Chuyên gia tội phạm học: Làm rõ trắng đen từ thiện để răn đe những kẻ kiếm ăn trên lòng nhân ái của đồng bào

Quỳnh Nguyễn Chủ nhật, ngày 03/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, trước yêu cầu, mong mỏi của cộng đồng xã hội về sự minh bạch thông tin, sự vào cuộc của Bộ Công an đang phối hợp rà soát các cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản là cần thiết và kịp thời.
Bình luận 0

Mới đây, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với UBND và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh làm rõ số tiền các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, làm từ thiện tại đó. Cục đã mời làm việc với một số tổ chức, cá nhân, đề nghị cung cấp thông tin có liên quan, giúp có kết luận chính xác về vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự cũng đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự ở một số địa phương tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên các địa bàn để kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện để thực hiện các hành vi trục lợi hay chiếm đoạt tài sản.

Trung tá, chuyên gia phân tích tội phạm Đào Trung Hiếu nhận xét, trước yêu cầu, mong mỏi của cộng đồng xã hội về sự minh bạch thông tin, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc tiến hành điều tra, xác minh thông tin là cần thiết và kịp thời để giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của dư luận. 

Phân tích thêm về góc độ pháp lý, Trung tá Hiếu cho biết, có hai khả năng có thể xảy ra khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Thứ nhất là phát hiện, làm rõ và xử lý tội phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Bởi vì, nếu một người kêu gọi cộng đồng làm từ thiện để nhận được tiền và chiếm đoạt hoàn toàn, hoặc một phần số tiền đó thì hành vi có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, nếu người sử dụng mạng xã hội tố cáo đích danh người khác ăn chặn, biển thủ tiền từ thiện mà không có căn cứ xác đáng, hoặc cố ý bịa đặt ra những thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người bị cáo buộc thì hành vi có dấu hiệu của tội vu khống, tội làm nhục người khác, hoặc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người phạm tội này sẽ bị xử lý về hình sự.

Chuyên gia tội phạm học: Làm rõ trắng đen từ thiện để răn đe những kẻ kiếm ăn trên lòng nhân ái của đồng bào - Ảnh 2.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu. (Ảnh: Dân Việt)

Là một chuyên gia nghiên cứu tội phạm, ông Hiếu cho rằng, hiện nay lòng tin của nhiều người đang bị xói mòn bởi các thông tin cáo buộc đối với một số cá nhân lợi dụng việc tổ chức hoạt động từ thiện để trục lợi. Dẫn đến tình huống nhiều những người có tấm lòng nhân ái, muốn giúp đỡ người khác trong hoạn nạn, nhưng lại e ngại số tiền phát tâm thiện nguyện của mình không đến được đúng địa chỉ, nên không tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Hậu quả cuối cùng là người cần cứu giúp sẽ không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng. 

"Việc xác minh làm rõ trắng đen, thực hư xung quanh các cáo buộc, giúp giải tỏa nghi vấn, giải oan cho người vô tội, hoặc trừng trị thích đáng người có tội. Chấn chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo cũng nhằm loại trừ những hiện tượng biến tướng, tiêu cực, răn đe những kẻ bất lương có ý định trục lợi, kiếm ăn trên lòng nhân ái của đồng bào", trung tá Đào Trung Hiếu nói.

Chuyên gia tội phạm học: Làm rõ trắng đen từ thiện để răn đe những kẻ kiếm ăn trên lòng nhân ái của đồng bào - Ảnh 3.

Một nghệ sĩ chuyển tiền cứu trợ cho người dân miền Trung cuối năm 2020. (Ảnh: FBNV)

Trước đó, Bộ Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và điều tra các thông tin liên quan đến vấn đề tiền từ thiện, việc huy động từ thiện của các cá nhân khiến dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua. Theo đó, Bộ Công an nhận được đơn tố cáo của một số cá nhân yêu cầu làm minh bạch chuyện quyên góp tiền từ thiện, trong đó có người đã chuyển tiền cho một nghệ sĩ để ủng hộ đồng bào miền Trung. Tuy nhiên, sau đó thấy sự việc làm từ thiện không được minh bạch nên cá nhân này đã đề nghị Bộ Công an điều tra.

Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM đã có văn bản gửi Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an 21 quận, huyện và Công an thành phố Thủ Đức về việc phối hợp rà soát, xử lý những cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Phòng PC02 đề nghị các đơn vị và công an các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp rà soát, đánh giá tình hình các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện tự phát, kêu gọi từ thiện trên địa bàn từ năm 2020 đến nay, có thống kê cụ thể, gồm: Tên cá nhân, tổ chức, quy mô, cơ cấu tổ chức, mục tiêu hoạt động, cơ sở pháp lý. Đồng thời, đánh giá kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản.

Phải có trách nhiệm với đồng tiền ủy thác

Theo luật sư Lương Văn Trung (Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC), luật pháp Việt Nam không có quy định rõ ràng và bài bản về sự tín thác trong từ thiện, cứu trợ như ở nhiều nước khác trên thế giới, như hệ thống pháp luật của Anh, Mỹ, Úc… nên mới phát sinh nhiều tranh cãi trong chuyện làm từ thiện.

Luật sư Trung cho hay, tinh thần chung của quỹ từ thiện tại các nước Anh, Mỹ phải tuân thủ nhiều chuẩn mực. Đồng tiền đưa cho cá nhân kêu gọi từ thiện là đồng tiền tín thác và người kêu gọi là nhận tín thác, đồng thời khi sử dụng tiền, người nhận tín thác phải sử dụng đúng mục đích của thỏa thuận ban đầu. Tức khi kêu gọi, người nhận tín thác phải đưa ra mục đích và cách thức sử dụng (trực tiếp đi làm từ thiện, hoặc thông qua một cá nhân, hoặc tổ chức, quỹ từ thiện của chính phủ…). Còn người góp tiền khi đã chuyển tiền, đương nhiên đồng ý với thỏa thuận đó.

Luật sư Trung dẫn chứng một án lệ về làm từ thiện ở Anh liên quan đến một vụ tai nạn xe buýt. Do nguồn tiền kêu gọi của vụ tai nạn nhiều, không sử dụng hết, người nhận tiền đã chuyển số tiền còn lại làm từ thiện cho một vụ việc khác. Khi người góp tiền biết được đã phản đối và yêu cầu tòa án xử lý.

Tòa án tại Anh tuyên người nhận tín thác sử dụng tiền ngoài mục đích kêu gọi ban đầu nên đề nghị người nhận tín thác phải trả tiền lại cho quỹ. Hơn nữa pháp luật Anh, Mỹ còn cho phép người tín thác sử dụng nhiều công cụ để truy đòi đến cùng tài sản đó.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem