Top ngành “khát” nhân lực
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM giai đoạn từ năm 2015 -2020, khu vực phía Nam, nhóm ngành nghề hiện vẫn đang và sẽ cần nhiều lao động có tay nghề gồm: Cơ khí - chế tạo máy; hóa chất – công nghệ sinh học; điện tử - điện công nghiệp; chế biến tinh.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-02-28/1456659182-dv--chon_lht.jpg)
Một buổi học thực hành động cơ ô tô tại Trường CĐ Nghề Việt Đức, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa). ảnh:L.H.T
Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh Bộ GDĐT tại TP.HCM giải thích: “Nền kinh tế đang từng bước hội nhập theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Chính vì vậy, các doanh nghiệp rất cần những lao động có tay nghề ở các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, các ngành học này lại ít người học và ít người giỏi. Nhiều em cứ nói đến cơ khí, điện máy hay hóa chất... là đã thấy vất vả rồi”.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – Giám đốc Trung tâm Việc làm Thanh niên Hà Nội, du lịch cũng là một trong những nhóm ngành “khát” nhân lực giỏi. “Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, hiện nước ta đang cần đến 40.000 lao động nhưng nguồn cung mới chỉ đáp ứng được 60%. Nguyên nhân là do chất lượng đào tạo chưa cao, sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Vì vậy, nếu được đào tạo bài bản, có năng lực, có chuyên môn về du lịch, đảm bảo 100% các em ra trường sẽ có việc làm” – bà Trinh nói. Mỵ Lương (ghi)
|
Cũng theo ông Cường, nếu tìm hiểu kỹ, các em sẽ thấy những ngành nghề này cơ hội việc làm rất lớn và có mức lương tương đối khá so với nhiều nhóm ngành khác. Nguồn cung nhân lực các nhóm ngành này mới chỉ đáp ứng được 50 – 60% nhu cầu thị trường.
Cụ thể, nhóm ngành cơ khí bao gồm cơ khí chế tạo máy và cơ khí chính xác. Kỹ sư thuộc các chuyên ngành này có thể đảm nhận việc thiết kế sản phẩm, thiết kế máy móc, dụng cụ, lắp đặt, thử nghiệm, gia công... Ngành cơ khí chính xác có thể sản xuất ra các dụng cụ quang; dụng cụ y tế, công nghệ làm khuôn mẫu...
Sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành hóa chất – công nghệ sinh học có thể làm việc tại các lĩnh vực: Sản xuất sản phẩm vô cơ, hữu cơ như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm; lĩnh vực vật liệu, luyện kim, công nghệ thực phẩm, ngành công nghiệp lên men, xử lý chất thải, sản xuất công nghệ năng lượng, năng lượng hạt nhân...
Nhóm ngành điện, điện tử - công nghệ thông tin cũng là nhóm ngành “hot” nhất dự báo đến năm 2030. Tuy nhiên, hiện ngành này mới đáp ứng được 55% nhu cầu thị trường. Học các ngành này có thể làm việc trong các lĩnh vực: Nghiên cứu, sáng tạo công nghệ điện mới; mạng viễn thông; lĩnh vực định vị dãn đường; điện tử y sinh...
Nông, lâm “cháy” đầu ra
Nhóm ngành nông, lâm nghiệp hiện đang đứng thứ 6 trong danh mục các ngành về nhu cầu nhân lực. Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư sẽ tăng từ 28% năm 2015 và khoảng 50% năm 2020, như vậy đến năm 2020, nguồn nhân lực ngành nông, lâm, ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.
Thống kê của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, mỗi năm cả nước cần trên 1 triệu lao động ngành nông, lâm, ngư nhưng đội ngũ cán bộ chỉ có khoảng 9% có trình độ ĐH, CĐ; 39,4% trình độ trung cấp và 9,8% sơ cấp.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-02-28/1456659493-dv--bieu-do1.jpg)
Ông Cường cho biết, nhiều năm nay, các trường ĐH, CĐ khối ngành nông, lâm, ngư thường lấy mức điểm chuẩn đầu vào khá thấp, nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. “Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Để phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao, hiện Nhà nước, các doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn vào ngành này. Vì vậy, tại nhiều trường ĐH lớn như ĐH Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Cần Thơ... đã có nhiều chương trình đào tạo liên kết với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu... Họ cấp học bổng và “đặt hàng” sinh viên ngay từ năm thứ 2, thứ 3 với mức lương cao” – ông Cường nói.
Một số chuyên ngành khá dễ tìm việc ở lĩnh vực này như: Công nghệ sinh học, công nghệ chế biến tinh, quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ sau thu hoạch... Các ngành học này hầu hết làm việc trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu chứ không phải ra đồng, xuống ruộng nhiều như thí sinh nghĩ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.