Chuyện của người tỉ mẩn chăm sóc từ làn da đến sợi tóc, vì nụ cười người bệnh

Bạch Dương Thứ tư, ngày 08/03/2023 10:45 AM (GMT+7)
Tất bật luôn tay không ngừng, liên tục di chuyển từ phòng tiêm sang phòng tư vấn, chăm sóc da là công việc hàng ngày của Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Bình luận 0
Chuyện của người tỉ mẩn chăm sóc từ làn da đến sợi tóc, vì nụ cười người bệnh - Ảnh 1.

Bác sĩ Thảo Hiền đang tiêm chất làm đầy cho một bệnh nhân nam. Ảnh: B.D

Giúp xoá bỏ sự tự ti, mặc cảm cho người bệnh

Gắn bó với khoa Thẩm mỹ da từ những ngày đầu thành lập, Thảo Hiền không thể nhớ hết bao nhiêu bệnh nhân đã được mình chữa trị. Nhưng, có những ca bệnh mà chị nhớ mãi không quên.

Đó là trường hợp một bé gái đang ở độ tuổi dậy thì 14 -15 tuổi bị chứng rụng tóc do tự miễn. Lúc nhỏ bé hoàn toàn bình thường, khi vào tuổi dậy thì, đột nhiên tóc trên đầu cứ rụng từng mảng không mọc lại được, chỉ còn loe hoe vài cọng. Bé rất tự ti, rất xấu hổ, đi học đi chơi luôn phải đội tóc giả.

Tìm đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM gần như là cách chọn lựa cuối cùng của bé và gia đình. Sau khi xác định bé bị rụng tóc do cơ thể tiết ra chất khiến tóc không thể bám được vào da đầu, lúc đầu bé được cho sử dụng thuốc bôi, thuốc uống để giảm tình trạng viêm da. Tóc bé bắt đầu mọc nhưng không đều, thêm vào đó bé bị một số tác dụng phụ của thuốc như rạn da.

Các bác sĩ lại mày mò tìm phương cách mới để điều trị cho bé. "Lúc đó khoa mới thành lập, mọi thứ đều rất khó khăn nhưng các bác sĩ trong khoa quyết định thử liệu pháp mới là tiêm huyết tương vào tiểu cầu. Tức là lấy máu tự thân của bé, quay ly tâm ra huyết tương rồi tiêm trực tiếp vào da đầu. Kết quả vượt mong đợi, khi chỉ sau 3 lần tiêm huyết tương, tóc của bé đã mọc gần được 70%", bác sĩ Thảo Hiền kể lại với nụ cười và đôi mắt lấp lánh niềm vui và cho biết, cô bé tự ti năm nào nay đã trưởng thành, duyên dáng và xinh xắn.

Kể về những niềm vui nho nhỏ trong suốt chặng đường mang lại nét đẹp, tự tin cho người bệnh, Thảo Hiền không thể quên cái ôm thân tình của một em bé khiếm thị. Bé được mẹ dẫn đến để trị trứng cá và mụn trên da mặt. Sau khi về nhà, bất ngờ Thảo Hiền nhận được tin nhắn của bé: "Cảm ơn bác sĩ đã coi em như một người bình thường".

Chuyện của người tỉ mẩn chăm sóc từ làn da đến sợi tóc, vì nụ cười người bệnh - Ảnh 3.

Bác sĩ Lê Thảo Hiền. Ảnh: NVCC

"Khi tiếp nhận ca bệnh đó, tôi hỏi han, chăm sóc như những người bệnh khác nhưng không biết rằng, vô tình mình đã mang đến cho họ niềm vui. Vì những người khuyết tật họ rất nhạy cảm. Họ không muốn bị chú ý hay bị đối xử khác biệt. Họ muốn được nhìn nhận như những người bình thường khác", Thảo Hiền chia sẻ.

Bệnh nhân đến với khoa Thẩm mỹ da có đủ lứa tuổi, giới tính, từ những em bé bị chàm, bớt máu đến những cô gái muốn nâng mũi, cắt mí, mụn trứng cá; những cô những bác trị nám da; những người đàn ông muốn gương mặt tươi sáng, góc cạnh và những người nước ngoài tin tưởng tìm đến bệnh viện…

Đau lòng nhất đối với những bác sĩ chăm sóc da như Thảo Hiền, đó là phải xử lý những ca tai biến do làm đẹp từ các spa, thẩm mỹ viện không đảm bảo. Đã có không ít cô gái đau đớn mang bộ mặt tróc lở, đôi môi thâm tím vì hoại tử, bộ ngực chảy mủ hay đau đớn hơn là mù mắt vì tiêm filler không đúng cách đến cầu cứu bác sĩ. "Khi đã bị tai biến thẩm mỹ, các bác sĩ dù có cố gắng khắc phục đến mấy cũng chỉ có thể giảm bớt phần nào chứ không thể khôi phục lại làn da, gương mặt, hình dạng như ban đầu của bệnh nhân", bác sĩ Hiền tâm tư.

Chuyện của người tỉ mẩn chăm sóc từ làn da đến sợi tóc, vì nụ cười người bệnh - Ảnh 4.

Hướng dẫn thực hành cho các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Càng làm càng... sợ

Gắn bó với chuyên khoa thẩm mỹ da từ những ngày đầu, nữ bác sĩ trẻ trung không thể quên những lo lắng, hồi hộp khi lần đầu tiên cầm kim tiêm filler (chất làm đầy) cho bệnh nhân.

"Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi lo toát mồ hôi, luôn nghĩ rằng mình không thể có tố chất cầm kim tiêm thẩm mỹ được. Nhưng cũng không thể lùi bước, nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của các anh chị, cô chú đi trước, tôi vượt qua nỗi sợ và tự thấy rằng: À, thì ra mình quyết tâm là sẽ làm được. Từ chỗ tập cầm kim tiêm, đến nay tôi đã có thể tự tin giảng dạy, truyền nghề lại cho các đồng nghiệp đàn em của mình", bác sĩ Thảo Hiền chia sẻ.

Vừa làm nghề vừa không ngừng học, không ngừng nghiên cứu chuyên sâu, vì theo bác sĩ Thảo Hiền, càng làm, càng hiểu, càng "sợ". Sợ tai biến, sợ sơ suất gây hậu quả cho bệnh nhân.

Chuyện của người tỉ mẩn chăm sóc từ làn da đến sợi tóc, vì nụ cười người bệnh - Ảnh 5.

Tỉ mẩn, kiên nhẫn mang lại niềm vui cho người bệnh. Ảnh: NVCC

"Chuyên khoa thẩm mỹ là nơi dễ xảy ra tai biến nhiều nhất, vì thế chỉ có không ngừng nghiên cứu thật sâu, học thật kỹ thì mới không để xảy ra tai biến cho người bệnh", bác sĩ Thảo Hiền luôn tâm niệm.

Trước sự bùng nổ không ngừng của các spa, thẩm mỹ viện với các "bác sĩ, kỹ thuật viên" tay ngang, sử dụng máy móc, thuốc không đảm bảo, dẫn đến số bệnh nhân tai biến thẩm mỹ nhập viện ngày càng nhiều, bác sĩ Hiền luôn trăn trở làm sao để người dân biết được những cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn làm đẹp an toàn.

"Mặc dù đã cố gắng quảng bá hình ảnh nhưng bệnh viện không thể chạy đua quảng cáo với các spa, thẩm mỹ viện, chỉ có thể nỗ lực tối đa trong chăm sóc, mang lại nụ cười, sự tự tin, vẻ đẹp rạng ngời cho người bệnh, nỗ lực tối đa khắc phục hậu quả của các ca tai biến thẩm mỹ đến với chúng tôi. Đó chính là cách truyền thông tốt nhất", bác sĩ Hiền chia sẻ rồi lại tất bật đón người bệnh, tiếp tục công việc lặng thầm mang lại niềm vui cho người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem