Chuyện giờ mới kể của những "đoá hồng thầm lặng" giữa bão Covid-19 ở Sài Gòn

Bạch Dương Thứ ba, ngày 08/03/2022 14:51 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 như một phép thử quan trọng và vô tình lấy đi quá nhiều thứ. Những người vợ, người mẹ đã âm thầm hy sinh trong suốt đại dịch mà đến giờ, có những câu chuyện lặng thầm mới được kể.
Bình luận 0
Chuyện giờ mới kể của "đoá hồng thầm lặng" giữa bão Covid-19 - Ảnh 1.

Chị Ngọc Lan trao quà tới người dân có hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Vừa chăm con chạy thận vừa lo cho dân giữa dịch vây tứ bề

Miệt mài chăm sóc con trai phải chạy thận nhân tạo hơn 1 năm nay, song song với đó là phải sắp xếp công việc tại cơ quan, chị Phạm Ngọc Lan – Phó Ban Dân vận quận Tân Phú, TP.HCM vẫn quay cuồng để làm tròn trách nhiệm của tổ chức giao phó và tình yêu người mẹ dành cho con.

Vào thời điểm cách đây 1 năm, khi con chị vừa mới phát hiện suy thận và phải chạy thận nhân tạo, chị đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú nên công việc bộn bề. 

Vài tháng sau, đợt dịch thứ 4 bùng phát, gánh nặng trên vai người mẹ đơn thân càng nặng trĩu hơn.

"Thời điểm đó, quận Tân Phú khá đông người lao động sinh sống, trách nhiệm của Liên đoàn Lao động là phải chăm lo cho người dân trong giai đoạn giãn cách. Tôi cùng anh em làm việc, trao tặng quà ở các điểm phong toả, rất nhiều việc không tên nhưng không dám kêu than vì ai cũng khó khăn, rối ren lắm rồi", chị Ngọc Lan cho biết.

Một tuần 2 - 3 lần con chạy thận nên ngoài lúc đi làm, chị lại đưa con đi chạy thận. Và không may, chị Ngọc Lan nhiễm Covid-19 đúng lúc đỉnh dịch.

"Thời điểm khoảng tháng 7, đoàn chúng tôi trước đó có đi tới nhiều khu vực người dân bị phong toả và hỗ trợ nhu yếu phẩm nên tôi bị dương tính với Covid-19, được đưa đi cách ly tập trung. Lúc đó chỉ hy vọng con tôi không nhiễm bệnh và tôi mau chóng khoẻ để về làm việc vì còn nhiều người đang đợi mình", chị Ngọc Lan bồi hồi nhớ lại.

Khi nhắc về chuỗi ngày liên miên hỗ trợ người dân, chị Ngọc Lan vẫn không quên những bao gạo, chai nước mắm, bó rau được anh em làm việc ngày đêm để kịp gửi tới hàng nghìn người dân trên địa bàn quận Tân Phú. Khó khăn cũng nhiều nhưng không vì thế mà mọi người nản chí.

"Là một người mẹ đơn thân, con tôi lại không may bị bệnh nền, cứ mỗi ngày tham gia chống dịch về, bản thân tôi rất sợ, sợ sẽ ảnh hưởng đến con. Mặc dù gia đình, bản thân tôi rất khó khăn nhưng đó lại là động lực để giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn hơn. Vì mình vẫn có nhà ở, có công ăn, việc làm ổn định trong khi đó vẫn còn rất nhiều người phải ở nhà thuê, không có gì để ăn, thậm chí gặp nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng...", chị Ngọc Lan chia sẻ.

Chuyện giờ mới kể của "đoá hồng thầm lặng" giữa bão Covid-19 - Ảnh 3.

Giữa đại dịch, chị vừa lo cho con bị bệnh, vừa lo cho dân. Ảnh: NVCC

Chị nói, "vận động người có lo cho người khó" là việc cần làm trong lúc đó, đặc biệt là chăm lo cho đối tượng lao động tự do. Hàng trăm tấn hàng hóa, rau củ, gạo, nhu yếu phẩm đã được chị và các cán bộ công đoàn chuyên trách tiếp nhận và phân phối đến tận nơi giúp mọi người. Xuất thân từ công nhân trực tiếp sản xuất, chị Lan thấu hiểu, công nhân khỏe thì mới yên tâm làm việc và cống hiến.

"Má Hạnh ơi, con khoẻ rồi"

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, Tổ trưởng hộ lý thuộc Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 không thể quên câu chuyện về những đứa trẻ, những ông bố bà mẹ không may mắc Covid-19 mà bản thân chị trực tiếp chăm sóc trong cao điểm đợt dịch vừa qua.

Dù đã làm công việc hộ lý được 25 năm nhưng có lẽ, 8 tháng tại khu điều trị Covid-19 cho trẻ em là quãng thời gian đặc biệt nhất đối với chị Hạnh. 

Chị kể: "Trước dịch bệnh, điều tiếc nuối nhất của nhân viên y tế là có những trường hợp dù cố gắng hết sức nhưng vẫn phải nhìn các bé ra đi mà không làm gì được. Đó là nỗi đau không chỉ với gia đình các con mà còn với từng bác sĩ, điều dưỡng...".

Chuyện giờ mới kể của "đoá hồng thầm lặng" giữa bão Covid-19 - Ảnh 4.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Hạnh. Ảnh: NVCC

Trong thời gian đó, có những trẻ nhỏ vừa chào đời được 1, 2 tháng đã phải cách ly mẹ vì dịch bệnh. Các em bé phải xa mẹ nên quấy suốt, trong khi đó các ông bố rất rối, không biết phải bế, thay tã, tắm, chăm các bé như thế nào. 

Các y bác sĩ, điều dưỡng phải thay hết những công việc của người mẹ đó. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất của chị có lẽ là giây phút các ông bố, bà mẹ đoàn tụ cùng con mình và nụ cười nở trên môi họ..

Chỉ cần nhìn thấy các bé vượt qua được căn bệnh, các bé cười, những câu nói "Má Hạnh ơi hôm nay con khỏe rồi, con ăn được nhiều rồi!" của bệnh nhi đã làm cho chị rất vui và ấm lòng.

"Chắc 8/3 năm nay tụi chị sẽ cực hơn vì công việc nhiều hơn, sẽ về nhà muộn hơn nhưng mà với chị, ngày nào cũng là 8/3. Chỉ cần gia đình, con cái mình khỏe mạnh, các bệnh nhi sớm khỏe lại, xuất viện là món quà lớn nhất với chị rồi. Đón 8/3 ở đâu cũng được, chỉ cần bình an là được", chị Hạnh cười hiền hậu.

Trong năm 2021, dịch Covid-19 như một phép thử quan trọng và vô tình lấy đi quá nhiều thứ, tuy nhiên, bằng tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường, quyết tâm cao độ thì TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã dần hồi sinh một cách mạnh mẽ sau giấc ngủ đông, trong đó có đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ lặng thầm như thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem