Chuyển đổi số trong báo chí: Từ thách thức công nghệ 4.0 đến bài toán doanh thu và “văn hóa số”

Lê Quốc Vinh Thứ ba, ngày 18/04/2023 15:51 PM (GMT+7)
Nhiều người trong làng báo nói rằng Chuyển đổi số là giảm bớt sự tập trung vào truyền thông truyền thống, đưa lên online và sử dụng các hệ thống CMS/IMS để điều tiết hoạt động và kiểm soát nội dung trong tòa soạn, sử dụng các công nghệ kết nối, quản lý hay là công nghệ để tác nghiệp như mobile phone… Đúng, nhưng chắc là không đủ.
Bình luận 0

Đó là góc nhìn của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le Bros Group. Theo ông Vinh, Chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng không thể đảo ngược mà tất cả các cơ quan báo chí đã nói đến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dường như chúng ta vẫn chưa phân biệt rõ ràng giữa khái niệm Số hóa – digitalization và Chuyển đổi số – digital transformation. 

Bối rối vì có quá nhiều loại công nghệ

Chúng ta đang bối rối vì có quá nhiều loại công nghệ, không biết phải ứng dụng loại công nghệ nào cho công cuộc CĐS báo chí. Đầu tư vào đâu, và cần đầu tư bao nhiêu tiền? 

Chuyển đổi số trong báo chí: Từ thách thức công nghệ 4.0 đến bài toán doanh thu và “văn hóa số” - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le Bros Group.

Tất nhiên, như bất cứ một người ứng dụng công nghệ trong truyền thông, marketing, tôi cho rằng sử dụng các công nghệ có sẵn là giải pháp an toàn và tiết kiệm so với xây dựng các nền tảng công nghệ riêng, đặc biệt đối với các công nghệ AI và machine learning, quản trị cơ sở dữ liệu, tạo ra trải nghiệm cá nhân, các ứng dụng hội thoại và mạng xã hội cho video và voice. Ngay cả việc dựa vào các frenemy – những kẻ thù thân thiện như Google, Apple, Facebook, YouTube,… cũng không phải là không được. Tuy nhiên, câu hỏi là bắt đầu từ đâu?

Năm 1993, Việt Nam bắt đầu sử dụng internet. Sau đó là sự xuất hiện của web 1.0 (nội dung tĩnh), tiếp đó web 2.0 và các trang báo điện tử bắt đầu ra đời. Tiếp theo là sự ra đời của Blog Yahoo 360!, các trang platform, web 3.0 cho phép người dùng có thể tương tác.

Năm 2010, Tạp chí Đẹp tiên phong mô hình PDF magazine trên chợ sách số Zinio.com, sau đó phát triển công cụ trên Mazter.com và Pressreader… Chúng tôi là những người đầu tiên ở Việt Nam đưa báo lên các hệ thống này dưới dạng PDF. 

Tuy nhiên, PDF magazine đọc trên desktop lúc ban đầu hầu như không phát triển, chỉ thực sự bùng nổ khi Ipad và tablet ra đời. Nhưng rồi xu hướng Ipad lại chết rất nhanh, đến nay còn một số người dùng trong khi xu thế chung là sử dụng điện thoại di động. Dù màn hình điện thoại đã lớn hơn nhưng không còn phù hợp để đọc báo dưới dạng PDF. 

Rất may chúng ta lại có công nghệ mới thay thế là interactive responsive mobile với người tiên phong là công ty Alezaa, và chúng tôi trở thành một trong những đơn vị đầu tiên hợp tác với các nhà xuất bản đưa các ấn bản lên điện thoại. Thời điểm này chúng ta có thể đọc các trang báo theo dạng responsive. Nội dung không thiết kế như bản in nữa mà theo định dạng màn hình điện thoại. Nhưng rồi nó cũng nhanh chóng diệt vong.

Kế đến là sự thống trị của mạng xã hội. Tôi đã bắt đầu mở tài khoản Facebook vào năm 2008 nhưng hầu như không quan tâm cho đến năm 2012, lúc Facebook thực sự bùng nổ. Hiện thời, mạng xã hội trở thành xu thế và sự nở rộ của nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau đã thay đổi mạnh mẽ cách thức mà chúng ta làm truyền thông, làm báo. 

Ngay thời điểm này, Tiktok đang “làm mưa làm gió”, ảnh hưởng rất lớn đối với giới trẻ nhưng mới chỉ có vài cơ quan báo chí quan tâm đến... Chúng ta đang đối diện với báo chí multimedia - một sự bùng nổ của các dạng thức báo chí trên rất nhiều phương tiện khác nhau, các hình thái khác nhau.

Chúng ta hãy nhìn lại những công nghệ tiên phong đang được ứng dụng vào báo chí. Ví dụ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với cô Sophia - robot thông minh giống con người nhất trên thế giới hiện nay của Hanson Robotics (Hong Kong); hoặc công nghệ Augmented Reality (thực tại tăng cường) từng được sử dụng để quảng bá Disneyland ở quảng trường Times Square, New York,… Một vài tờ báo thử nghiệm robot viết báo như Washington Post. 

Hiện tại, robot có thể viết được những mẩu tin hoàn chỉnh kiểu fact và figures (những sự thật và số liệu) hay xào xáo dữ liệu cũ để tạo ra một bài viết mới. Gần đây, còn có công ty ứng dụng AI và công nghệ chuyển chữ viết thành giọng nói và tạo ra các đoạn tin tức truyền hình với MC ảo được nhân bản từ hình ảnh con người thật và giọng nói thật. Mặc dù vậy, robot hiện chưa thể viết những bài báo hàm chứa tư duy trừu tượng như con người.

Nếu cứ đuổi theo công nghệ trong khi công nghệ luôn chạy nhanh hơn mình cũng đồng nghĩa với việc suốt đời đuổi theo nó. Nghịch lý nữa là, chúng ta vừa không thể đuổi kịp công nghệ lại càng không thể đi tắt đón đầu. Do đó, cần tạo ra một phương thức tư duy thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, để mình có thể ứng dụng báo chí ở các giải pháp công nghệ mà nó sẽ được mở ra liên tục.

Bài toán kinh doanh

Việc cơ quan báo chí đuổi theo các giải pháp công nghệ mới, hay bất cứ thứ gì gọi là thời thượng, cũng không phải là cách hay. Vấn đề là mỗi cơ quan báo chí phải hiểu được nhóm đối tượng khách hàng (độc giả) để phục vụ. 

Đó là hệ thống thông tin hai chiều. Khi thông tin cho độc giả đồng thời mình cũng tìm hiểu họ thông qua cách họ trải nghiệm, ứng xử trên các nền tảng truyền thông để biết được khách hàng (độc giả) cần gì để đáp ứng cho phù hợp nhất, cũng có nghĩa là mình tối ưu được doanh thu.

Có ý kiến cho rằng các báo điện tử luôn cập nhật những xu thế làm báo mới, hiện đại của thế giới (áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ, longform, infographic, podcast hay đẩy mạnh phát triển các kênh trên mạng xã hội như youtube, tiktok…) thì việc chuyển đổi số không có ý nghĩa bước ngoặt như báo in hay truyền hình. Tôi nghĩ, bản thân các cơ quan báo điện tử nếu nghĩ chuyển đổi số chỉ là trang bị đầy đủ các nền tảng số thì cũng chưa phải là đủ.

Chuyển đổi số trong báo chí: Từ thách thức công nghệ 4.0 đến bài toán doanh thu và “văn hóa số” - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Vinh đưa ra góc nhìn đa chiều về Chuyển đổi số trong báo chí.

Doanh thu cho báo chí vẫn đang là vấn đề nan giải. Các toà soạn vẫn đang băn khoăn giữa hai dòng nước: thu phí bạn đọc hay tiếp tục miễn phí để thu từ quảng cáo. Về cơ bản, chúng ta đang tạo doanh thu quảng cáo bằng 2 hình thức cơ bản là CPM và CPC. CPM tức là chi phí quảng cáo dựa trên số lượng 1000 người người xem. CPC là tính theo từng click chuột vào quảng cáo.

Thu phí bạn đọc không phải là một ý tưởng quá mới. Tuy vậy, thu phí bạn đọc vẫn là bài toán khó, vì ở Việt Nam, nội dung số lâu nay vẫn được cung cấp miễn phí. Và người dùng đã quá quen như vậy. Một số báo chí nước ngoài áp dụng chính sách miễn phí trong giai đoạn đầu, hoặc một loại nội dung nhất định, rồi tính phí để tiếp tục xem. Đó cũng là cách thức mà một số nền tảng dịch vụ nội dung số như Netflix, Spotify hay Amazon Music đang làm.

Quan trọng nhất vẫn là nội dung

Từ những năm 1991-1992, khi được trao trọng trách tìm cách tạo ra nguồn thu cho các tờ báo, tôi đã ngẫu nhiên tham gia kinh doanh báo chí nên đối với tôi điều này vô cùng quan trọng, cần chúng ta nhìn nhận rõ ràng sự tác động của Chuyển đổi số đối với kinh tế báo chí.

Văn hóa CĐS giúp tăng tốc khả năng thích ứng, xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ ra quyết định, hỗ trợ tiếp cận khách hàng nhanh chóng, phù hợp, linh hoạt theo môi trường số chứ không chỉ đơn thuần tạo ra một website.

Những thông tin này mở ra cách tư duy về CĐS, rằng nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi thì vấn đề đầu tiên là có quyết tâm đến cùng hay không, vì sẽ phải thay đổi cách vận hành tòa báo thông qua xây dựng văn hóa CĐS để hướng tới mô hình kinh doanh mới.

Theo tôi, chuyển đổi số là một quá trình. Ví dụ, không phải tất cả cơ quan báo chí điện tử đã ứng dụng được công nghệ trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm thông tin. Khi phát triển đến một chừng mực nào đó, các báo điện tử tự thấy cần phải đầu tư thêm nền tảng khác. Cho nên quá trình chuyển đổi số khó mà kết thúc.

Khi báo chí sử dụng các nền tảng số thì khả năng tiếp cận độc giả rộng lớn hơn rất nhiều, không có giới hạn về không gian, thời gian, thậm chí phi ngôn ngữ. Bây giờ, công nghệ cho phép người nước ngoài có thể đọc tiếng Việt qua bản dịch tự động một cách dễ dàng.

Khi chuyển đổi số, công nghệ sẽ thay đổi cách hoạt động của báo chí nhưng nội dung vẫn là quan trọng nhất. Công nghệ sẽ giúp tiếp cận thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, rộng hơn, đa chiều hơn, qua đó nội dung hấp dẫn hơn, đa dạng và có chiều sâu hơn.

Lê Quốc Vinh

Chủ tịch Le Group of Companies

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem