Chuyển động Nhà nông 2/5: Đưa OCOP trở thành thương hiệu mạnh của Hà Nội

THDV Thứ hai, ngày 02/05/2022 14:00 PM (GMT+7)
Thời gian qua, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, quyết tâm đưa OCOP trở thành thương hiệu mạnh của Hà Nội. Đây là thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 2/5.

Đưa OCOP trở thành thương hiệu mạnh của Hà Nội

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể. Trong năm 2021, có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được đánh giá, phân hạng và đủ điều kiện trình UBND TP Hà Nội quyết định công nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Tuy nhiên, không có sản phẩm nào đủ sức chen chân vào nhóm sản phẩm 5 sao. Các mặt hàng chủ yếu thuộc nhóm 4 sao (367/595 sản phẩm), còn lại 228 sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng dừng ở mức 3 sao. Để phục hồi chuỗi đứt gãy giao thương do dịch Covid-19 gây ra, từ nay đến cuối năm 2022, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời phối hợp với các đơn vị xây dựng được thêm ít nhất 24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện đưa nông sản, thực phẩm, hàng hóa chất lượng từ 3 sao trở lên đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Quảng Bình phấn đấu trồng thêm hơn 10 triệu cây xanh

UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 " theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Theo đó đến hết năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm được ít nhất 10,187 triệu cây xanh, trong đó 1,953 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu vực đô thị và khu vực nông thôn; 8,234 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện Đề án là hơn 204 tỷ đồng. Trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ cân đối bố trí ngân sách để hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 2,5 tỷ USD

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,73 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 4/2022 ước đạt 33,26 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, giảm 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,77 tỷ USD, giảm 4,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2022 tăng 25%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 26,6%.

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 0,18% 

 Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến giá tiêu dùng cả nước trong tháng 4-2022 bị chi phối bởi một số yếu tố. Cụ thể, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem