Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đề xuất xây bia đá “khổng lồ” cạnh Hồ Tây

Nguyễn Lân Hùng Thứ năm, ngày 27/12/2018 07:00 AM (GMT+7)
“Tôi đề xuất, sẽ xây một bia đá khổng lồ đặt ngay cạnh hồ, trên đó sẽ khắc tên các đơn vị và cá nhân đã có đóng góp từ 10 tỷ đồng trở lên để làm sạch hồ Tây… Tấm bia đó sẽ được lưu danh ngàn năm”.
Bình luận 0

Đó là một trong những ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Lân Hùng - Chuyên gia Sinh học - Nông nghiệp, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam gửi tới báo điện tử Dân Việt về việc “bàn thêm về việc thay nước Hồ Tây”. 

Nạo vét Hồ Tây không thể nóng vội

Báo NTNN (số ra ngày 22.12.2018) có cả một chuyên mục về vấn đề thay nước Hồ Tây bằng nước sông Hồng. Hàng loạt các nhà khoa học đầu ngành đã lên tiếng. Đây là vấn đề đã được bàn cãi, tranh luận đã từ rất lâu. 

img

Ông Nguyễn Lân Hùng - Chuyên gia Sinh học - Nông nghiệp, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam. (Ảnh: IT)

Tôi nhớ, đã được dự một buổi tọa đàm về vấn đề này tại Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cách đây đã hơn 10 năm. Tại đây, ý kiến của các nhà khoa học rất đa dạng, nhưng tựu chung các đại biểu lo tới khoản tiền quá lớn để thực hiện dự án nên chưa tán thành.

Kỳ này, có rất nhiều đề xuất, nhiều ý kiến có tính xây dựng và đóng góp thiết thực để nước Hồ Tây sớm được xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cũng có những vấn đề cần xem xét kỹ hơn, chính xác hơn để nó được giải quyết một cách kịp thời và phù hợp.

Trước hết, chúng ta nên thống nhất nhận định: Việc ô nhiễm nước Hồ Tây là do nguồn nước thải của TP đổ vào hồ quá lớn và quá ô nhiễm, việc xử lý nó không triệt để, lượng bùn ở hồ tăng lên gấp bội...

Do đó, việc đầu tiên mà chúng ta nên làm là tìm các biện pháp hạn chế lượng bùn thải và các độc tố từ các đường cống dẫn vào Hồ Tây. Vậy nên có các bể chứa mini ở đầu cống để xử lý. Song, việc này gặp khó bởi cần diện tích để xây bể mini. Nhưng, nếu quyết tâm thì chúng ta vẫn có thể làm được.

Việc thứ hai là tiến hành nạo vét Hồ Tây. Việc này không thể nóng vội. Thậm chí, nó có thể là công việc kéo dài cả thế kỷ. Có lẽ chúng ta chỉ nên “mơ ước” mỗi năm lượng bùn thải được lấy đi từ hồ lớn hơn lượng bùn thải mà các cống đổ vào. Như thế đã là tốt lắm rồi! (Nếu có biện pháp nào tốt hơn thì xin nêu ra thật cụ thể để mọi người cùng xem xét. Đừng nên nêu ra những yêu cầu mà TP không đủ sức thực hiện).

img

Theo ông Nguyễn Lân Hùng, chúng ta nên thống nhất nhận định việc ô nhiễm nước Hồ Tây là do nguồn nước thải của TP đổ vào hồ quá lớn và quá ô nhiễm, việc xử lý nó không triệt để, lượng bùn ở hồ tăng lên gấp bội... ( Trong ảnh: cá chết nổi trên mặt hồ Tây tháng 9.2018. Ảnh: Thành An)

Việc thứ ba là nguồn nước được đưa vào Hồ Tây nên lấy từ đâu? Chúng tôi tán thành ý kiến của GS.Mai Đình Yên là nên lấy từ nước Sông Hồng nên có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái ở hồ. Tuy nhiên, theo tôi, không đến mức như vậy.

Chúng ta nên biết rằng, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Đồng Mô và hàng loạt hồ ven sông Hồng trước kia cũng chỉ là những nhánh của sông Hồng. Năm tháng trôi qua, nó đã bị ngăn cách dần qua các biến cố để trở thành những hồ nước riêng biệt. 

Vì vậy, nguồn gốc nước của chúng đều là từ sông Hồng. Chỉ là do thời gian, ở mỗi vùng, nguồn nước có thể có những biến đổi nhưng không sâu sắc đến mức khiến loài này, loài khác không phát triển được. 

Mặt khác, chúng ta cần biết rằng, khả năng thích nghi của sinh giới với các điều kiện biến đổi là tuyệt vời. Đã chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng, lấy tảo ở Hồ Tây nuôi bằng nước sông Hồng thì tảo đó bị chết. Liệu tôm, cá ở Hồ Tây được tiếp xúc với nguồn nước từ sông Hồng vào thì không “nhảy cẫng” lên vì sung sướng do được tiếp xúc với nguồn nước ít ô nhiễm hơn!

Cần xác định cách đưa, thoát nước 

Bên cạnh đó, Hồ Tây rất rộng, vậy làm sao cùng một lúc mà ta thay được hết nước Hồ Tây. Mọi chi tiết chỉ có thể diễn ra dần dần. Các loài thủy sinh ở Hồ Tây cũng sẽ mau chóng thích ứng với sự biến đổi dần dần. Vì vậy, xin quý vị cứ an tâm, không có loài nào mất đi đâu được.

Việc còn lại là đưa nước sông Hồng vào bằng cách nào? Chúng tôi tán thành quan điểm là đưa nước sông Hồng vào qua các hệ thống cống lớn (cống có thể lớn gấp 10-15 lần hệ thống cống đưa nước từ sông Đà về Hà Nội nhưng nó chỉ dài độ 2-3km). 

img

Hồ Tây rộng hơn 500 ha. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, nên xác định vị trí cửa đưa nước vào hồ để tạo ra vòng xoay nhằm đẩy nước trong hồ từ từ ra các cửa thoát, ta sẽ dần dần thay được nước Hồ Tây bằng nước sông Hồng. Đồng thời, nên tích cực thay nước Hồ Tây vào mùa mưa khi nước sông Hồng dâng cao. Còn vào mùa khô thì phải dùng tới hệ thống bơm nước được đặt chìm như ý kiến của GS-TS Dương Thanh Lương.

Khi Hồ Tây dồi dào nước thì dòng chảy của sông Tích, sông Đáy và cả sông Hoàng Long nữa sẽ có tốc độ nhanh hơn. Do đó, Hà Nội cần tổ chức việc xử lý nguồn nước khi ra khỏi Thủ đô bằng các biện pháp hóa học sinh học. Có thể coi đây là một đề tài để các nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu.

Vấn đề cuối cùng là kinh phí. Chúng ta chưa giàu nên phải hết sức tiết kiệm. Mọi tính toán phải được xem xét rất kỹ và công khai để mọi người có quyền góp ý. Càng không nên vội vàng, việc này không thể làm xong ngay. Do đó, nên có kế hoạch cho từng năm.

Tôi đề xuất, bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, chúng ta hãy kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng với việc làm sạch nước Hồ Tây. Ta sẽ xây một bia đá khổng lồ đặt ngay cạnh hồ. Trên đó sẽ khắc tên các đơn vị và cá nhân đã có đóng góp từ 10 tỷ đồng trở lên để làm sạch hồ. Tôi tin rằng, việc làm sạch và đẹp cho Thủ đô sẽ được nhiều đơn vị và bà con ta ở trong và ngoài nước hưởng ứng. Tấm bia đó sẽ được lưu danh ngàn năm.

Hy vọng, Hồ Tây mênh mông và duyên dáng của Thủ đô sẽ ngày một đẹp hơn, sạch hơn và đáng yêu hơn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem