Tọa đàm trực tuyến: Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội và thách thức
Tọa đàm trực tuyến: Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội và thách thức
Nhóm PV
Thứ sáu, ngày 17/11/2023 09:00 AM (GMT+7)
Xác định chuyển đổi số là động lực trong phát triển, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Lâm nghiệp nói riêng đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý của ngành.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước số hóa các hoạt động giám sát, quản lý, bảo vệ rừng. Việc ứng dụng công nghệ số đã và đang giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng và đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm… với tính chính xác cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Ngày 29/5/2023, Cục Lâm nghiệp ban hành Quyết định 34/QĐ-LN-CĐS năm 2023 về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 nhằm tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý công việc hành chính của Cục Lâm nghiệp. Bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng Hệ thống Thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp và các phần mềm chuyên dụng.
Cục cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Hoàn thành danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục Lâm nghiệp và ban hành được Kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục. Nâng cấp, cải tiến Hệ thống nền Thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp (FORMIS) nhằm đáp ứng các yêu cầu về cấu trúc, chuẩn hóa dữ liệu, đảm bảo cho việc cài đặt, tích hợp, kết nối các phần mềm/ứng dụng chuyên ngành vào Hệ thống. Thiết lập Hệ thống CSDL tập trung, thực hiện quản lý dữ liệu trên hệ thống FORMIS.
Cải thiện năng lực quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin tại Cục Lâm nghiệp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo môi trường công nghệ, an toàn thông tin mạng. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ lâm nghiệp các cấp trong thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ngành Lâm nghiệp.
Để chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành Lâm nghiệp cũng như các nhiệm vụ chuyển đổi số, ngày 09/10/2023, Cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 227/QĐ-LN-CĐS thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp của Cục Lâm nghiệp.
Nhằm giúp các ngành chức năng, doanh nghiệp, người dân có cái nhìn toàn cảnh về quá trình chuyển đổi số ngành lâm nghiệp, những cơ hội và thách thức có thể gặp phải trong quá trình thực hiện, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội và thách thức".
Đến dự Tọa đàm trực tuyến có:
- GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp
- Ông Phạm Hồng Lượng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
- TS. Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, Lâm Đồng (qua zoom)
- TS. Nguyễn Đức Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và hiện nay, các ngành, lĩnh vực, địa phương cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý cũng như sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Lượng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững nhận định: "Cụ thể hóa chương trình, kế hoạch của Bộ NN&PTNT, Cục Lâm nghiệp đã ban hành Kế hoạch số 34, ngày 29/5/2023 về tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Thứ nhất là, duy trì, cập nhật, nâng cấp hệ thống thống tin của ngành lâm nghiệp; thứ hai là, đẩy mạnh việc duy trì, cập nhật, tổng hợp dữ liệu thông tin trên các lĩnh vực quản lý rừng, thương mại và chế biến lâm sản.
Đặc biệt, trong năm 2023 chúng tôi đã tích hợp cơ sở dữ liệu ven biển trong cơ sở dữ liệu này; thứ ba tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong ngành. Với các kế hoạch như vậy, chúng tôi xác định các lộ trình triển khai để đáp ứng mục tiêu chung của quốc gia về chuyển đổi số.
Hiệu quả đã thấy rõ
Tại tọa đàm trực tuyến, nói về quá trình chuyển đổi số của ngành lâm nghiệp hiện nay, TS. Nguyễn Đức Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Hiện nay, Bộ NN&PTNT và ngành Lâm nghiệp đã triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số.
Có thể kể đến một số hoạt động như: Cục Kiểm lâm triển khai đã ứng dụng dự báo nguy cơ cháy rừng, ứng dụng trong phân cấp nguy cơ cháy rừng cảnh báo tự động sẽ giảm thiểu thiệt hại khi cháy rừng xảy ra. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý rừng tài nguyên bền vững đã được triển khai từ 1990 trở lại đây. Bên cạnh đó nhiều hoạt động như xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, thực vật, lâm sản ngoài gỗ.
Về đóng góp của chuyển đổi số trong phát triển, bảo vệ rừng thì Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã triển khai một số công việc như sau: Công tác quản lý giúp, Bộ NNPTNT, ngành lâm nghiệp nắm về trữ lượng, diện tích cũng như dự báo cháy rừng, từ đó, lập kế hoạch, xây dựng chiến lược đáp ứng yêu cầu nhanh hơn, tốt hơn.
Trong việc quản lý cây trồng quy hiểm giúp cho công tác bảo tồn, kiểm soát các loài nguy cấp, quý hiếm cũng như có nguy cơ tuyệt chủng, trong thương mại quốc tế, bên cạnh đó giúp cho doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nắm bắt thông tin nhanh hơn. Ví dụ như cơ sở dữ liệu giống cây trồng sẽ cung cấp kỹ thuật, giống, thị trường và giúp minh bạch hóa thông tin của ngành, giảm thiểu tranh chấp. Hay như năm vừa qua Châu âu đã ban hành quy định về sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng.
Bên cạnh đó, Viện cũng đã phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Viện tiến hành xây dựng phần mềm số hóa quản lý và truy xuất gỗ hợp pháp; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, tài nguyên về gỗ phục vụ giám định.
Trước đây, việc giám định mẫu gỗ mất khoảng 2-3 ngày, tuy nhiên, chuyển đổi số và công nghệ hỗ trợ việc giám định đã giảm xuống chỉ 10-15 phút/mẫu gỗ.
Chuyển đổi số lâm nghiệp bắt đầu từ tư duy
Có mặt tại tọa đàm trực tuyến, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhận định: Đối với Đại học Lâm nghiệp, chúng tôi đã bước đầu nhập cuộc khá nhanh với xu thể chuyển đổi số nói chung và tôi đánh giá đây là hướng đi tất yếu không chỉ với ngành lâm nghiệp mà với hầu hết các cấp, ngành khác.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chuyển đổi số là tăng lợi ích của người sử dụng, trong đó có các cơ nhà nước, các vườn quốc gia, các doanh nghiệp, chủ rừng và cả những sinh viên đang theo học ngành lâm nghiệp.
Do đó, chúng tôi cũng đang tích cực chuyển đổi và xây dựng kho dữ liệu thành tài nguyên phục vụ cho các đối tượng trên. Việc làm này có sự phối phối với giữa các đơn vị như Tổng Cục Lâm nghiệp, Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp rừng… việc làm này là phục vụ lợi ích chung của các đơn vị trong ngành lâm nghiệp chứ không riêng gì trường ĐH Lâm nghiệp, và đó là một kho dữ liệu khổng lồ, tất cả các phần mềm ứng dụng từ kho dữ liệu này đều được kết nối với điện thoại người dùng.
Bên cạnh đó, nhờ chuyển đối số, chúng tôi không chỉ tạo ra cơ sở dữ liệu mà còn dựa vào dữ liệu để nghiên cứu, phục vụ công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu học tập của nhà trưởng. Hiện kho dữ liệu của chúng tôi có sự thống kê các dự án, quản lý các dự án cũng như các công trình nghiên cứu. Trong đào tạo thì chúng tôi đang từng bước tin học hóa các môn học để truyển tải hiệu quả nhất kiến thức đến người học
Sắp tới, chúng tôi đang dự tính mở thêm nhiều ngành liên quan đến chuyển đổi số như ngành học về AI (trí tuệ nhân tạo) chứ ko chỉ là IT (công nghệ thông tin) như hiện nay. Chúng tôi đã có thư viện số kết nối với 55 trường ĐH trên toàn quốc, lưu trữ 65.000 tài liệu số phục vụ công tác giảng dạy.
Năm nay chúng tôi cũng tuyển sinh khóa đào tạo E-learning đầu tiên… Có thể khẳng định, chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến công tác nghiên cứu, giảng dạy của Nhà trường, nhưng cũng đồng thời tác động tốt đến người dùng, từ xu thế này mà sự tương tác giữa nhà trường và xã hội trở nên chặt chẽ hơn.
Hiệu quả, an toàn và minh bạch
Tham gia tọa đàm trực tuyến qua Zoom, ông Lê Văn Hương - Giám đốc Vườn quốc gia Biduop Núi Bà chia sẻ:
Thực hiện Quyết định số 34 của Cục Lâm nghiệp, Vườn quốc gia Biduop Núi Bà đã thành lập nhóm chuyển đổi số. Chúng tôi đã xác định rõ mục tiêu, kế hoạch làm sao thực hiện quyết định số 34 này, hòa vào quá trình chuyển đổi số của Quốc gia, Chính phủ; làm sao để cộng đồng hiểu thêm giá trị của mẹ thiên nhiên, giá trị ẩn mình của Vườn quốc gia Biduop Núi Bà.
Thực tế hiện nay, cộng đồng còn chưa hiểu rõ những việc làm, giá trị tài nguyên của ngành lâm nghiệp. Có những thông tin chưa rõ ràng thậm chí còn hoài nghi đối với công việc của những người làm công tác bảo vệ rừng nên chúng tôi xác định phải làm sao để tài nguyên của Vườn quốc gia Biduop Núi Bà được chuyển tải tới cộng đồng thông minh hơn, rõ ràng hơn và chỉ có chuyển đổi số mới làm được việc này. Các công nghệ số giúp Vườn quốc gia Biduop Núi Bà duy trì hoạt động cả trong hiện tại và trong nhiều năm tới.
Bảo tồn giá trị thiên nhiên của Vườn quốc gia Biduop Núi Bà chỉ có giá trị khi “kéo” nó gần với con người, tạo nền tảng tin cậy có tính giáo dục, cơ hội tiếp cận hữu ích, tạo điều kiện cho công chúng hiểu rõ hơn trong việc bảo vệ rừng và giúp con người gần hơn với mẹ thiên nhiên.
Tại tọa đàm trực tuyến, các đại biểu đã chia sẻ những hiệu quả mà quá trình chuyển đổi số đã và đang mang lại, đặc biệt là những đổi mới trong công tác quản lý.
Về phía đại diện Cục Lâm Nghiệp, ông Phạm Hồng Lượng cho biết, đối với ngành có địa bàn quản lý rộng ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.
Với diện tích 14 triệu ha, đối tượng rừng phong phú như người dân,chủ rừng, UBND xã, ban quản lý bảo vệ rừng... Do địa bàn rộng, đa dạng đối tượng nên ứng dụng công nghệ vào ngành có khó khăn, trong đó kể đến như việc tiếp cận, cơ sở hạ tầng... Bình thường cơ sở hạ tầng tiếp cận với các vườn quốc gia, rừng đã xa rồi nên khi ứng dụng công nghệ càng khó khăn nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn.
Bên cạnh đó năng lực, trình độ, so với các ngành khác, các cán bộ, chủ rừng, người dân ở nơi xa nên khả năng tiếp cận kiến thức, bài học mới trong chuyển đổi số khó khăn nên sắp tới chúng ta phải quan tâm hơn.
Ngành Lâm nghiệp khả năng tiếp cận nguồn lực, tài chính khó khăn hơn. Trong đó, ngân sách trung ương dành cho ngành còn hạn chế. Theo đó, trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông, đẩy mạnh cải thiện công nghệ thông tin cho các cấp, các chủ rừng...
Khó khăn trong chuyển đổi số lâm nghiệp
Là người có nhiều thời gian gắn bó với ngành lâm nghiệp trong công tác quản lý và bây giờ là lãnh đạo trường Đại học Lâm nghiệp, GS. TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp thông tin: Chuyển đổi số là một trong những chuyển đổi rất quan trọng, nó chính là hội tụ của quá trình đổi mới sáng tạo, thay đổi cách nghĩ cách làm. Chuyển đổi số trong lâm nghiệp cũng giống như các lĩnh vực khác, mọi sự thay đổi đều gặp khó khăn.
Ngoài khó khăn chung thì ngành lâm nghiệp cũng gặp những khó khăn riêng khi đi tiên phong trong quá trình đổi mới đó. Từ khi các ngành khác chưa sử dụng bản đồ số thì ngành lâm nghiệp với địa hình rộng lớn, chia cắt, nhiều đồi núi đã rất dũng cảm lao vào xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp Việt Nam, với 52 trường dữ liệu.
Cụ thể, mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu với các dữ liệu được số hóa từ hình dạng, kích thước diện tích, điều kiện tự nhiên, chủ sở hữu sử dụng, chất lượng rừng. Trong khi diện tích rừng được Nhà nước giao ngành lâm nghiệp quản lý lên tới 16,2 triệu ha…
Do đó, dữ liệu phải tính toán rất lớn và chúng tôi đã hoàn thành từ năm 2019, khởi động năm 2022. Khi làm sớm, công nghệ thay đổi hàng ngày thì bây giờ cần duy trì, bảo dưỡng, đổi mới công nghệ này như thế nào? Ngành lâm nghiệp đang phải thiết kế các chương trình, nguồn lực để duy trì, phát triển công nghệ này.
Chuyển đổi số cũng phải hỗ trợ chủ rừng nhiều vấn đề khác liên quan, ngoài năng lực, nguồn lực cũng phải tính đến các tình huống có thể xảy ra, chẳng hạn từ cơ sở dữ liệu đã có thì kết nối với các HTX, doanh nghiệp như thế nào? Xử lý trường dữ liệu ra sao? Trước những vấn đề nói trên, đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải vượt qua tư duy, ý thức và cả cần nguồn lực về kinh tế để giải quyết các khó khăn thách thức đó.
Chia sẻ về cơ hội và thách thức của chuyển đổi trong lâm nghiệp, TS Nguyễn Đức Thành tiếp tục cho rằng: Khi chúng ta ứng dụng chuyển đổi số hay còn gọi là công nghệ thông tin vào trong quản trị rừng, ngoài việc cung cấp thông tin chi tiết và chính xác vị trí của từng khoảnh rừng lô đất của khu vực sẽ góp phần quản trị rừng tốt hơn và minh bạch hoá trong quá trình sản xuất lâm nghiệp nói chung. Hay như trong quá trình trồng cà phê, điều chúng ta phải minh chứng được quá trình trồng các loại cây đấy không liên quan đến hoạt động phát rừng hay lấy đất lâm nghiệp.
Hiện nay, với những quy định mới của EU, ngành lâm nghiệp đã và đang gặp phải những khó khăn trong việc phân định diện tích rừng với diện tích trồng cà phê. TS. Nguyễn Đức Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhận định rằng: Đạo luật mới Liên minh Châu Âu về chống phá rừng đã được Liên minh Châu Âu ban hành với 6 nhóm ngành, hàng.
Trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp có cà phê, cao su, đậu nành. Để thích ứng với đạo luật này rõ ràng đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn, tôi nghĩ đối với ngành lâm nghiệp chúng ta phải quan tâm tới cơ sở dữ liệu để xác định chỉ số địa lý.
Theo đạo luật Châu Âu, những sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Châu Âu phải đảm bảo không phá rừng và có truy xuất nguồn gốc từ năm 2020. Rõ ràng chúng ta phải có các dữ liệu nền tảng để so sánh, đối chiếu và biết chính xác được diện tích, các diễn biến của quá trình chuyển đổi, sản xuất, thương mại. Nhờ đó mà minh bạch được quá trình. Chúng tôi nghĩ rằng cơ sở dữ liệu rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi sản xuất và thương mại.
Chuyển đổi số lâm nghiệp: Ứng dụng trong từng khu rừng, từng gốc cây
Tham gia với tọa đàm, TS. Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, Lâm Đồng nhận định: Hiện nay, Vườn đã phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện đề tài: Sử dụng công nghệ điện viễn thám để phát hiện sớm mất rừng và suy thoái rừng. Đề tài rất thành công và đã được nhân rộng tại tỉnh Lâm Đồng.
Chúng tôi cùng với các nhà khoa học của trường Đại học Lâm nghiệp đã tạo ra các thuật toán để thu ảnh, sau đó viết ra các phàn mềm để sử dụng nội bộ. Toàn bộ cán bộ của Vườn được giao trách nhiệm có thể cập nhật 24/24h tình hình, diễn biến tài nguyên rừng ở trong 70.000ha chúng tôi đang quản lý và kết quả của đề tài này hoàn toàn tự động, chính xác và minh bạch.
Thứ hai chúng tôi phát triển phần mềm do cán bộn của Vườn tự phát triển, theo đó, cài đặt vào tất cả điện thoại của người nhận quả lý, bảo vệ vừng cho Vườn và phần mềm này sẽ ghi nhận toàn bộ quá trình tuần tra trong rừng, có tác dụng đánh dấu diễn biến trong rừng đến từng gốc cây, toàn dữ liệu sẽ được gửi về cán bộ phụ trách. Có thể khẳng định chuyển đổi số đã giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Ngoài ra chúng tôi sử dụng phần mềm trên Smarphone rất hiệu quả do Cục Lâm nghiệp triển khai. Vấn đề thách thức cho ngành lâm nghiệp ở đây, theo tôi hạ tầng công nghệ thông tin, tôi đề xuất Cục Lâm nghiệp nên phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin dùng chung cho quốc gia, chứ để cho các đơn vị ở cơ sở xây dựng là tốn kém.
Bên cạnh đó, phải tập trung không cơ sở hóa cơ sở dữ liệu mà phải làm sao quản lý dữ liệu một cách thông minh, đòi hỏi đưa chí tuệ nhân tạo để quản lý cập nhật liên tục, “hơi thở” của rừng đến với cộng đồng, từ đó tạo ra cộng đồng rộng lớn là những người yêu thiên nhiên.
Khi làm được điều này, chúng ta tính đến kinh tế số trên nền tảng số, để làm được điều đó phải đào tạo đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ chuyên môn, sáng tạo về nội dung, làm nền tảng không bị lạc hậu, lãng quên, đủ sức cạnh tranh với ngành nghề khác. Và tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm thế nào để cộng đồng hiểu rằng không chỉ có trách nhiệm của ngành lâm nghiệp, mà là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội này và trên toàn thế giới.
Chuyển đổi số lâm nghiệp từ nhận thức...đến hành động
Thời gian qua, Trường Đại học Lâm nghiệp đã có những phần mềm có thể ví von là định vị đến từng gốc cây, về vấn đề này, GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp: Chúng tôi có các đơn vị trực thuộc là các khoa, các Viện… đều rất năng động trong việc kết nối bên ngoài và trong quá trình chuyển đổi số chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các đơn vị ngoài trường, tiêu biểu như VQG Biduop chỗ anh Lê Văn Hương.
Chúng tôi đã cùng nhau suy nghĩ, đặt ra đề tài để giải quyết vấn đề cụ thể của thực tiễn nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế, đáp ứng năng lực nghiên chứu, chuyển giao công nghệ của ĐH Lâm nghiệp. Hiện chúng tôi đã xây dựng được hệ thống phần mềm cơ sơ dữ liệu tương đối đầy đủ về lĩnh vực lâm nghiệp, đó là phần mềm Forestry 4.0. Phần mềm này được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa các đơn vị, có thể xác định được diễn biến của rừng đến phạm vị từng lô một.
Chúng ta đang có 7,5 triệu lô rừng, và hiện chúng tôi đang cập nhật ảnh có độ phân giải cao, lúc đó sẽ soi được từng gốc cây, qua đó có thể theo dõi được diễn biến của rừng. Cụ thể có thể nắm được sự phát triển tốt hơn hay xấu đi của từng mét vuông rừng. Đây chính là cơ sở vô cùng cần thiết phục vụ cho công tác truy xuất, nghiên cứu trong ngành lâm nghiệp.
Phần mềm Forestry 4.0 cũng xác định từng loại cây 1, hiện có 200 loài cây trong cơ sở dữ liệu, sắp tới sẽ có thêm 600 loài cây được cập nhập, được đánh số định vị. Và nếu bà con sử dụng phần mềm của chúng tôi, chúng tôi sẽ có luôn tư vấn thông qua phần mềm này, bà con cứ thế làm theo. Nếu như trước đây phải có chuyên gia đến hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, nhưng nay chỉ cần dựa vào mô tả trên phần mềm này là bà con có thể thực hiện được. Đó chính là tác động, tương tác mới nhờ chuyển đổi số mang lại.
Hay ví dụ cụ thể hơn, chỗ VQG Biduop của anh Lê Văn Hương cũng đang sử dụng phần mềm của ĐH Lâm nghiệp để quản lý những động vật quý hiếm của VQG. Mỗi con vật được đánh số, định vị lại để theo dõi quá trình sinh trưởng mỗi ngày. Nhân đây cũng rất cảm ơn anh Hương cùng các đơn vị khác đã đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ công cuộc chuyển đổi số cùng ĐH Lâm nghiệp.
Cũng tại tọa đàm, ông Phạm Hồng Lượng cho biết, chuyển đổi số nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số, khi đề cập đến vấn đề này ở 3 khía cạnh:
Thứ nhất là cơ quan quản lý áp dụng chuyển đổi số giúp cho công việc quản trị rừng tốt hơn, minh bạch hóa toàn quá trình, trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp về bảo vệ, thương mại , chế biến lâm sản... hay tham gia các quy định, đạo luật mới của EU...
Thứ 2 là rõ ràng tiếp cận về phía người dùng người dân, doanh nghiệp về tương tác trải nghiệm dễ hơn nên cơ quan quản lý thu hẹp được quản lý và tiếp cận được nhiều thông tin và mở thêm các tiện ích cho người sử dụng hiệu quả hơn.
Thứ 3 là khi nhìn nhận khía cạnh kinh tế chuyển đổi số giúp chúng ta cắt giảm nhiều chi phí, thời gian... Khi áp dụng ứng dụng tích hợp nhiều ứng dụng nên người dùng sử dụng rất tiện, thông qua ứng dụng có thể truy xuất thông tin ngay không tốn thời gian, chi phí.
TS. Nguyễn Đức Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: Góc độ Viện chúng tôi cũng đã có rất nhiều hoạt động phục vụ dữ liệu chuyển đổi số. Cụ thể chúng tôi đã áp dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ, quá trình khai thác, vận chuyển gỗ đến nhà máy. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận công nghệ DART từ Cục Lâm nghiệp Mỹ để giúp rút ngắn thời gian giám định gỗ và được xem là một bước đi chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Việc phối hợp cục lâm nghiệp Mỹ đã giúp rất nhiều cho công tác giám định gỗ và thực vật, để giúp xác định xem việc sử dụng gỗ của ta có đáp ứng các công ước quốc tế hay không. Từ phương pháp giám định truyền thống phải mất thời gian từ 2-3 ngày thì từ ngày áp dựng công nghệ của Mỹ chỉ còn 15 phút thôi, có giá trị lớn trong quản lý Nhà nước và phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp
Nói về những giải pháp sắp tới để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Biduop nhấn mạnh: Chúng tôi đã thành lập nhóm truyền thông số và mời đội truyền thông của truyền hình HTV7 (Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh) lên tập huấn công tác truyền thông nhằm mục địch có thể đưa hơi thở cuộc sống của VQG, cập nhật liên tục tới những người quan tâm, yêu quý VQG Biduop.
Chúng tôi cũng đã được một đơn vị tài trợ cho gói thầu 3.000 USD trong ứng dụng chuyển đổi số, đồng thời chúng tôi cũng nhận thức được rằng chuyển đổi số là quá trình bao trùm và chi phối tất cả các ngành và cần phải tự đổi mới liên tục mới có thể đáp ứng đc mục tiêu và nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp.
Còn TS Nguyễn Đức Thành thì cho biết, đến nay chuyển đổi số của ngành đã đạt được một số thành tựu nhưng về cơ bản chưa có hệ thống, chưa thống nhất. Hiện, Các đơn vị đang xây dựng cơ sở dữ liệu số nhưng chưa có nhất quán chung trong toàn ngành. Như tại trường Đại học Lâm nghiệp đã xây dựng phần mềm, dữ liệu giám định gỗ trên điện thoại thông minh và tại một viện Lâm nghiệp cũng xây dựng một phần mềm về lĩnh vực này nhưng cơ sở dữ liệu của 2 đơn vị này không thể dùng chung cho toàn ngành được.
Theo đó, trong thời gian tới, chúng ta phải xây dựng một phần mềm chung nhất, đồng nhất để dùng cho được cho toàn ngành mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Tôi đề xuất 3 giải pháp cho chuyển đổi số trong ngành. Thứ nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cần được quan tâm đầu tư trong thời gian tới.
Thứ 2 trong Bộ NNPTNT đã có một số đơn vị chủ động kinh phí nên nguồn lực còn hạn chế cần được quan tâm từ Bộ. Thứ 3 là về cở sở hạ tầng trang thiết bị cần đầu tư đặc chủng, chuyên dùng như máy chủ kiểm kê tài nguyên rừng, thiết bị không người lái cần được Bộ quan tâm hơn.
Trường ĐH Lâm nghiệp: Xây dựng đại học số, chuyển đổi xanh
GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng: Đối với Trường Đại học Lâm nghiệp, chúng tôi đang xây dựng đề án Đại học số của Trường Đại học Lâm nghiệp. Cũng có người nói rằng tại sao lại gọi là Đại học số? Thuật ngữ hiện nay ở trên các phương tiện truyền thông cũng như luật pháp, chính sách của Nhà nước hay nói là chuyển đổi số.
Chúng tôi nói chuyển đổi số và với tư duy số mình phải có những nhanh nhạy đi trước. Logic của chuyển đổi số là chuyển đổi từ một cái chưa phải là số hoặc là số ít thành một cái đậm nét là số. Đối với Trường đại học Lâm nghiệp đích đến là Đại học số. Về mặt vĩ mô phù hợp với đích đến là kinh tế số, xã hội số, còn cụ thể của chúng tôi là Đại học số.
Đại học số của chúng tôi cũng gắn với chuyển đổi xanh. Trong chuyển đổi xanh có nhiều thứ và chúng tôi muốn biến không gian của trường Đại học Lâm nghiệp của chúng tôi thành không gian xanh. Chúng tôi gọi đó là không gian tri thức, đổi mới, sáng tạo của Trường Đại học Lâm nghiệp.
Ở đó, chúng ta trao đổi thông tin cũng như tiếp nhận thông tin ở bên ngoài thư viện truyền thống, chứ không hẳn phải vào bên trong thư viện mới tìm được cuốn sách hay tìm được một tài liệu. Chúng tôi gọi đấy là cả một không gian số, gồm cả thư viện số, giảng đường số, những người học tập số, nghiên cứu số… Chúng tôi sẽ xây dựng trường đại học số như vậy và kèm theo đó chuyển đổi xanh trong đó có năng lượng xanh. Đó là sự chuyển đổi, tích hợp với nhau.
Tôi xin phép không đề xuất nhưng có một vài ý mang tính thông điệp. Tôi cho rằng chính sự chuyển đổi trong tư duy sẽ tạo nên sự thay đổi. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan vừa là mục tiêu phục vụ của chuyển đổi số đồng thời cũng là nền tảng cho chuyển đổi số. Sự hợp tác tốt của chúng ta thì cũng sẽ dẫn đến chuyển đổi số tốt. Chúng tôi gọi việc kết nối ý tưởng, kết nối về nhu cầu, khả năng, ý tưởng giữa con người, lòng người với nhau, giữa các cơ quan, giữa các thiết chế với nhau chính là mục tiêu và nền tảng cho chuyển đổi số. Chính kết nối sẽ hình thành nhu cầu.
Nhu cầu ở đây mọi người muốn kết nối và muốn kết nối mình phải vào hệ thống. Và muốn vào hệ thống phải có nền tảng về công nghệ. Đó chính là những cách làm dẫn đến tự thân chuyển đổi số tạo nên hiệu quả và tạo nên sự tham gia và huy động nguồn lực cho chính quá trình này chứ không hẳn nguồn lực chỉ của Nhà nước hay nguồn lực chỉ từ tài trợ hợp tác quốc tế. Nguồn lực phát sinh ra từ chính ý tưởng và nhu cầu kết nối của chính chúng ta. Vai trò của chính sách, vai trò của công nghệ mà anh Phạm Hồng Lượng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã nói tôi cũng rất đồng ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.