“Nhà tôi có 5 người, nhưng trước đây chỉ có gần 1ha đất trồng lúa nên thu nhập chẳng dư dật. Căn nhà dột nát cũng không có tiền để sửa. Năm 2005, tôi được Công an tỉnh Tây Ninh xét cấp cho căn nhà tình thương”- anh Lực nhớ lại. Năm 2006, được Hội ND xã giúp đỡ, anh mạnh dạn vay vốn mua 26 con rắn Long Thừa về nuôi.
“Đây là loài rắn hoang dã. Nuôi gần 1 năm, trọng lượng mỗi con đạt từ 1,5-2kg, bán 400.000 đồng/kg, lãi trên 18 triệu đồng. Từ thắng lợi ban đầu, tôi đầu tư nuôi tiếp 100 con. Đợt đó xuất chuồng, trừ tất cả chi phí lãi trên 50 triệu đồng” - anh Lực cho biết. Để chủ động giống, anh học hỏi cách cho rắn sinh sản. Sau một thời gian ngắn, anh đã thành công.
Với kết quả này, năm 2009, anh Lực được Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh trao giải Ba. Cũng tại hội thi này, anh đã gặp anh Trần Văn Hoàng ở ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu - một chuyên gia nuôi ếch bằng cách đào ao phủ bạt. Anh Lực làm quen và học cách nuôi ếch. Từ đó, anh đã chủ động được nguồn thức ăn cho rắn.
Hiện nay, riêng rắn nái, anh Lực có khoảng 300 con. Anh tính toán: với số rắn nái này, bình quân mỗi năm anh có khoảng 7.000 trứng rắn, ấp nở thành công 6.000-6.200 rắn con.
Hiện, giá thị trường 1 rắn con là 150.000 đồng, 1kg rắn thịt giá 755.000 đồng. “Năm tới, tôi sẽ mua một miếng đất, cất lại căn nhà cho khang trang và mở rộng diện tích nuôi rắn sinh sản. Hiện nay, xã tôi có trên 100 hộ nuôi rắn, nên bán rắn giống rất chạy. Thậm chí người nuôi rắn ở các số tỉnh Cà Mau, Quảng Ninh... cũng tìm đến nhà tôi mua rắn giống, có lúc tôi phải bán luôn trứng đang ấp"- anh Lực kể.
Chiêu Lâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.