“Hạnh phúc của đứa trẻ là được sống đúng tuổi”

Thảo Linh Thứ hai, ngày 04/04/2022 19:00 PM (GMT+7)
Thời gian qua, thông tin học sinh tự tử đau lòng xảy ra khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Đó cũng là hồi chuông khiến các ông bố, bà mẹ Việt Nam thức tỉnh và giật mình nhìn lại, đặt câu hỏi: “Liệu mình có quan tâm đến con đúng cách, khiến con hạnh phúc không?”.
Bình luận 0

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi về những vấn đề liên quan với chị Linh Phan - chuyên gia tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp, thành viên Hiệp hội Trị liệu Tâm thần dành cho gia đình tại Na Uy. Chị Linh Phan có chuyên môn về tâm lý học trẻ em và là tác giả sách về các chủ đề liên quan, là mẹ của hai con nhỏ, hiện gia đình chị đang sống tại Na Uy - một trong những đất nước thường xuyên đứng đầu hoặc lọt top các cuộc bình chọn trẻ em hạnh phúc nhất thế giới.

Chuyên gia tư vấn phụ huynh Linh Phan: “Hạnh phúc của một đứa trẻ là được sống đúng tuổi” - Ảnh 1.

Chuyên gia tư vấn phụ huynh Linh Phan. Ảnh: NVCC

Theo chị Linh Phan: "Hạnh phúc với một đứa trẻ là được bảo bọc bởi sự yêu thương của gia đình, bạn bè, thầy cô và sống "đúng tuổi". Đúng tuổi là khi chúng được chơi theo cách chúng cần chơi, học theo sự phát triển khả năng nhận thức, tôn trọng sự khác biệt, có cơ hội theo đuổi tiềm năng, phát triển đúng những gì chúng cần và phù hợp theo từng lứa tuổi...".

Chào chị Linh Phan, được biết chị đang sống tại Na Uy, một trong những nước thường xuyên đứng đầu hoặc lọt top hạnh phúc nhất thế giới. Những đứa trẻ ở đây - cũng như con chị - nhận được cách giáo dục như thế nào từ cha mẹ về kỹ năng xã hội và học tập? Và chúng đang hạnh phúc như thế nào?

- Ở Na Uy có sự ưu tiên cho gia đình rất lớn. Chẳng hạn các trường học mọi cấp sẽ đóng cửa từ 4h30 chiều, rất hiếm trường học, đặc biệt là mầm non mở cửa tới 5h chiều cũng như hầu như không có trường nào mở cửa vào thứ 7, chủ nhật. Cha mẹ là người có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng con cái trực tiếp, không có chuyện gửi ông bà nuôi (chỉ có thể nhờ ông bà trông cháu 1-2 ngày/tháng và khi ông bà đồng ý) và cũng không hề có nghề "giúp việc". Tóm lại, tôi không biết đó có phải là một "viễn cảnh" hạnh phúc với cha mẹ Việt hiện đại không vì phần lớn khi nghe tôi kể về chuyện chúng tôi và bất kỳ cha mẹ nào ở đây đều phải tự tay chăm sóc con cái từ A-Z, vừa vẫn đi làm, phấn đấu cho sự nghiệp… thì họ đều ngạc nhiên và hỏi tôi "Làm sao tôi có thể làm được như vậy?".

Đổi lại, chúng tôi nói riêng và theo quan sát của tôi với các gia đình khác ở đây, sự kết nối cha mẹ - con cái là vô cùng tốt. Sự kết nối của gia đình – nhà trường cũng vô cùng tốt khi thường xuyên thông tin được cập nhật qua hệ thống các ứng dụng điện tử và các buổi trò chuyện 1:1 với giáo viên. Bất kể một sự thay đổi bất thường nào của trẻ, từ thể chất tới tinh thần đều được để ý, quan sát và cập nhật ngay lập tức.

Một điểm quan trọng là hệ thống giáo dục nhân văn và có khoa học đã giúp cho những đứa trẻ thực sự được trải nghiệm một tuổi thơ đúng nghĩa. Chẳng hạn ngoài 4 tiếng học các môn chính trên lớp, thời gian còn lại trẻ chơi tự do, vận động và tham gia các chương trình ngoại khoá. Bài tập về nhà chỉ có 1 bài duy nhất và chỉ mất 5-15 phút để làm, bố mẹ cũng không được phép ép con học bài quá 30 phút buổi tối.

Theo tôi, một tuổi thơ yên bình sẽ là nền tảng cho một tương lai tích cực và hạnh phúc hơn của một con người. Hạnh phúc với một đứa trẻ là được bảo bọc bởi sự yêu thương của gia đình, bạn bè, thầy cô và sống "đúng tuổi". Đúng tuổi là khi chúng được chơi theo cách chúng cần chơi, học theo sự phát triển khả năng nhận thức, tôn trọng sự khác biệt, có cơ hội theo đuổi tiềm năng, phát triển đúng những gì chúng cần và phù hợp theo từng lứa tuổi. Điều đó nghe có vẻ dễ nhưng có rất nhiều "nghịch lý" đang diễn ra trong giáo dục, nuôi dạy trẻ… mà tôi vẫn thường thấy, chứng kiến và nghe kể ở Việt Nam.

Tại Na Uy, điểm thi, kết quả học tập của con phụ huynh có coi là mục đích cuối cùng? Họ ưu tiên điều gì là quan trọng nhất?

Rút cục thành công là định nghĩa rất cá nhân, chỉ cần bạn hạnh phúc với việc bạn làm, bạn không phạm pháp và tự lo cho cuộc sống của mình mà chẳng làm ảnh hưởng đến ai, thì đó là thành công rồi. Ở đây không có sự phân biệt nghề nghiệp sang hèn hay các tầng lớp xã hội. Tôi có cô bạn tiến sĩ lấy chồng làm thợ mộc, học xong giờ về quê xin việc cho một công ty ở tỉnh còn chồng làm thợ mộc, ai gọi thì làm còn đâu dành thời gian chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Na Uy là một đất nước rất yên bình, tôi nghĩ họ ưu tiên cho gia đình, phát triển bản thân và tận hưởng cuộc sống.


Chuyên gia tư vấn phụ huynh Linh Phan

- Ở Na Uy, khi học hết cấp 2, trẻ sẽ bắt đầu phải lựa chọn đi theo một trong 2 hướng: đi theo con đường học thuật, nghiên cứu hoặc là đi theo con đường ứng dụng, học nghề. Tuỳ vào các em muốn gì, mà sẽ lựa chọn trường cấp 3 phù hợp để theo học và sau đó học lên tiếp. Ví dụ như Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số) hay Graphic Designer (thiết kế đồ họa) cũng được coi là một nghề, chỉ cần học trường nghề, không nhất thiết phải học đại học. Có những em muốn khi tốt nghiệp phổ thông sẽ chọn công việc đi làm thu ngân ở siêu thị, và các em đi làm sau luôn sau khi tốt nghiệp, đó cũng đã là thành công.

Gia đình nhỏ của chị - hai thế hệ lớn lên ở hai đất nước khác nhau, chị - một mẹ Việt ở Bắc Âu - đã cảm thấy sự khác nhau giữa hai nền giáo dục ra sao?

- Thời của tôi việc học tập không quá áp lực và căng thẳng như các em ở Việt Nam bây giờ. Tuy nhiên, những áp lực về chuyện phải thi đỗ đại học, phải học trường tốt cũng rất nặng nề. Có thể tôi may mắn vì bố mẹ cũng không phải những người kỳ vọng quá cao hay áp đặt con cái nên chúng tôi tương đối tự do phát triển và theo đuổi những gì mình muốn.

Tất nhiên bối cảnh xã hội nói chung thì vẫn đầy rẫy nhưng áp lực và tiêu chuẩn. Tôi hay đùa không biết nếu các con trai (học lớp 1) quay trở lại Việt Nam và học theo chương trình ở Việt Nam thì sẽ thế nào. Chồng tôi nói "Chắc sẽ học dốt nhất lớp" nhưng tôi thấy ổn với việc đó. Kể cả con tôi có học dốt nhất theo tiêu chuẩn phải giỏi toàn diện như ở Việt Nam, thì tôi vẫn biết được con mình đang làm tốt nhất cái gì và có khả năng như thế nào. Điều quan trọng là đồng hành cùng con trong những năm tháng tới cho tới khi trưởng thành, dù là sống ở đâu đi chăng nữa.

Thưa chị, dạo gần đây ở Việt Nam xảy ra các vụ học sinh trầm cảm, hoặc do áp lực điểm số, thi cử, và nguyên nhân khác, mà dẫn đến tự tử rất đau lòng. Chị có theo dõi các tin tức đó không và là một phụ huynh, chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước những tin tức như vậy?

- Thật ra thì số liệu cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử hoặc gặp các vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm… ở các nước phát triển đều có xu hướng tăng lên trong khoảng 10-15 năm trở lại đây. Việc trẻ tự tử hoặc có những suy nghĩ tiêu cực đã được cảnh báo và có nhiều sự việc đau lòng xảy ra, nhưng mỗi lần lướt qua những thông tin này, tôi đều cảm thấy rất nặng nề. Bản thân cũng là một người mẹ và đã, đang làm việc với rất nhiều phụ huynh cả ở Việt Nam lẫn quốc tế, tôi phần nào cảm nhận được sự mất mát, đau khổ của người trong cuộc và sự hoang mang, lo lắng của những cha mẹ khác đang có con cùng hoặc sắp bước vào độ tuổi này.

Chuyên gia tư vấn phụ huynh Linh Phan: “Hạnh phúc của một đứa trẻ là được sống đúng tuổi” - Ảnh 3.

Theo chị Linh Phan, đã đến lúc cha mẹ nhà trường cần quan tâm thật sự nghiêm túc tới sức khoẻ tâm thần của con cái mình, thay vì chỉ tập trung vào sức khoẻ thể chất và các thành tích như trước đây. Ảnh minh họa: EG

Mỗi một sự việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Với tư cách là một parent coach/parent expert (chuyên gia huấn luyện – tư vấn phụ huynh – PV), chị có thể nhìn ra hoặc bóc tách được nguyên nhân căn bản khiến các em có những hành động dại dột?

- Nguyên nhân dẫn tới việc tự tử của một trẻ vị thành niên nên nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, và thực sự rất khó để thiết lập bộ nguyên nhân – kết quả điển hình bởi mỗi đứa trẻ, gia đình, xã hội và bối cảnh là khác nhau. Tuy nhiên có một số yếu tố, hoặc tập hợp các yếu tố mà khi chúng xuất hiện (trên cơ sở của nghiên cứu hiện có) là yếu tố/nguy cơ chính dẫn tới việc tự tử ở thanh thiếu niên. Các yếu tố này cũng thường xuyên chồng chéo và tăng cường bổ sung lẫn nhau chứ không phải chỉ nằm độc lập.

Cụ thể như nguyên nhân từ các bệnh liên quan tới tâm thần học hoặc lạm dụng chất gây nghiện, xu hướng tính dục, môi trường gia đình...

Trầm cảm là một căn bệnh, và diễn ra trong thời gian khá dài. Nhưng đa phần, khi đánh giá và nhìn nhận về trầm cảm ở lứa tuổi học sinh, con trẻ, các phụ huynh ở Việt Nam dường như chưa ý thức được mức độ trầm trọng cũng như hậu quả của nó. Chị có thấy được điều đó khi tiếp xúc hoặc trò chuyện, tư vấn cho các bậc phụ huynh Việt Nam?

- Tôi cho rằng phần nhiều cha mẹ Việt còn chưa thật sự hiểu trầm cảm là gì, biểu hiện của nó như thế nào, còn chủ quan và rất nhiều người (80% trong số khoảng hơn 1.000 cha mẹ tôi từng làm việc trong 5 năm qua) bị mất kết nối với con mình. Trầm cảm vốn là một loại rối loạn tâm trạng và nó sẽ liên quan tới cơ thể, tâm trạng, suy nghĩ của một thanh thiếu niên. Nếu có sự kết nối tốt, ổn định và thường xuyên quan sát/để mắt tới con đúng cách, cha mẹ sẽ nhận thấy những thay đổi bất thường của con liên quan tới ăn, ngủ hoặc suy nghĩ – đều có liên quan tới trầm cảm.

Trẻ vị thành niên cần được thấu hiểu về sự phát triển tâm sinh lý, cần sự hướng dẫn của người lớn mặc dù các em có thể nghĩ rằng các em không cần. Nhưng hiểu được sự phát triển của các em thì chúng ta mới có thể hỗ trợ các em trở thành người lớn độc lập, có trách nhiệm.

Chuyên gia tư vấn phụ huynh Linh Phan

Trầm cảm không ngăn ngừa được, nhưng biết các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm và nhận được sự giúp đỡ từ chuyên gia của con sẽ giúp giảm bớt triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của con.

Sau vụ việc đau lòng xảy ra với học sinh, dư luận đa phần phản ứng nhất thời là đổ lỗi cho cha mẹ các em. Nhưng có lẽ chúng ta đang quên mất rằng, bản thân các em là thực thể tự nhiên mang đặc tính xã hội, có trí tuệ, có thể làm hài hòa suy nghĩ tiêu cực. Chị có nghĩ là ở lứa tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, phải chăng các em đang quên mất điều này để rồi dẫn đến hành động dại dột? Và các trường học, cũng đang thiếu đi bộ phận (phòng tâm lý)/người (chuyên viên tâm lý) "đánh thức" tư duy tích cực của các em? 

- Não bộ của thanh thiếu niên phát triển khác người trưởng thành và đang ở trong giai đoạn kết nối phát triển để chuẩn bị cho một giai đoạn mới. Phần vỏ não trước trán (nơi ra quyết định và dự đoán, nhận thức hậu quả lâu dài) chưa hoàn thiện và cũng không được sử dụng triệt để, thay vào đó chủ yếu thanh thiếu niên xử lý thông tin với amygdala (phần não cảm xúc).

Các em có thể có cảm xúc áp đảo và không thể giải thích những gì mình nghĩ. Các em không nghĩ nhiều như các em cảm thấy và do đó cha mẹ hoặc thầy cô có con/học sinh trong độ tuổi này có xu hướng "nhảy vào cuộc" để ra lời khuyên, cố gắng giải quyết vấn đề hoặc đổ lỗi. Những điều này lại có thể làm cho các em khó chịu, ít cởi mở hơn. Sẽ là bình thường nếu các em có tâm trạng thất thường trong một vài ngày. Nhưng nếu nó thay đổi đáng kể tâm trạng và hành vi trong hơn 2 tuần, điều đó có nghĩa là có gì đó khác đang xảy ra, chẳng hạn như trầm cảm.

Trẻ vị thành niên cần được thấu hiểu về sự phát triển tâm sinh lý, cần sự hướng dẫn của người lớn mặc dù các em có thể nghĩ rằng các em không cần. Nhưng hiểu được sự phát triển của các em thì chúng ta mới có thể hỗ trợ các em trở thành người lớn độc lập, có trách nhiệm.

Có lẽ đã đến lúc cha mẹ nhà trường cần quan tâm thật sự nghiêm túc tới sức khoẻ tâm thần của con cái mình, thay vì chỉ tập trung vào sức khoẻ thể chất và các thành tích như trước đây.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem