Chuyên gia chỉ đích danh 4 "biến số" lớn đối với nền kinh tế 2025

Huyền Anh Thứ năm, ngày 12/12/2024 14:02 PM (GMT+7)
Năm 2024, kinh tế Việt Nam dẫn đầu khu vực ASEAN, vượt qua nhiều khó khăn trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đầy biến động. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, hành trình tăng trưởng của nền kinh tế phải đối mặt với loạt "biến số" phức tạp, từ những thách thức ngoại biên đến những vấn đề nội tại cần sớm được giải quyết.
Bình luận 0

Đó là nhận định được các chuyên gia đề cập tại hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - nhận diện cơ hội" do báo Đầu tư tổ chức ngày 12/12.

img

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) - Ảnh: Baodautu

Khai thông được hiệu quả doanh nghiệp, tăng trưởng hai con số không khó

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7,04%, là mốc cao nhất trong khu vực ASEAN theo dự báo của IMF tháng 10/2024. Nền kinh tế phát triển đồng đều ở cả ba khu vực: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp – xây dựngdịch vụ, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Điều này càng trở nên ấn tượng trong bối cảnh diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp. Theo ông Khôi, việc Việt Nam là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần tăng nhu cầu thế giới đối với hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Một điểm yếu quan trọng là khu vực kinh tế trong nước chưa đóng vai trò lớn trong tăng trưởng, trong khi các địa phương kinh tế đầu tàu (TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) đang giảm dần tỷ trọng GDP. Nguyên nhân xuất phát từ việc các địa phương này đã đạt tới mức phát triển tối đa, trong khi các tỉnh thành khác đang dần vươn lên.

Về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, dù có sự cải thiện đáng kể so với 10 năm trước, nhưng mức độ hiệu quả chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, may mặc và điện tử dù mang lại giá trị ngoại hối lớn nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, chủ yếu do doanh nghiệp vẫn dựa vào mô hình gia công.

Ông Khôi nhấn mạnh: "Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng GDP hai con số và không có nhiều hoài nghi về câu chuyện này. Trong đó, yếu tố cốt lõi nằm ở việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp". Do đó, nếu khai thông được hiệu quả doanh nghiệp, tăng trưởng hai con số không phải là điều khó khăn.

Cũng theo ông Khôi, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là xu thế không thể đảo ngược. AI đang thay đổi toàn diện hoạt động sản xuất – kinh doanh, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Dự kiến, AI sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030. Việt Nam cần tận dụng xu thế này để thúc đẩy hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, hướng tới tốc độ tăng trưởng hai con số.

4 "biến số" chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025

Thảo luận tại hội thảo, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận năm 2024, biến động toàn cầu tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn giữ được một số điểm sáng, như kiểm soát được lạm phát ở mức khả quan, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trong năm 2024.

Bước sang năm 2025, TS Hiếu dự báo những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới, đặc biệt là trên mặt trận địa chính trị. Với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì 2025 có thể sẽ là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam.

img

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế. (Ảnh: Baodautu)

TS Nguyễn Trí Hiếu nêu ra 4 "biến số" chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Thứ nhất, về tỷ giá, chỉ số đồng USD (DXY) ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua, đạt mức 105,69 vào ngày 9/12/2024. Điều này kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam tăng, từ 24.265 đồng/USD đầu năm lên 25.318 đồng/USD hiện nay, tương đương mức tăng 4,34%. Dự báo cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.

Thứ hai, về ngoại thương. Theo TS Hiếu, dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" (America First), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam (Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ). Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ - đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.

"Ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro. Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn, đặc biệt nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ như giai đoạn trước", ông Hiếu lưu ý.

Thứ ba là tình hình địa chính trị. Các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông, và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Việt Nam với sự lệ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80-90%, sẽ chịu những tác động của sự biến động của USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.

Thứ tư, nội tại của nền kinh tế. Ông Hiếu nêu thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau Covid-19. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh những thách thức, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút dòng vốn từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Quyết định của Nvidia đặt trung tâm R&D tại Việt Nam là tín hiệu tích cực cho quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể là "con dao hai lưỡi", do đó Việt Nam cần cẩn trọng để tránh trở thành "trạm trung chuyển" hàng hóa của Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ bị Mỹ giám sát chặt chẽ.

Thị trường châu Âu cũng hứa hẹn mang lại tiềm năng lớn, mặc dù nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột Ukraine. Hàng hóa Việt Nam với giá thành cạnh tranh vẫn có lợi thế lớn tại đây.

Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng với biến động toàn cầu. Theo TS. Hiếu, điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các địa phương nhằm khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với rủi ro và thách thức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem