Mới đây, 8 hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng của Việt Nam vừa có đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH. Các hiệp hội cùng cho rằng, giữ tỷ lệ đóng quỹ hưu trí và tử tuất như quy định hiện hành là quá cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tổng cộng phần đóng này là 25% tiền lương, trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17% tiền lương tháng.
Trong khi, tỷ lệ đóng vào quỹ này của các nước trong khu vực thấp hơn, như Malaysia là 13% trên lương, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%, Myanmar 2%...
Hiện nay, Dự thảo Luật BHXH đưa ra 2 phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là:
Phương án 1, giữ theo quy định hiện hành: tiền lương tính đóng BHXH gồm tiền lương tháng, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể.
Phương án 2, tiền lương tính đóng BHXH gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định (trừ tiền thưởng, các hỗ trợ ngoài công việc).
Các hiệp hội trên cho rằng, nếu chọn căn cứ tiền lương tính đóng BHXH theo phương án 1 sẽ bớt áp lực đóng cho người lao động và doanh nghiệp, nhưng làm mất đi tính đồng bộ của chính sách; chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Từ đó, khoảng cách thu nhập và căn cứ đóng cũng như lương hưu của người lao động sau này có cách biệt lớn.
Với phương án 2, về cơ bản bảo hiểm xã hội được đóng trên lương thực tế người lao động được nhận nhưng tỷ lệ đóng cao sẽ tạo áp lực lên doanh nghiệp, người lao động có thể bị giảm thu nhập.
Từ phân tích trên, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh cả 2 phương án và giảm tỷ lệ tính đóng BHXH. Phương án thứ nhất, giảm tỷ lệ tính đóng BHXH với người lao động từ 8% xuống 5% mức lương, tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động giảm từ 17% xuống 15% mức lương. Theo đó, tổng mức đóng bảo hiểm bằng 20% mức lương tháng.
Lương làm căn cứ đóng gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác như quy định hiện hành, tương đương 70% thu nhập thực tế của người lao động.
Hướng khác, theo các kiến nghị này là giảm tỷ lệ đóng BHXH xuống bằng 16% mức lương (người lao động đóng 4%, người sử dụng lao động đóng 12% trên mức lương), nhưng đóng trên thu nhập thực tế của người lao động, trừ một số khoản không có tính chất lương. Phương án này, phần đóng BHXH sẽ tính trên mức lương tương đương khoảng 90% thu nhập thực tế của người lao động.
Theo các hiệp hội, lựa chọn 1 trong 2 phương án trên sẽ khắc phục được bất cập về tỷ lệ đóng và nền đóng BHXH hiện nay, nguồn thu BHXH sẽ không giảm, thu nhập khi đi làm và lương hưu của người lao động không chênh lệch quá lớn, không còn yếu tố chủ quan (thỏa thuận) nên sẽ cân đối giữa các doanh nghiệp hơn.
Nghiêng về phương án 2 đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, pháp luật BHXH hiện tại đang quy định đóng BHXH cho lao động dựa trên tiền lương các khoản phụ cấp chức vụ - tức là thu nhập thực tế của người lao động (trừ khoản thu không ổn định). Tuy nhiên nhưng thực tế, hầu hết các doanh nghiệp chỉ đóng mức cơ bản - trên mức lương tối thiểu. Mức này chỉ chiếm khoảng 50-60% thu nhập của người lao động chứ chưa thể đóng cả các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung khác.
Điều này dẫn tới khi nghỉ hưu lương hưu của lao động bị ảnh hưởng, lương hưu của lao động thấp hơn.
"Luật pháp quy định là như vậy, nhưng thực tế việc thực hiện chưa được, dẫn tới việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm", ông Quảng nói.
Ông Quảng nghiêng về phương án 2, tuy nhiên theo ông Quảng nếu thực hiện theo phương án 2 thì DN đóng BHXH mức cao và có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện.
"Liên quan tới đề xuất của Hiệp hội các doanh nghiệp về việc giảm mức đóng BHXH, tôi cho rằng đó mới chỉ là nguyện vọng thôi, còn vấn đề đã được quy định trong luật. Vấn đề này phải do Quốc hội quyết chứ Chính phủ không thể quyết được", ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng cho rằng có thể đây là đề xuất "dọn đường" cho việc sửa Luật BHXH năm 2014 trong thời gian tới.
"Nếu thực hiện được theo phương án 2 thì rất tốt, có lợi cho người lao động, nhưng nếu không thực hiện nghiêm, không có giám sát kiểm tra thì DN sẽ không chấp hành nghiêm, nguy cơ gây nhờn luật. Vì thế nên chăng nên đóng theo quy định như hiện nay, đồng thời tính phương án để doanh nghiệp và lao động tự thỏa thuận nhằm đảm bảo quyền lợi cơ bản cho người lao động. Điều này tuy khó, nhưng nếu đóng BHXH cho lao động được 60-70% thu nhập thực tế của người lao động là rất phù hợp. Việc điều chỉnh tiền đóng BHXH cho lao động cần có lộ trình, khi doanh nghiệp bớt khó khăn thì chúng ta có thể nâng lên", ông Quảng phân tích.
Trong khi đó, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng cần tập trung nhiều vào phân tích phương án đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng BHXH (phương án 1 của dự thảo luật), kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm đảm bảo các mục tiêu toàn diện của chính sách BHXH cũng như chính sách phát triển kinh tế và doanh nghiệp.
Về phía người lao động, nhiều lao động cho rằng cần nâng mức đóng để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho lao động sau khi về hưu. Lao động Nguyễn Anh Minh (Công nhân Công ty May Hong Fu Thanh Hóa) cho rằng: "Hiện nay quy định mức đóng BHXH dựa trên tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung khác nhưng thực tế doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho lao động trên nền lương cơ bản. Điều này khiến lương hưu của lao động khi về hưu rất thấp. Chúng tôi kiến nghị, có chế tài giám sát xử lý để doanh nghiệp đóng đủ, đóng đúng BHXH cho lao động".
Chị Anh Minh cho rằng, bất kể doanh nghiệp gặp khó khăn gì thì cũng cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Về việc doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng BHXH và thực hiện đóng BHXH trên tổng thu nhập cho lao động, chị Nguyễn Anh Minh cho rằng: "Điều này không có gì khác biệt, giảm tỷ lệ đóng rồi đóng trên tổng thu nhập thì về cơ bản số tiền đóng của lao động vẫn thấp, không thể cải thiện mức lương hưu khi về già".
Ví dụ như: Tiền lương của lao động là 5 triệu tổng thu nhập của lao động 10 triệu đồng, hiện nay doanh nghiệp chỉ đóng BHXH trên nền tiền lương là 5 triệu đồng. Tức là chỉ đóng BHXH 25% trên tổng 5 triệu đồng. Nếu giờ đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập 10 triệu thì doanh nghiệp và người lao động sẽ bỏ ra khoản tiền 25% (tương đương với 2,5 triệu đồng).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đề xuất giảm mức đóng, thay vì đóng 25% như hiện nay giảm còn 15% thì kể cả đóng BHXH trên tổng thu nhập 10 triệu đồng thì mức đóng cũng chỉ rơi vào 1,5 triệu đồng. Như vậy, mức đóng không khác biệt nhiều, về cơ bản vẫn dao động trong khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng. Điều này khiến cho lương hưu của lao động thấp khi về hưu. Mục đích là cần phải nâng mức đóng và nâng tổng tiền đóng lên để đảm bảo quyền lợi của lao động khi về già.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.