chưa có cuộc điều tra sinh học nào đáng kể nhưng nó đang bị đe dọa bởi “cuộc chiến” giữa kiểm lâm và lâm tặc chưa có hồi kết”.

img
Loài chuột Lào được cho là đã tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước hiện vẫn đang được bà con dân tộc săn bẫy, làm thịt.

Vào bản Ón, xã Thượng Hóa, một trong những khu dân cư gần khu vực rừng này nhất, chúng tôi đưa ảnh loài chuột đá Lào này cho trưởng bản Trần Xuân Tư và hỏi có biết con gì không. Vị trưởng bản này cứ cười khà khà: “Tưởng con chi lạ chứ con này thì đi bẫy về, bản miềng ăn thịt nó mãi. Con kà-nệ-khụng đây mà. Miềng gặp nhiều lắm! Con nào cũng đen như than, lông mượt và bóng lắm. Đuôi dài hơn một gang tay. Tai dài hơn đốt ngón tay. Lông chân nó mọc cũng dày và móng nhọn như con mèo”.

Thì ra, chuột đá Lào rất quen thuộc với tộc người Rục và họ gọi nó là con kà-nệ-khụng. Trưởng bản Tư dẫn chúng tôi đi khắp bản như để chứng minh. Anh Tư kể, đồng bào Rục của anh trước đây sống tách biệt với con người bên ngoài, sống du canh du cư và ở trong các hang đá thuộc dãy núi đá vôi trên khu vực rừng này cho đến khi được lực lượng Biên phòng phát hiện và vận động ra ngoài làm nhà, tái định cư. Trong bữa ăn hàng ngày của họ thỉnh thoảng có thịt kà-nệ-khụng.

Chúng tôi đến nhà một người chuyên bẫy kà-nệ-khụng và thuộc hàng giỏi nhất nhì bản Ón - anh Cao Xuân Tiến (42 tuổi). Đã từng lớn lên trong hang đá nên chuyện bẫy, bắt loài vật này anh rành lắm. Anh Tiến cho biết, kà-nệ-khụng không nhanh nhẹn như con chuột thường nên chỉ sống và tìm thức ăn quanh hang trú ngụ. Chúng hoạt động nhiều nhất vào mùa mưa dông (tháng 6 đến tháng 9 âm lịch) và chỉ xuất hiện vào buổi đêm.

Vào mùa, anh Tiến đặt cả mấy chục cái bẫy treo tự chế để bắt kà-nệ-khụng. Qua lời kể của bà con ở bản Ón, loài này có bản tính rất hiền, tuy có phần hơi chậm nhưng sống sạch sẽ và khôn hơn chuột thường nhiều, hễ đánh hơi thấy mùi con người là không bao giờ nó đến nữa. Có khi còn bỏ hang vượt lên nơi cao hơn để lẩn tránh.

“Trước đây, bẫy được thường dùng để ăn nhưng chừ kà-nệ-khụng còn sống vẫn đem bán được nên dùng bẫy treo để khỏi làm nó chết khi dính bẫy. Mỗi con miềng thường bẫy được nặng gần nửa cân. Kà-nệ-khụng ăn không ngon lắm vì thịt mềm, lại có mùi hơi hơi khó ngửi. Ngon nhất là kiểu nấu món giả thịt cầy (nấu chung với ruốc, sả, ớt, riềng...) và nhắm rượu”, anh Tiến cho hay.

Cần tuyên truyền và bảo tồn loài chuột tuyệt chủng 11 triệu năm

Khi được nghe thông tin đây là loài động vật được cho đã tuyệt chủng hàng chục triệu năm thì bà con bản Ón vẫn không tin và cho là đùa. Họ vẫn đặt bẫy, bắt gặp kà-nệ-khụng và ăn thịt chúng.

Anh Tiến cho biết: “Loài kà-nệ-khụng nhiều là trước đây thôi. Chừ đã hiếm đi rồi. Trước mỗi sáng thăm bẫy về khoảng vài chục con thì nay chỉ được vài con thôi. Quý hiếm răng thì miềng chưa biết nhưng bà con vẫn tìm bắt nó mà có ai cản mô?”. Hỏi khắp bản, chúng tôi cứ nghe những câu trả lời đại để như: “Không biết, không tin, không ai cấm...”.

Trưởng bản Trần Xuân Tư cũng xác nhận: “Hiện bản miềng chưa nhận được chỉ đạo, nhắc nhở hoặc ngăn cấm gì từ cấp trên về kà-nệ-khụng cả. Nhưng nếu đúng là nó quý hiếm và cấp trên có cấm thì mình cũng sẽ vận động, tuyên truyền cho bà con để họ không đặt bẫy, ăn thịt nó nữa”.

Hy vọng là thế và cũng mong mỏi những nhà động vật học nhanh chóng có kế hoạch bảo tồn giống chuột đặc biệt quý hiếm hày.

Theo CAND

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem