Chuyện chưa từng có: Hệ thống ngân hàng Iran chao đảo

Thứ bảy, ngày 17/03/2012 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một quyết định chưa từng có, cấm hàng chục ngân hàng của Iran giao dịch tài chính với phương Tây do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra có hiệu lực từ 17.3, sẽ khiến ngân hàng ở quốc gia Hồi giáo này chao đảo.
Bình luận 0

Bất thường và chưa có tiền lệ

Các nước thành viên EU đã nhất trí cấm các giao dịch tài chính, như thanh toán bằng điện chuyển tiền đối với hàng trăm cá nhân và tổ chức của Iran bị EU liệt vào danh sách đen do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

img
Lệnh cấm vận mới sẽ làm chao đảo hệ thống ngân hàng ở Iran.

Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng toàn thế giới (SWIFT), chuyên tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển tiền - đã đưa ra một quyết định chưa từng có là cấm 30 ngân hàng của Iran sử dụng dịch vụ của SWIFT. Động thái này chắc chắn sẽ làm tổn hại đến ngành công nghiệp dầu mỏ tối quan trọng của Iran và gây khó khăn cho người dân nước này trong việc nhận tiền từ người thân đang sinh sống ở nước ngoài gửi về.

Giám đốc điều hành của SWIFT, ông Lazaro Campos, đã mô tả quyết định này là "bất thường và chưa từng có tiền lệ". Theo người đứng đầu SWIFT, đây là hệ quả trực tiếp từ các hành động đa phương và mang tính quốc tế nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Iran.

Hiện Chính phủ Iran cũng như các ngân hàng liên quan chưa có bất kỳ phản ứng nào trước quyết định nói trên của SWIFT. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng của Iran đều phải chịu các lệnh trừng phạt của EU. Các chuyên gia về dầu mỏ cho rằng Iran vẫn có thể bán dầu mỏ theo nhiều cách mà không cần phải sử dụng dịch vụ của SWIFT. Mặc dù vậy, theo Ali Ansari - chuyên gia về Trung Đông của Viện Nghiên cứu chính sách Chatham House tại Anh, việc cấm các ngân hàng của Iran tiếp cận với SWIFT có thể sẽ "thắt thòng lọng vào cổ" quốc gia này.

Tìm cách gỡ thòng lọng

Hãng tin AP bình luận, bằng việc buộc SWIFT không cho Iran sử dụng dịch vụ của công ty này, các nước phương Tây đang tìm cách gây thêm khó khăn cho Iran trong việc bán dầu cho ngay cả những đối tác thiện chí nhất. Thông thường, một chiếc tàu chở dầu có thể chuyên chở lượng dầu trị giá tới 100 triệu USD, chính vì vậy việc thanh toán qua ngân hàng điện tử là điều rất quan trọng.

Trong vài vòng trừng phạt trước đó, mà mới đây là vào tháng 1.2012, EU đã phong tỏa tài sản của 116 cá nhân và 442 công ty và thực thể, trong đó có Ngân hàng Trung ương Iran. Những biện pháp này là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân được cho là phục vụ những mục đích quân sự.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Iran có thể sẽ tìm một vài cách để tránh bị tác động của các biện pháp trừng phạt, như trực tiếp đổi dầu lấy tiền mặt, vàng hoặc các tài sản khác. Thậm chí, Iran có thể "trộn" dầu của họ vào dầu của các nước khác tại các "ga cuối" quốc tế và các đường ống dẫn dầu để ngụy trang. Bên cạnh đó, quốc gia Hồi giáo này cũng có thể sẽ nhận được sự giúp đỡ từ ngân hàng trung ương của những nước có mối quan hệ thân thiết với Iran.

Tuy nhiên, Mark Wallace - cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, hiện đang lãnh đạo Liên minh chống một nước Iran có hạt nhân, cho rằng các biện pháp trừng phạt cần phải được áp dụng với tất các cả ngân hàng Iran. Theo ông, các biện pháp trừng phạt phần nào cũng gây ra những ảnh hưởng thực sự, tác động đến lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran, làm sụt giá đồng rial và khiến các doanh nghiệp cũng như giới chóp bu Iran khó khăn hơn khi chuyển tiền. Ông nói: "Hệ thống ngân hàng Iran thực sự bị chao đảo”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem