Rừng trồng giảm chất lượng, Viện Khoa học Lâm nghiệp giới thiệu những giống cây vừa cho gỗ quý, vừa cho hạt đắt tiền

Trang Ngân Thứ tư, ngày 08/11/2023 20:21 PM (GMT+7)
TS. Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, ngoài keo, bạch đàn là những loại cây dễ trồng và quen thuộc, nước ta có tiềm năng lớn về các loài cây lâm sản ngoài gỗ như cây dược liệu, cây gỗ đa dụng khác vừa cho gỗ quý, vừa cho thu hoạch hạt giá trị cao.
Bình luận 0

Tăng diện tích rừng có chứng chỉ

Mới đây, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức Toạ đàm trực tuyến chủ đề "Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu". Tham dự toạ đàm, TS. Trần Lâm Đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp và là quốc gia tiếp cận chứng chỉ rừng từ sớm. Năm 2006, Việt Nam đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Tuy nhiên hiện nay rừng của bà con quản lý còn hạn chế, nhỏ lẻ.

Năm 2017, khi Luật Lâm nghiệp ban hành, diện tích rừng có chứng chỉ còn khiêm tốn, đạt khoảng 250.000 ha. Để thúc đẩy diện tích rừng có chứng chỉ, năm 2018 Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS).

Hệ thống VFCS được xây dựng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC, được PEFC công nhận, cho phép sử dụng nhãn mác và vận hành từ 2019. Đến nay cả nước đã có khoảng 435.000 ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó 150.000 ha có chứng chỉ rừng VFCS/PEFC.

Rừng trồng giảm chất lượng, Viện Khoa học Lâm nghiệp giới thiệu những giống cây vừa cho gỗ quý, vừa cho hạt đắt tiền - Ảnh 1.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (xóm Táo, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hiện có khoảng 17 cây trám đen cho thu hoạch quả. Mỗi vụ trám, gia đình ông sẽ thu hoạch khoảng 7 – 8 tạ quả. Ảnh: Hà Thanh

Theo ông Trần Lâm Đồng, hiện Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Để đưa nhiều sản phẩm gỗ và lâm sản vào thị trường Mỹ cũng như các quốc gia nhập khẩu, thị trường khó tính đều đòi hỏi cần các chứng chỉ rừng bền vững. Qua đó giúp gia tăng giá trị sản phẩm lâm sản, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 4 triệu ha rừng sản xuất, cung cấp cho các nhà máy chế biến khoảng 20 triệu m3 gỗ, chủ yếu là các loại keo, bạch đàn, quế, thông.

Tuy nhiên, ông Đồng cho biết năng suất rừng trồng hiện đang có sự suy thoái, có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là do giống cây rừng. Hầu hết bà con trồng các giống dễ chăm sóc, quen thuộc như keo, bạch đàn. Viện Khoa học Lâm nghiệp cũng đã nghiên cứu, lai tạo nhiều giống keo, bạch đàn mới có năng suất cao hơn và đã chuyển giao nhiều giống mới cho bà con, tuy nhiên trong quản lý sử dụng giống cây rừng của chúng ta còn nhiều vấn đề bất cập. 

"Ví dụ thực tế hiện nay, tỷ lệ giống cây rừng có nguồn gốc xuất xứ chưa cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng còn thấp, như giống nuôi cấy mô còn ít. Đa số bà con đang sử dụng giống cây rừng trôi nổi, chất lượng giống chưa được kiểm soát, nên có xu hướng suy thoái năng suất. Giống mới chúng ta có nhiều, song việc chuyển giao vào sản xuất cho bà con còn gặp nhiều khó khăn, do bà con quen sử dụng giống lâu năm như keo lai nên không chịu thay đổi" - ông Đồng nói. 

Trước thực trạng này, Viện Khoa học Lâm nghiệp đã tập hợp các giống cây rừng năng suất vào tài liệu để phổ biến cho bà con, trong đó các giống ghi rõ thích hợp trồng ở vùng nào, năng suất bao nhiêu, thích ứng khí hậu ra sao để bà con có những chọn lựa phù hợp.

Ngoài ra, theo TS.Đồng, suy thoái năng suất rừng còn do sâu bệnh, dịch bệnh, thiên tai... Riêng dịch bệnh với rừng rất khó chữa, không có thiên địch để kiểm soát, ví dụ cây keo của chúng ta đang bị nhiều bệnh, không đáp ứng được chế biến gỗ xẻ. Ngoài ra, cây keo cũng yếu trước gió bão nên để chuyển sang trồng gỗ lớn rất khó. 

Rừng trồng giảm chất lượng, Viện Khoa học Lâm nghiệp giới thiệu những giống cây vừa cho gỗ quý, vừa cho hạt đắt tiền - Ảnh 2.

Mỗi năm chị Phạm Thị Mận, thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) trồng hàng chục vạn cây giống cung ứng cho người dân trong vùng. Ảnh: Kim Thoa

Những giống cây vừa cho gỗ quý, vừa cho hạt đắt tiền

Giải pháp để nâng cao năng suất rừng trồng hiện nay là trồng rừng kết hợp phát triển lâm sinh. "Chúng tôi khuyến khích bà con trồng thêm cây rừng, trồng thêm cây gỗ lớn thay vì độc canh vài loại cây rừng. Các giải pháp này đều được Bộ Nông nghiệp và PTNT coi là các giải pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó là nghiên cứu thêm các loại phân bón, chế phẩm sinh học để bón cho cây, cải tạo năng suất rừng. Thông qua toạ đàm, chúng tôi cũng mong muốn các thông tin này được đẩy mạnh để tuyên truyền tới bà con, từ đó áp dụng các chính sách cải tạo năng suất rừng trồng được hiệu quả hơn" - ông Đồng chia sẻ.

Về các giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng, ông Trần Lâm Đồng cho biết, ngoài keo, bạch đàn là những loại cây dễ trồng, Việt Nam có tiềm năng lớn về các loài cây lâm sản ngoài gỗ. Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phát triển kinh tế dưới tán rừng, hay giá trị đa dụng của rừng, thời gian qua Viện Khoa học Lâm nghiệp đã thực hiện nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong đó, có thể phân các nhóm nghiên cứu như sau:

Nhóm các loại cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao như sâm Lai Châu, tam thất hoang, khôi tía, sa nhân, ba kích, thảo quả, và nhiều loại cây dược liệu khác như đẳng sâm, bách bộ, kim tuyến,… Những loài cây lâm sản đa mục đích vừa cho thu hoạch gỗ chất lượng, vừa cho thu hoạch hạt, bán được giá rất cao như dẻ Trùng Khánh, mắc ca, sơn tra, trám đen, trám trắng, dổi ăn hạt, cây óc chó... Bên cạnh đó còn có các loại cây họ tre, mây; cây ươi, cây xoay, quế, hồi... 

Rừng trồng giảm chất lượng, Viện Khoa học Lâm nghiệp giới thiệu những giống cây vừa cho gỗ quý, vừa cho hạt đắt tiền - Ảnh 3.

Tại xã Sơn Ninh (được xem là thủ phủ trồng trám đen của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) có khoảng hơn 300/1.000 hộ dân trồng trám đen, năng suất toàn xã đạt khoảng 20 tấn/năm. Giá bán trám đen tại vườn dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Ảnh: Tập Thoả

Hiện Viện đã đúc rút thành các bộ giống, quy trình kĩ thuật nhân giống và trồng, từ thí nghiệm đến chuyển giao sản xuất ở nhiều địa phương. Tùy theo từng loại cây thích hợp với trừng điều kiện lập địa, thời tiết vùng khác nhau, từ đó bà con có thể tham khảo để chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai của mình. Ví dụ, trồng rừng quế so với rừng keo thì rõ ràng trồng quế đang mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều. 

TS Đồng cũng lưu ý: Không phải đất nào cũng trồng được những cây gỗ quý hay dược liệu quý, bà con cần tham khảo hướng dẫn về giống, kỹ thuật trồng, cùng với việc nắm rõ đặc điểm lập địa, thời tiết...

"Về vấn đề phát triển kinh tế, canh tác dưới tán rừng, Viện đang tiếp tục nghiên cứu, theo đó có 2 vấn đề cần được quan tâm. Một là về chính sách, quy định của nhà nước, nếu chúng ta không kiểm soát mà phát triển ồ ạt thì cũng không được. Ví dụ tại khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ thì chỉ được phép trồng và phát triển một phần. Hai là về kỹ thuật, đối với rừng tự nhiên nếu quản lý không tốt sẽ gây ra suy thoái nền rừng và có thể gây ra mất rừng" - ông Đồng nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem