Chuyên gia mách cách “thúc” học sinh đi học lại sau thời gian quá dài học online
Chuyên gia mách cách “thúc” học sinh, sinh viên hứng khởi đến trường sau thời gian quá dài học online
Tào Nga
Thứ tư, ngày 03/11/2021 06:26 AM (GMT+7)
Theo thảo sát, có 38% số em gặp thách thức ở động lực học tập và 37% số em gặp thách thức ở việc tự kỷ luật bản thân khi học online khiến việc đi học lại gặp khó khăn.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã quyết định cho một số khối lớp ở 18 huyện, thị xã trên địa bàn sẽ được đi học lại vào ngày 8/11. Sở GDĐT TP HCM cũng đưa ra kế hoạch có thể đầu tháng 12 tới sẽ cho học sinh học trực tiếp trở lại, áp dụng đối với các địa bàn theo từng cấp độ dịch.
Không chỉ có học sinh, hàng loạt các trường đại học ở 2 thành phố lớn này bắt đầu công bố thời gian cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp.
Tuy nhiên, sau nửa năm học online ở nhà, học sinh và sinh viên phải đối mặt với khá nhiều vấn đề.
“Thách thức” cho học sinh khi đi học lại
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Đỗ Thái Đăng, giám đốc Công ty Giáo dục nhân tài Đất Việt cho hay: "Tôi đã tiến hành khảo sát 1 số trường THCS tại Hà Nội trong giai đoạn học online 2021 thì có 38% các em gặp thách thức ở động lực học tập (không có động lực, không biết học để làm gì một cách rõ ràng), 37% các em gặp thách thức ở việc tự kỷ luật bản thân trong quá trình học tại nhà (không tự kỷ luật giờ giấc, làm bài, sinh hoạt..). Trong quá trình học online tại nhà xảy ra va chạm nhiều hơn, căng thẳng hơn với phụ huynh.
Lý do là vì chuyển đối thói quen từ học khá tự do ở nhà, mức độ tập trung không cao bằng so với học trực tiếp nên dễ sinh trạng thái bỡ ngỡ, nhiều em năm đầu cấp còn chưa biết trường ở đâu, lớp ở đâu, chưa quen bạn bè... nên sẽ e dè và có sự lo sợ nhất định. Tâm lý sợ hãi vì các em áp lực có thể phải ghi chép nhiều hơn và những phần kiến thức bị hổng, chưa thể ngay lập tức hình thành nề nếp. Ngoài ra, các em có xu hướng khép mình hơn nhưng thực sự rất muốn được lắng nghe chia sẻ và cảm thông cho những khiếm khuyết học tập trong quá trình học online tại nhà.
Từ thực trạng này, ông Đỗ Thái Đăng chia sẻ các giải pháp: "Về phía gia đình, cần thay đổi thói quen sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ để tạo thói quen đi học đúng giờ. Phần lớn các em đều có tâm lý háo hức đến trường, phụ huynh nên động viên con sẵn sàng và không nên làm con quá lo lắng và sợ hãi. Chuẩn bị khẩu trang, nước uống và tuân thủ các qui định phòng chống dịch.
Về phía nhà trường, cần quan sát nhiều về mặt tâm lý song song với việc dạy kiến thức. Giáo viên sẵn sàng đón nhận tình trạng các em chưa vào nề nếp và lượng kiến thức bị hổng sau giai đoạn học online. Giáo viên nên cẩn trọng khi đưa ra những lời nói, nhận xét hay những hình phạt trong giai đoạn đầu này bởi sẽ dễ gây tổn thương, mất kết nối với học trò. Thực tế học sinh học tại nhà có nhiều điều khó nói, không hiểu nhưng không dám chia sẻ do chưa đủ mạnh dạn, còn ngại nên không hỏi nên có thể sẽ bị hụt lại, không theo kịp tiến trình học tập của lớp nên thầy cô cần có những phương án hỗ trợ riêng.
Một bộ phần học sinh có thói quen sử dụng mạng xã hội quá mức, thậm chí thức đêm để chơi game nên sẽ có hiện tượng ngủ gật trong lớp và chán nản việc học. Học sinh chịu nhiều ức chế từ cha mẹ và không được giải tỏa. Vì vậy giáo viên và lớp học cần kịp thời chia sẻ để định hướng cho các em có tư duy tích cực trước mọi tình huống từ việc học, quan hệ gia đình, bạn bè.
Thầy cô có thể sử dụng một số biện pháp làm chủ cảm xúc như cho học sinh chia sẻ những khó khăn, viết những điều tiêu cực ra giấy rồi xé bỏ đi, thực hành viết 10 điều biết ơn mỗi ngày để cân bằng cảm xúc, khơi gợi những cảm xúc tích cực trong các con. Điều cực kỳ quan trọng để có thể đạt kết quả học tập tốt trong giai đoạn quay trở lại đó là giúp các con có mục tiêu học tập rõ ràng, có các phương pháp học tập hiệu quả để là tiền đề cho một giai đoạn học tập hiệu quả mới.
Nhà trường cũng lưu ý trước những bức xúc giữa các bạn học sinh trong quá trình chat trên mạng, trêu đùa, hiềm khích từ đó dẫn đến việc gây gổ, bạo lực học đường. Quan trọng nhất là cần sự lắng nghe từ thầy cô giáo về tâm tư từng em để sát với vấn đề và mong muốn được hỗ trợ từ các em. Tiếp theo là sự động viên và bao dung để các em dần dần hoàn thiện các phần kiến thức bị hổng. Gắn kết lớp học với các hoạt động vui vẻ, tạo bầu không khí thân thiện, đưa lộ trình kiến thức từ nhẹ đến nâng cao hơn để các em có thời gian thích nghi và tránh áp lực quá căng thẳng với học trò".
Tạo hứng khởi cho sinh viên
Chia sẻ với PV, PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết: "Thực tế việc học online mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên như tiết kiệm thời gian di chuyển, chi phí thuê nhà, ăn ở... Ngoài ra, hình thức học này cũng phù hợp với những sinh viên có xu hướng hướng nội vì muốn ở nhà thoải mái, gần gũi giúp các bạn tự tin hơn để bộc lộ và thực hiện ý tưởng.
Khi sinh viên quay trở lại trường nghĩa là quay trở lại nhiều khó khăn và nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, lo các bạn lợi ngôn hơn chiếm mất quyền phát biểu, quyền nói của mình, lo đối diện với kẻ bắt nạt hay những khó chịu khi đi học... Vì vậy có sinh viên dễ nảy sinh việc ngại đi học lại. Giáo viên, nhà trường cần hỗ trợ tâm lý cho sinh viên theo cá nhân hóa, theo nhóm, theo các vấn đề khác nhau và các bạn cần thời gian thay đổi".
Về việc làm thế nào để kích thích sinh viên quay trở lại trường học, PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ: "Giáo viên và nhà trường cần tạo hứng khởi bằng những hoạt động mang tính kết nối, mà ở đây là mặt cảm xúc. Hãy tin rằng các bạn sẽ làm tốt hơn, mỗi bạn có một động lực để thay đổi, có những lo lắng thì đó là bình thường... chứ đừng chú tâm quá, trầm trọng quá biểu hiện cảm xúc của sinh viên như một lỗi sai.
Dành tuần đầu tiên hội nhập có những hoạt chia sẻ, kết nối, dạy kỹ năng sống, nâng cao sức khỏe tinh thần của sinh viên. Và đặc biệt, các trường cần thành lập những nhóm chuyên gia để phát hiện những "sự cố" để giải quyết tránh gây hoang mang cho phụ huynh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.