Chuyên gia thú y khẳng định chăn nuôi hiện đại rất hiếm gặp lợn gạo, khi nào có hiện tượng áp xe?

Minh Huệ Chủ nhật, ngày 25/10/2020 20:40 PM (GMT+7)
Nhiều người thoạt nhìn ổ áp xe trông như bã đậu trên miếng thịt lợn lại tưởng rằng đó là gạo lợn. Thực tế trình độ chăn nuôi của nước ta ngày càng hiện đại, người chăn nuôi tiêm phòng vaccine, phòng bệnh ký sinh trùng theo định kì nên hiện tượng trâu bò, lợn nhiễm ấu trùng sán rất hiếm gặp.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khi trao đổi với PV Dân Việt.

Chuyên gia khẳng định chăn nuôi hiện đại rất hiếm gặp chuyện lợn gạo, phân biệt thịt lợn bị áp xe thế nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Nội.

 Thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh người dân chụp miếng thịt lợn có dây trắng từ mô mỡ, hay sợi gân trong thớ thịt và cho rằng lợn bị nhiễm sán dây, khiến nhiều người hoang mang. Trong khi thực tế con sán có hình dạng dây chỉ có trong cơ thể người. Vậy ông có thể cho biết, khi nào con lợn bị nhiễm sán?

-Những năm trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, nhiều nơi chưa có hố xí tự hoại nên khi phân người nhiễm sán thải ra ngoài, nếu con vật ăn phải thì sẽ bị nhiễm ấu trùng sán. Ấu trùng này là của loài sán dây, sán trưởng thành kí sinh ở ruột non của người. Lợn chỉ là vật chủ trung gian, mang ấu trùng mà thôi.

Nhìn bằng mắt thường, ấu trùng sán hơi giống hạt gạo nên ta thường gọi là bệnh gạo lợn, hay gạo bò. Ổ ấu trùng này chủ yếu tập trung ở vùng cơ của con vật, hoặc ở đầu lưỡi, gốc lưỡi… Ngày xưa người ta hay nhìn thấy lợn gạo, là bởi chăn nuôi kém phát triển, thả rông phổ biến, còn hiện nay hiện tượng trâu bò, lợn nhiễm ấu trùng sán rất hiếm gặp.

Với trình độ chăn nuôi hiện đại, chăn nuôi công nghiệp, lợn bây giờ được nuôi nhiều trong chuồng kín, cách xa khu dân cư, thức ăn, nước uống được kiểm soát chặt chẽ, bên cạnh đó còn có chương trình phòng bệnh ký sinh trùng nên bệnh gạo lợn rất khó có thể xảy ra.

Tuy nhiên tôi cũng khẳng định, hiện tượng gạo lợn, gạo bò chưa hết hoàn toàn, nhất là ở những vùng sâu, vùng núi cao người dân còn chăn nuôi lợn thả rông, cho trâu bò tắm ở những nơi nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên con vật vẫn có thể bị nhiễm ấu trùng sán.

Để phòng bệnh, tốt nhất người chăn nuôi cần thực hiện tẩy giun sán theo định kì, tiêm phòng vaccine để phòng trừ các loại dịch bệnh và thực hiện ăn chín, uống sôi.

Chuyên gia khẳng định chăn nuôi hiện đại rất hiếm gặp chuyện lợn gạo, phân biệt thịt lợn bị áp xe thế nào? - Ảnh 2.

Với trình độ chăn nuôi ngày càng hiện đại, đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học, hiện tượng lợn gạo hiện nay rất khó xảy ra. Ảnh: M.H

Khi nào thì con lợn, hoặc trâu bò bị hiện tượng áp xe? Con vật bị áp xe có an toàn để sử dụng làm thực phẩm hay không, thưa ông?

-Đối với ngành thú y, việc thực hiện tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm đôi lúc cũng gặp khó khăn. Do con gia súc, gia cầm không biết nói, nên khi bị người bắt giữ, một số con vật hoảng sợ nên vùng chạy, hoặc do cố định con vật không tốt dẫn đến mũi tiêm vaccine không đúng vị trí, tiêm chệch ra ngoài, hoặc chưa đủ liều lượng…

Cũng có trường hợp tuỳ vào sự mẫn cảm của cơ thể con vật thì khi tiêm vaccine sẽ xảy ra phản ứng cục bộ, hoặc toàn thân. Khi phản ứng cục bộ, con vật thường xảy ra hiện tượng áp xe ở chỗ vết tiêm. Cũng có trường hợp sau khi tiêm xong, người nuôi để con trâu, bò xuống ao bùn tắm, dẫn đến vết tiêm bị nhiễm trùng và tạo thành ổ áp xe.

Bình thường khi vết tiêm sưng, nóng đỏ, con vật sẽ tự khỏi, nhưng cũng có con vật quá mẫn cảm nên bị mưng mủ, lâu dần tạo thành ổ áp xe, trông như bã đậu. Phải khẳng định rõ, ổ áp xe hoàn toàn khác với ấu trùng sán.

Chuyên gia khẳng định chăn nuôi hiện đại rất hiếm gặp chuyện lợn gạo, phân biệt thịt lợn bị áp xe thế nào? - Ảnh 3.

Người dân chọn mua thịt lợn tại một chợ dân sinh trên địa bàn phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: M.H


Hiện nay chăn nuôi nước ta ngày càng phát triển, để phòng trừ các bệnh dịch phổ biến, con lợn hay con bò thường được tiêm từ 7-9 mũi vaccine nhằm phòng chống một số bệnh phổ biến, truyền nhiễm như sắt, phó thương hàn, 4 bệnh "đỏ" (tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, lở mồm long móng, bệnh tai xanh), hen xuyễn, xổ lãi...

Đối với con lợn, trâu bò, khi tiêm phòng vaccine chúng ta chủ yếu tiêm ở vùng sau tai và hai bên cổ. Chỗ nào bị áp xe thì thịt ở khu vực đó có hiện tượng như bã đậu, chúng ta có thể loại bỏ, còn lại những phần thịt khác vẫn sử dụng được như bình thường.

Ông có thể cho biết những điểm cần lưu ý khi tiêm vaccine cho gia súc, gia cầm?

-Việc tiêm phòng vaccine vào là nhằm tạo miễn dịch chủ động cho con gia cầm, gia súc, tạo kháng thể cho con vật, giống như tiêm vaccine ở con người, giúp con vật ngăn chặn các loại bệnh.

Về nguyên tắc sử dụng, đầu tiên là loại vaccine đó phải đảm bảo còn hạn sử dụng; thứ 2, vaccine đó chỉ phòng những bệnh được tiêm phòng. Trước đây có 2 loại vaccine: Đơn giá và đa giá. Đơn giá tức là chỉ phòng 1 bệnh, nhưng nay nhờ sự tiến bộ của khoa học, 1 mũi tiêm có thể phòng được nhiều bệnh.

Thứ 3 là phải tiêm đúng liều, đúng các vị trí tiêm. Ví dụ con lợn tiêm dưới tai, mông, hoặc bắp nhưng phải đảm bảo đủ độ sâu dưới da.

Thứ 4, chỉ tiêm phòng vaccine đối với những con gia súc, gia cầm khoẻ mạnh. Trừ trường hợp ở nơi đang có ổ dịch thì cơ quan chức năng có thể cho phép cán bộ chuyên môn tấn công thẳng vào ổ dịch. Để làm gì? Tiêm như vậy để tạo miễn dịch giúp những con vật khoẻ sẽ sống, còn những con không đủ điều kiện miễn dịch sẽ chết.

Thứ nữa, đối với gia súc, gia cầm phải thực hiện tốt kĩ thuật tiêm phòng. Gồm kĩ thuật tiêm; cố định gia súc, gia cầm để thực hiện mũi tiêm; bảo quản tốt vaccine, ví dụ vaccine đã mang ra ngoài tủ bảo quản rồi thì phải sử dụng nhanh, không để ánh nắng mặt trời chiếu vào, sẽ không đảm bảo chất lượng.

Chuyên gia khẳng định chăn nuôi hiện đại rất hiếm gặp chuyện lợn gạo, phân biệt thịt lợn bị áp xe thế nào? - Ảnh 4.

Người dân chọn mua thịt lợn bày bán tại siêu thị. Ảnh: I.T

Hiện nay các cơ sở chăn nuôi quy mô công nghiệp, tập trung ngày càng phổ biến, đi kèm với đó là hệ thống giết mổ hiện đại, theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào đối với việc góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?

-Đúng như vậy, hầu hết các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tập trung đều có cán bộ kĩ thuật, cán bộ thú y thực hiện chăm sóc, kiểm tra quá trình chăn nuôi. Còn đối với các cơ sở giết mổ được cấp phép, cơ sở giết mổ tập trung phải có cán bộ thú y quản lí việc giết mổ.

Người tiêu dùng nên sử dụng các loại thực phẩm đã được cơ quan thú y kiểm tra, được giết mổ, sản xuất bởi các công ty, cơ sở đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, dẫn đến giết mổ nhỏ lẻ cũng còn nhiều hạn chế, công tác quản lí chưa được chặt chẽ, không kiểm soát được hết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hầu hết các hiện tượng áp xe đều lành tính nhưng trong quá trình giết mổ khi phát hiện áp xe, phần thịt áp xe cần được cắt bỏ từ nhà máy, cơ sở giết mổ. Tuy nhiên, đôi khi có những vết áp xe quá nhỏ, chỉ khi pha lóc mỏng mới phát hiện được thì người tiêu dùng có thể cắt bỏ, phần thịt còn lại có thể sử dụng bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem