Chuyên gia phân tích gì nhìn từ việc 2.500 cây xanh ở Hà Nội bị bão số 3 quật đổ?

Bình Minh Chủ nhật, ngày 08/09/2024 11:03 AM (GMT+7)
Từ khoảng 15h ngày 7/9, do bão số 3, Hà Nội nổi giông gió và mưa trút xuống xối xả. Cây cối, công trình, nhà ở, biển quảng cáo... bị tàn phá. Hàng loạt cây trên nhiều tuyến phố trung tâm thành phố bị quật ngã, đổ rạp xuống đường. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cây xanh ở các đô thị dễ dàng bị “quật ngã”?.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, bão số 3 (Yagi) đã làm cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...

Riêng với Hà Nội, từ khoảng 15h ngày 7/9, Hà Nội nổi giông gió và mưa trút xuống xối xả. Cây cối, công trình, nhà ở, biển quảng cáo... bị tàn phá. Hàng loạt cây trên nhiều tuyến phố trung tâm thành phố bị quật ngã, đổ rạp xuống đường. Tính đến thời điểm sáng nay 8/9, hơn 2.500 cây bị bão quật đổ.

Hình ảnh hàng loạt cây xanh trên đường phố Hà Nội bị “ngã gục” sau mỗi trận mưa, giông bão không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Trong khi đó, những cây xanh cùng chủng loại, kích thước ở khu vực ngoại thành hay ở các vùng nông thôn lại vẫn “kiên cường” trước mưa giông. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cây xanh ở các đô thị dễ dàng bị “quật ngã”?. 

Chuyên gia phân tích gì nhìn từ việc 2.500 cây xanh ở Hà Nội bị bão số 3 quật đổ?- Ảnh 1.

Một cây cổ thụ bị quật ngã sau bão số 3 ở Khu đô thị Pháp Vân, Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: Minh Ngọc

Chia sẻ với Dân Việt, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Lâm Sinh cho biết, đầu tiên, việc cây xanh đô thị bị gãy, đổ bắt nguồn từ lựa chọn chủng loại và cách tổ chức quy hoạch vị trí trồng cây.

Trong nhiều năm qua, việc lựa chọn chủng loại cây xanh ở nhiều đô thị chủ yếu là theo các "thói quen", lối mòn, chủ yếu vẫn là các giống cây đã có. Trong khi các chuyên gia đã chỉ ra nhiều loại cây cũ này mắc các khiếm khuyết như dễ bị mọc nghiêng, sâu mọt,… dẫn đến tiềm ẩn tai nạn gãy đổ.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch tổ chức cây xanh trong đô thị cũng còn những mặt chưa hợp lý. Cụ thể, vị trí trồng các cây bóng mát lớn còn tình trạng chạy theo số lượng, có khoảng cách chưa phù hợp, vị trí trồng "cố định" mà thiếu quy hoạch cây xanh bài bản, giảm khả năng tích tụ nguy cơ từ cây bị nghiêng, gãy, đổ.

Thực tế hiện nay, ở các đô thị do sự phát triển quá nhanh nên hệ thống cây xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng do vấn đề đô thị hóa, công tác quy hoạch không đồng bộ.

Nhiều cây có tuổi đời rất cao, sau này do đô thị phát triển sau, đường sá, nhà cửa bắt đầu xây dựng đào bới xuống lòng đất, khi vướng rễ cây họ cắt bỏ, dẫn đến hệ rễ các cây bị xâm hại nguyên trọng, các rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Do đó, rễ cây chỉ ăn luẩn quẩn trong diện tích đó, giống như cây đang trồng ở trong một cái chậu. 

Chính sự xâm hại nghiêm trọng đến hệ rễ của cây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây bị đổ khi gặp thời tiết xấu.

"Cây càng lớn thì càng cần nhiều đất cho bộ rễ phát triển. Tuy nhiên, gốc cây nào trên đường phố Hà Nội hiện nay cũng bị gạch đá, bê tông quây kín. Cây thiếu đất gây hệ lụy là rễ yếu. Như vậy, khi gặp giông lốc cây dễ bị đổ”, chuyên gia này phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem