Chuyển động Nhà nông 4/5: Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới
Giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, giá heo dậm chân tại chỗ
Kể từ ngày 1/5, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi cho heo 300 – 500 đồng/kg. Như vậy, trong vòng 4 tháng qua, thức ăn chăn nuôi đã có 4 lần tăng giá liên tiếp, tổng mức tăng khoảng 40.000 đồng/kg. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết người chăn nuôi kỳ vọng giá heo hơi có thể nhích lên 60.000 đồng/kg, nhưng đến nay, tình hình thị trường cho thấy, giá heo xuất chuồng đang chững lại ở mức thấp, có lợi cho người tiêu dùng trong những ngày nghỉ lễ. Hiện, giá heo ba miền tiếp tục đi ngang, giá dao động từ 53.000 - 58.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng sau 12 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi kể từ cuối năm 2020, trong khi giá thành sản xuất đang dao động 60.000 đồng/kg, điều này có nghĩa người chăn nuôi đang lỗ khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ vượt mức đỉnh năm 2019
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), giá cá tra nguyên liệu trong quý I tăng mạnh kéo giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 - 3,4 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019. Giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp cho người nuôi có động lực thả nuôi trở lại, tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém giá cá bán. Do đó, cho tới nay, cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao. Bù lại, yếu tố thị trường đầu ra đang tích cực và nhiều khả quan hơn trong các quý tới. VASEP dự báo, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý II. Hiện nay, giá cá tra cỡ 0,7 - 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg.
Sản lượng thủy sản cả nước đạt 2.600 nghìn tấn
Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng thủy sản tháng 4-2022 của cả nước ước đạt 736,4 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thủy sản nuôi trồng đạt 380,4 nghìn tấn, tăng 5,8%; thủy sản khác ước đạt 356 nghìn tấn, giảm 0,6%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 2.600 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng đạt 1.368,4 nghìn tấn, tăng 5,3%; khai thác đạt 1.231,6 nghìn tấn, giảm 1%... Để ứng phó, hạn chế dịch bệnh, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố khuyến khích nông dân nuôi trồng thủy sản lưu ý nuôi xen ghép nhiều đối tượng, thay đổi hình thức nuôi, lịch thời vụ nuôi... Đối với khai thác, các địa phương chú trọng phát triển kinh tế biển; đẩy mạnh thực hiện chính sách về phát triển thủy sản; tổ chức thực hiện tốt các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Mưa lớn khiến gần 8.000 ha lúa ở Thừa Thiên - Huế bị đổ ngã
Ngày 3/5, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, mưa lớn bất thường trong những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Theo đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 30/4 đến ngày 2/5, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, khiến nhiều diện tích lúa vụ đông xuân sắp thu hoạch bị ảnh hưởng và đổ ngã. Thống kê từ các địa phương cho thấy, có khoảng 7.813 ha lúa bị đổ ngã trong đợt mưa này. Trong đó, một số huyện có diện tích đổ ngã lớn như Phú Vang 1.800 ha; Phong Điền 1.500ha; Hương Thủy 1.350 ha; Quảng Điền 830 ha; Hương Trà 783 ha; Huế 1.200 ha; Phú Lộc 350 ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.