Chuyên gia Jurgen Gede chỉ ra vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam

Thứ hai, ngày 11/05/2020 21:10 PM (GMT+7)
Sau 4 năm làm việc với nhiều trải nghiệm đa dạng, vị chuyên gia người Đức đã không ngại ngần chia sẻ tất cả với công chúng về những trải nghiệm của mình đối với bóng đá Việt Nam nói riêng và cuộc sống tại mảnh đất hình chữ S nói chung.
Bình luận 0

Trước ngày kết thúc hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede đã có những chia sẻ với VnExpress về hành trình 4 năm làm việc tại đất nước hình chữ S với nhiều tâm tư, cảm xúc.

Đầu tiên, vị chuyên gia người Đức đề cập đến công việc mà mình đã làm từ khi bắt tay vào nhiệm vụ, điều mà không phải ai cũng nắm rõ.

"Tôi theo sát các đội trẻ, nhưng công việc bắt đầu từ bóng đá địa phương. Không chỉ là hệ thống giải trẻ quốc gia, tôi còn tới theo dõi những trận đá tập, đá giao hữu, đá nội bộ không mở cửa rộng rãi với khán giả và truyền thông".

"Có rất nhiều điều thú vị ở đấy, bởi những cầu thủ thi đấu trên sân không người xem, không ống kính máy quay sẽ bộc lộ những phẩm chất tốt nhất. Họ không bị chi phối, bởi họ biết rằng lúc này sẽ không ai quan tâm mình đâu".

Sau thời gian dài làm việc, ông Gede không khó để nhìn ra nhiều vấn đề trong công tác đào tạo ở Việt Nam. Một trong số đó chính là thời lượng thi đấu thực tế cùng vấn đề ý thức, đạo đức của các vận động viên trẻ.

Cựu HLV ĐT Uzbekistan nói: "Tôi cũng đã nghiên cứu về thể thức giải trẻ, nhận ra rằng cầu thủ dưới 21 tuổi ở Việt Nam có quá ít cơ hội thể hiện.

Bên cạnh việc số trận chỉ dao động từ 12 trận đến 15 trận mỗi năm, chúng ta còn phải nhìn vào thời lượng bóng lăn trong một trận đấu. Tại châu Á, bóng chỉ lăn khoảng 65 phút trong một trận, tức 25 phút còn lại là bóng chết".

"Ở những nền bóng đá hàng đầu thế giới, thời gian bóng chuyển động trên sân lên tới 78 phút. Chúng ta mất đi gần 15 phút mỗi trận, trong khi vốn dĩ số trận đã ít rồi. Cứ thế nhân lên sẽ thấy, cầu thủ Việt Nam chẳng đá được bao nhiêu. Mà bóng đá không ra sân, không xỏ giày làm sao tiến bộ được".

Nói về vấn đề ý thức của các cầu thủ trẻ, ông Gede tiết lộ từng chứng kiến một vài cầu thủ (trong chuyến thi đấu ở Indonesia) đã lén lút mua thuốc lá về khách sạn sử dụng. Ông cho rằng đây là điều không nên xảy ra với các vận động viên thể thao, đặc biệt là những người chưa tới tuổi 18, và điều này lại còn xảy ra ở một quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, vị chuyên gia người Đức cho rằng, chuyện này có phần lỗi đến từ CLB chủ quản của cầu thủ trẻ.

"Cầu thủ chuyên nghiệp lớn tuổi có thành tích hút thuốc đã là không được, đừng nói gì tới cầu thủ trẻ. Chuyện này thuộc về trách nhiệm các học viện, CLB phía dưới, chứ không thể trách cán bộ đội, HLV và VFF được".

"Chúng tôi chỉ gặp nhau vài tuần, bảo nhau chuyên môn đã hết thời gian chứ đâu có lúc nào giáo dục nhân cách, đạo đức cầu thủ. Có dặn cũng chỉ là dặn dò các em, làm căng lên để gò mọi thứ vào quy củ. Còn lại, trách nhiệm thuộc về cấp địa phương, nơi đào tạo, dung dưỡng cầu thủ hàng ngày".

Cuối cùng, theo ông Jurgen Gede, trong thời gian 4 năm làm việc ở Việt Nam, không phải lúc nào ông cũng nhận được sự hỗ trợ hoặc hợp tác tối đa đến từ các đội bóng. Ông dẫn lại một câu chuyện về buổi hội thảo ở miền Nam, với sự hiện diện của nhiều quan chức CLB, nhưng "suốt lúc tôi nói, không mấy ai tương tác thảo luận lại", và chẳng những thế "còn chẳng thèm quan tâm tôi nói gì, cứ ngồi bấm điện thoại".

"Khi tôi tới địa phương trao đổi, không phải CLB nào cũng lĩnh hội được hết ý kiến của tôi. Nó thuộc về vấn đề cơ chế, muốn làm là một chuyện nhưng chưa có mô hình, quy chế để làm. Bao giờ có chức danh tương đương, nghĩa là người đồng cấp của tôi ở cấp CLB, việc của Giám đốc Kỹ thuật ở VFF mới thuận lợi và dễ dàng hơn", ông Gede đúc rút về 4 năm làm việc với VnExpress.

(Minh Phương (Goal/VN))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem