Chuyên gia Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn: Làm TMĐT nhưng không có thanh toán điện tử thì như vỗ bằng một tay

Ong Lý Thứ năm, ngày 02/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
"Nói đến thương mại điện tử mà không làm thanh toán điện tử thì giống như chúng ta vỗ tay bằng một bàn tay", chuyên gia ĐH Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Bình luận 0

3 khía cạnh Nhà nước có thể tham gia khi xây dựng sàn thương mại điện tử

Tại Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia Trường ĐH Fulbright cho biết, hiện 60% dân số của Việt Nam sống ở nông thôn, nông dân chiếm 40-50% dân số. Bên cạnh đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế khi chiếm 95% GDP của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng hơn 40 tỷ USD trong năm 2020, và thống kê mặt hàng nông sản bán trên các sàn thương mại điện tử tăng trưởng 2 con số. 

"Đây là những con số vô cùng ấn tượng. Nhưng dù như vậy, nhiều người người dân khu vực nông thôn như hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn chưa biết nhiều trước xu hướng thương mại điện tử. Thực trạng này cho thấy vai trò của Nhà nước rất lớn. Nhưng tư duy vai trò của Nhà nước thế nào tôi nghĩ rất quan trọng", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Chuyên gia Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn: Vỗ tay bằng một tay nếu làm TMĐT nhưng không có thanh toán điện tử - Ảnh 1.

Chuyên gia ĐH Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn bày tỏ ý kiến tại Hội thảo.

Theo vị chuyên gia này, thực trạng cho thấy khả năng tiếp cận các sàn thương mại điện tử của bà con nông dân rất khó khăn, nếu Nhà nước thành lập một sàn thương mại điện tử cho riêng cho họ là góc tiếp cận hơi xa. 

Ông Anh Tuấn cho rằng, Nhà nước có 3 khía cạnh để tham gia trong vấn đề liên quan đến sàn thương mại điện tử. Thứ nhất Nhà nước có thể trực tiếp sản xuất, thứ hai có thể trực tiếp tài trợ, thứ ba là Nhà nước có thể cung ứng. 

Nếu để tài trợ nông dân, Nhà nước có thể tham gia hỗ trợ một phần chi phí đầu tư, chi phí vận hành cho các sàn thương mại điện tử. Nhưng Nhà nước không cần thiết phải tham gia sản xuất, ví dụ như khi lập một sàn thương mại điện tử, và cung ứng - tức là tự vận hành một sàn thì thị trường tự nó sẽ làm tốt hơn.

"Vậy Nhà nước sẽ làm gì? Theo tôi, Nhà nước cần lập chính sách, các tiêu chuẩn, điều tiết và lập ra hành lang pháp lý, quy định rõ các quyền và trách nhiệm của các bên tham gia. Đặc biệt là yêu cầu về minh bạch hóa, về đảm bảo duy trì tính cạnh tranh, các quy định về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Ví dụ như các nhà tổ chức sàn giao dịch thế nào, cơ chế thanh toán ra sao, vận tải và các cơ chế giám sát, đánh giá giải quyết khiếu nại tranh chấp... Đây là các vấn đề rất quan trọng", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cần đảm bảo yêu cầu minh bạch hóa các sàn thương mại điện tử

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói thêm, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 85, sửa đổi và bổ sung một số điều tại Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử. "Nói đến thương mại điện tử mà không làm thanh toán điện tử thì giống như chúng ta vỗ tay bằng một bàn tay. Nhà nước có thể bỏ kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp thông tin pháp luật, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ nông dân tham gia và sử dụng tốt nhất các tính năng của các sàn thương mại điện tử", ông Anh Tuấn nói.

Ngoài ra, Nhà nước cần đảm bảo cơ chế thanh toán và cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp, đặc biệt yêu cầu minh bạch hóa các sàn thương mại điện tử. Việc này sẽ giải quyết được các trở ngại, băn khoăn đã đặt ra.

Nội dung thứ hai, về văn hóa ứng xử, đằng sau vấn đề này là một ý sâu hơn, đó là bất cập về cơ chế giải quyết khiếu nại, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Rất nhiều người lo lắng về những rủi ro khi tham gia vào các giao dịch thanh toán, không dùng tiền mặt. Đây có lẽ là một trở ngại lớn khiến nhiều người khi tham gia giao dịch thanh toán.

Chuyên gia Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn: Vỗ tay bằng một tay nếu làm TMĐT nhưng không có thanh toán điện tử - Ảnh 3.

Toàn ảnh Hội thảo: "Ngày nông dân không dùng tiền mặt".

Việt Nam đã có luật bảo vệ người tiêu dùng, về cơ bản cơ chế bảo vệ đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế nhưng ở mức độ ứng dụng trong thực tiễn còn rất hạn chế, đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng tài chính - tức là những người sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính còn nhiều lỗ hổng pháp lý.

Vị chuyên gia này cho rằng, sắp tới chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm, bởi để thay đổi một thói quen, tập quán cũ không phải dễ nhưng chúng ta cần có những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế. 

Ông Anh Tuấn cũng chỉ ra những tồn tại, đó là quy định về quyền lợi cho người tiêu dùng đang nằm rải rác tại các văn bản pháp luật và nhiều các cơ quan khác nhau ban hành, khi xuất hiện nhiều bất cập, vấn đề phát sinh nhưng không có cơ quan chuyên trách nào đứng ra thực thi các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ tài chính.

Về cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính còn nhiều lỗ hổng. Hiện còn thiếu cơ chế giám sát, rồi báo cáo lại kết quả xử lý cho người tiêu dùng, trong khi đó, người sử dụng không biết những khiếu nại của mình được xử lý thế nào; nhà cung cấp dịch vụ tài chính phản hồi ra sao. Hay có bất kỳ một cơ chế nào xử lý hành vi vi phạm thì vẫn chưa rõ.

Về công khai, minh bạch giá các dịch vụ, cam kết của các nhà cung cấp về chất lượng dịch vụ của họ thế nào, khách hàng cũng thiếu thông tin để có thể so sánh tỉ lãi cũng như chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp. Chúng ta nói nhiều về việc cần thay đổi thói quen của người tiêu dùng thay đổi tập quán nhưng văn hóa của nhà cung cấp dịch vụ thông tin thì chưa được bàn tới.

Trong chiến lược tài chính quốc gia toàn diện 2025, tầm nhìn 2030 chúng ta nói về vấn đề giáo dục nhận thức, kiến thức tài chính của người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là phải chủ động nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ tài chính để họ có thể tự bảo vệ mình. Thất bại trong thị trường dịch vụ tài chính rất lớn ví dụ như thông tin không tương xứng, rủi ro đạo đức, vấn đề về tâm lý độc quyền ... là những vấn đề đang tồn tại. 

"Dưới góc độ nhà nghiên cứu chính sách, tôi cho rằng cần phát huy vai trò của của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương... có vai trò rất quan trọng trong "cuộc chơi" này", ông Anh Tuấn nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem