Trong buổi lễ trao giải thưởng Vinh quang Việt Nam năm 2011 có một người lính được vinh danh ở hạng mục cá nhân, đó là đại tá Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp - người nhận nhiệm vụ lèo lái “đoàn tàu” Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) trước bờ vực giải thể phá sản.
Thích được “ôm rơm”
Năm 1999, khi cả 2 nhà thầu đã “bỏ của chạy lấy người” ở công trình Thủy lợi Môn Sơn (Nghệ An) thì lúc đó, đại tá Nguyễn Đăng Giáp đang làm Phó Giám đốc Xí nghiệp số 37 kiêm Đội trưởng thi công số 18 thuộc Công ty 665 Binh đoàn 11 dũng cảm bắt tay vào cuộc.
Lúc ấy nhiều người biết chuyện đã bảo anh “lao vào đấy chẳng khác nào ôm rơm cho rặm bụng” nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã thôi thúc anh không chùn bước.
Với những sáng kiến áp dụng vào thực tế thi công, công trình Thủy lợi Môn Sơn đã vào guồng đúng kế hoạch, ngăn dòng sông Giăng, ở đoạn huyện Con Cuông (Nghệ An) biến nơi đây thành một công trình thủy lợi hữu ích và cũng thành khu du lịch hữu tình của miền tây xứ Nghệ.
Sau công trình ghi dấu ấn người chỉ huy ở Thủy lợi Môn Sơn, đại tá Giáp được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2004, anh được cấp trên điều về làm Giám đốc Xí nghiệp xây dựng 36.
Nhớ lại ngày khoác ba lô về “nhậm chức”, anh Giáp kể: “Lúc đó xí nghiệp ở gần sân bay Nội Bài (Hà Nội), cơ ngơi chỉ có mấy dãy nhà cũ kỹ và độ hơn chục chiếc xe ô tô, máy móc phục vụ công trình đã rệu rã cộng với một khoản nợ khổng lồ vào thời điểm đó là 34 tỷ đồng, nguy cơ phá sản thấy rõ vì lúc đó tỉnh cảnh xí nghiệp như “chỉ mành treo chuông”. Nhưng lúc đó tôi không cảm thấy e sợ mà chỉ tâm niệm một điều: “Mình là lính mà không vực dậy được xí nghiệp là không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”.
Thế là anh lại lao trận chiến mới trên mặt trận kinh tế ở cương vị “đầu tàu”. Phát huy kinh nghiệm từ thời còn làm đội trưởng chỉ huy thi công, anh sắp xếp lại nhân sự, tu sửa máy móc và tự tin mang kinh nghiệm của mình đi đấu thầu các công trình.
Có những lúc Giám đốc Giáp đã chấp nhận đi làm thuê để tạo công ăn việc làm cho công nhân trong xí nghiệp, mang tiếng là Giám đốc nhưng thực chất anh cũng chẳng khác công nhân thi công là bao vì suốt ngày ăn, ở gắn bó với công trình. Anh chỉ có một câu “thần chú” duy nhất để vượt qua mọi thử thách: “Lúc nào cũng phải giữ được 2 yếu tố: Chất lượng công trình và tiến độ thi công”.
Rồi sự lao vào cuộc của anh đã có kết quả, từ một xí nghiệp đói việc, ít đối tác, sau 2 năm, đơn vị đã bắt đầu làm không hết việc, rồi tăng trưởng nóng sau 3 năm với khối lượng công việc tăng gấp 15 lần kể từ khi anh về nắm quyền. Trước sự phát triển của xí nghiệp, lãnh đạo cấp trên đã chấp thuận phương án “nâng cấp” từ Xí nghiệp 36 thành Tổng Công ty 36 hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, cho đến giờ công ty đã đạt được những kết quả đáng nể.
Tổng Công ty 36 có tổng tài sản trị giá 1.500 tỷ đồng; từ chỗ tài sản, thiết bị không có gì nay có 600 thiết bị, xe, máy hiện đại nhất VN, giải quyết đủ việc làm cho hơn 1.200 cán bộ, công nhân viên quốc phòng và hơn 7.000 lao động mức lương bình quân 4,3 triệu đồng/tháng; lương cán bộ kỹ sư lên đến 12 triệu đồng/tháng, quy mô phát triển gấp 20 lần so với 7 năm về trước.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2010, Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, và cuối năm 2011 vừa qua, anh lại được vinh danh trên bục Vinh quang VN.
“Đầu tàu” kiên định
Cho đến bây giờ “thương hiệu 36” và Nguyễn Đăng Giáp được khẳng định, không chỉ vì chất lượng những công trình mà anh đã chỉ huy mà người ta còn biết đến anh giống như người lái tàu chuyên chỉ huy đoàn tàu qua những ga khó.
Anh Giáp nhớ lại: “Điển hình như hồi năm 2007, lúc đó trên truyền hình có phát một chương trình nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 và trong đó, tôi có một đoạn phát biểu những suy nghĩ của mình về người lính làm kinh tế. Cũng tình cờ là trong số những khán giả xem chương trình đó qua màn ảnh nhỏ có các cư dân ở nhà B6 Giảng Võ (Hà Nội)- những người đang gặp khó khăn trong dự án cải tạo khu nhà của họ. Và họ đã họp nhau lại quyết định đến nhờ Tổng Công ty 36 đứng ra nhận làm chủ đầu tư mới”.
Thoạt tiên, anh Giáp đã từ chối vì cũng biết rằng, đây là một dự án có "nhiều chuyện phức tạp". Thế nhưng, một cựu chiến binh nói với anh: "Tớ và cậu từng là lính chiến trường. Càng ở chỗ khó khăn, phức tạp, càng cần người lính vào cuộc”. Máu lính chiến nổi lên, Tổng Giám đốc Giáp nhận lời ngay nhưng đến khi bắt tay làm đã có không ít thế lực muốn cản phá. Thậm chí có kẻ xấu đã phao tin rằng, “Tổng Công ty 36 là công ty “ma”, năng lực yếu kém".
Người thân và một số bạn bè vì lo cho anh Giáp đã khuyên, thôi rút lui cho êm chuyện. “Một lãnh đạo cấp cao và rất có cảm tình với tôi cũng đã gọi tôi lên bảo, thôi, nếu phức tạp quá thì bỏ đi, mình thiếu gì việc… Nhưng tính tôi, không thể hèn được, vì mình làm việc quang minh chính đại, vì lợi ích của người dân cơ mà, không thể bỏ cuộc. Chiến đấu thì chiến đấu, vì lẽ phải.
Cuối cùng mọi chuyện đều được kết luận rõ ràng, tôi đâu phải là người mượn hình ảnh lãnh đạo để tô vẽ cá nhân cho mình. Và thế là sau nhiều cân nhắc, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định giao cho Tổng Công ty 36 công trình cải tạo lại nhà B6 Giảng Võ trong niềm hân hoan của người dân sở tại”- anh Giáp cho biết.
Chỉ trong 3 tháng, Tổng Công ty đã xử lý được xong việc giải phóng mặt bằng, 111 hộ dân đã ra đi trong sự đồng thuận không hề có khiếu kiện. UBND Hà Nội đã ghi nhận đây là một kinh nghiệm quý báu trong việc giải phóng mặt bằng của thủ đô.
Năm 2008, Công ty 56 thuộc Binh đoàn 11 đã có quyết định phá sản, anh Giáp đã mạnh dạn đứng ra nhận việc sáp nhập Công ty 56 vào với 36. Sau khi rà soát lại công việc, anh thấy khu đất 4.000m2 ở phường Định Công (Hà Nội) vốn là của Công ty 524 cũ, sau đó được chuyển cho Công ty 56 trên giấy tờ nhưng trong thực tế lại bị một số cá nhân chiếm dụng hơn 10 năm.
Đã nhiều lần các cơ quan luật pháp vào cuộc nhưng đâu vẫn hoàn đó khiến anh Giáp băn khoăn: “Tôi thấy nếu để nguyên như thế thì cực kỳ vô lý. Đất là đất quốc phòng, lại ở giữa thủ đô, sao lại để một số cá nhân chiếm dụng một cách vô lối như thế! Và tôi đã vào cuộc, bất chấp mọi đe dọa từ phía những người không tốt đối với cá nhân tôi và với cả gia đình. Cuối cùng, mình giành thắng lợi hoàn toàn.
Bây giờ nhìn lại, tôi thấy việc thu hồi được mảnh đất vàng trên, không chỉ lớn về vật chất mà quan trọng hơn, nhờ thế mà chúng ta đã xóa được một xóm liều ở Hà Nội, lấy lại được lòng tin của người dân sở tại và trả lại lẽ công bằng cho xã hội”.
Không chỉ có vậy, dưới sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Công ty 36 còn thi công nhiều công trình khó khăn ở những vùng xa vùng sâu như công trình Thủy điện La Ư ở Điện Biên. Để thi công phải đi bộ 14 tiếng đồng hồ mới vào được đến công trình, nơi chỉ cách biên giới nước bạn Lào 2km vậy mà Tổng Công ty 36 vẫn hoàn thành trước kế hoạch. Rồi công trình Thủy điện Bản Vẽ ở Nghệ An cũng vậy.
Mới đây, trong chuyến đi công tác của mình, tôi lại gặp những người lính của Tổng Công ty 36 đang cần mẫn làm đường tuần tra biên giới ở huyện Sốp Cộp (Sơn La) và còn nhiều công trình khó khăn đòi hỏi kỹ thuật cao, chất lượng tốt trên khắp đất nước và cả ở nước bạn Lào cũng có bàn tay và khối óc của người lính 36.
Tất cả đoàn tàu đang phát triển đó vẫn được người lái tàu Nguyễn Đăng Giáp vận hành trơn tru, kể cả những ga khó anh vẫn vượt qua giống như tiêu chí trong cuộc sống và công việc của anh “Càng khó thì càng phải phấn đấu để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người lính thời bình không được đứng ngoài sự phát triển kinh tế đất nước”.
Thuận Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.