Chuyên gia IMF: NHNN có thể phải điều chỉnh lại cách tiếp cận chính sách tiền tệ
Chuyên gia IMF: NHNN có thể phải điều chỉnh lại cách tiếp cận chính sách tiền tệ
Ngọc Diệp
Thứ sáu, ngày 29/09/2023 08:32 AM (GMT+7)
Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định không còn nhiều dư địa cho nới lỏng tiền tệ. Trong tương lai, nếu có rủi ro lạm phát leo thang hoặc gián đoạn trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh lại cách tiếp cận chính sách tiền tệ.
Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước neo tỷ giá trung tâm ở mức 24.089 VND/USD, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, tỷ giá USD trên thị trường tự do và ngân hàng thương mại đang nhảy múa. Chốt phiên ngày hôm qua, tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng. Cụ thể giá USD hiện ở mức 24.370 - 24.450 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 20 đồng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra. Còn tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD tăng 10 đồng ở cả 2 chiều mua bán.
Như vậy, sau 6 tháng yên ả, do tác động của chính sách giảm lãi suất, tỷ giá USD đã bật tăng sau nhiều thời gian bị kìm nén. Tính đến ngày hôm nay, tỷ giá USD đã tăng hơn 2%, tương đương với mức lãi suất giảm từ đầu năm đến nay là 2%.
Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng vấn đề biến động tỷ giá trong thời gian qua sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, đồng thời nhận xét các nhà quản lý Việt Nam đã phản ứng rất nhanh nhạy với tình hình.
Tỷ giá USD/VND tăng nhanh trong những ngày gần đây. Theo ông, những biến động này đến xuất phát từ những nguyên nhân nào?
Diễn biến tỷ giá chịu tác động từ nhiều yếu tố trong đó có chênh lệch lãi suất, các hình thái thương mại bên ngoài, dòng vốn và niềm tin của nhà đầu tư. Khi mà ngân hàng trung ương nhiều nước lớn, đặc biệt Mỹ nâng lãi suất và có ý định duy trì lãi suất cao trong thời gian dài, điều này đã làm tăng giá trị đồng USD lên cao hơn so với các loại đồng nội tệ khác tại châu Á, trong đó có VND. Tuy nhiên, thặng dư thương mại lớn của Việt Nam có được trong năm 2023 cho đến nay đã giúp giảm bớt áp lực mất giá của tiền VND.
Một lý do quan trọng đằng sau việc VND giảm giá chính là chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít nước đã giảm lãi suất chủ chốt trong năm nay. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?
Chính sách tiền tệ của Việt Nam phản ứng nhanh với điều kiện kinh tế thay đổi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất nhanh chóng ứng phó với tình trạng kinh tế suy giảm tăng trưởng từ đầu năm nay và hạ lãi suất.
Tuy nhiên, xét đến sự khác biệt về lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như nhiều nền kinh tế phát triển khác, việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cũng tiềm ẩn rủi ro với nền kinh tế, trong đó có việc làm gián đoạn các động lực tỷ giá và làm gia tăng áp lực lạm phát. Ngoài ra, việc nới lỏng chính sách tiền tệ hiện cũng không mang lại nhiều tác động bởi nhu cầu tín dụng yếu tại Việt Nam.
Việt Nam đã có thặng dư thương mại từ đầu năm đến nay, ông nghĩ sao về kết quả này?
Thặng dư thương mại của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đã vượt mốc 20 tỷ USD, cao nhất so với khoảng thời gian tương đương của suốt hai thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, điều này lại phản ánh cho thực tế rằng nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm đi, nhưng cùng lúc nhập khẩu của Việt Nam lại hạ sâu hơn nữa.
Thặng dư thương mại tăng lên khi mà nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu. Cụ thể tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2023, nhập khẩu giảm đến 16% còn xuất khẩu giảm khoảng hơn 10%. Ước tính khoảng 2/3 nhập khẩu của Việt Nam được sử dụng cho mục đích xuất khẩu lại, chình vì vậy lý do chính khiến nhập khẩu giảm là nhu cầu hàng hóa từ các nước đối tác thương mại lớn như Mỹ hay EU giảm.
Thặng dư thương mại lớn cũng phản ánh cho việc nhập khẩu để phục vụ cho tiêu dùng nội địa giảm sau khi kinh tế suy giảm vào đầu năm 2023, tuy nhiên qua thời gian, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều sẽ dần hồi phục.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã lập ra nhiều mục tiêu, trong đó có hạ lãi suất, giữ ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Ông nghĩ sao về những mục tiêu có vẻ như đối lập này cũng như kết quả chính sách mà SBV đã có được cho đến nay?
Nhìn trên phương diện rộng, chính sách tiền tệ nhắm đến việc đảm bảo ổn định giá cả cùng lúc duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định. Trong trường hợp Việt Nam, SBV trên thực tế có vài công cụ chính sách khác nhau, những công cụ này đều được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế đã yếu đi trong nủa đầu năm nay, cùng lúc đó, lạm phát vẫn ở dưới ngưỡng mục tiêu của SBV, tỷ giá ngoại tệ ổn định.
Tuy nhiên, dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ giờ đây đã hạn chế hơn trước rất nhiều. Trong tương lai, nếu có rủi ro lạm phát leo thang hoặc gián đoạn trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh lại cách tiếp cận chính sách tiền tệ.
Ông có khuyến nghị chính sách gì cho Việt Nam xét đến vấn đề tỷ giá, lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ nói chung?
Chính sách tiền tệ luôn được ưu tiên trong việc ứng phó với sự đi xuống về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, như đã nhấn mạnh trên đây, không gian nới lỏng tiền tệ còn rất hạn chế. Nếu hoạt động kinh tế yếu hơn so với kỳ vọng, chính sách tài khóa sẽ giữ vị trí hàng đầu trong việc mang đến sự hỗ trợ bổ sung bởi dư địa còn dồi dào.
Trong đó có thể tính đến việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như an sinh xã hội để giúp đỡ cho những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất. Cơ chế tỷ giá hối đoái nên được cho phép linh hoạt và đi kèm với nó là việc hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ để có thể vận hành thông qua các công cụ thị trường. Những biện pháp này có thể làm mạnh hơn cơ chế lan truyền của chính sách tiền tệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.