Chuyện hạnh phúc diệu kỳ của người hành khất không chân

Chủ nhật, ngày 11/12/2011 17:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là con thứ trong một gia đình nghèo khó, ngay từ khi mới sinh ra, số phận đã thử thách tôi bằng việc ban cho một đôi chân không lành lặn.
Bình luận 0

Đến tuổi đi học, trong khi bạn bè cùng lứa được tung tăng tới trường thì tôi chỉ côi cút làm bạn với chiếc xe 4 bánh. Các anh chị em lớn khôn lần lượt xa nhà để kiếm sống, chỉ còn lại bố mẹ già và tôi cùng mái nhà tranh xiêu vẹo.

Mù chữ, không nghề, không chân, phải làm gì để nuôi sống bản thân, để khỏi thành gánh nặng cho bố mẹ già đây? Tôi trăn trở rồi quyết định trốn nhà đi... ăn xin.

img
Anh Trần Văn Khiển.

Còn nhớ lần đầu ngửa tay cầu sự hảo tâm của thiên hạ khi ấy khoảng 12 tuổi, tôi không dám ngẩng đầu nhìn vì xấu hổ. Lâu dần thành quen, sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, dùng tay đẩy xe vượt cả chục cây số để đến các phiên chợ vùng quê nghèo, tại các bến xe để mong nhặt nhạnh tình thương và sự đồng cảm của mọi người.

Ky cóp từng đồng bạc lẻ, may mắn ra thì số tiền xin được cả một ngày cũng chỉ đủ để mua vài bát gạo mang về nấu cháo trộn với rau ăn thay cơm.

Chẳng nhớ nổi bao nhiêu tháng ngày hành khất nơi đầu đường, xó chợ, thoáng chốc tuổi đã ngoài 20, nhìn thấy mái ấm nhà người quây quần vui vẻ, trái tim tôi nôn nao khát vọng tìm được một nửa cho cuộc đời mình. Tôi mơ ước, một ngày nào đó mình sẽ có vợ. Ước muốn ấy đã dắt lối cho tôi lặn lội đi "mưu sinh" ở những địa bàn xa hơn: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam...

Một lần đi đến thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc, có lẽ chính là duyên số xui khiến mà tôi đã hỏi được vợ. Khi ấy, người ta vừa nhấc tôi xuống khỏi xe ô tô thì trời bắt đầu đổ mưa tầm tã. Đánh bạo, tôi thúc mạnh chiếc xe xin ghé nhờ vào một quán tạp hóa nhỏ của một cô gái ngay ven bên bờ đường sắt. Sau một vài phút thảng thốt trước hình hài của người đàn ông lạ, cô ấy nhẹ nhàng đến bên tôi giúp nhấc cả người và xe vào nhà.

Tối hôm đó, tôi đã xin ở lại một mình tại quán. Cô ấy về nhà mang cơm và thức ăn tiếp đãi tôi như một người bạn ở xa đến thăm. Qua những câu chuyện không đầu, không cuối, chúng tôi đã hiểu, cảm thông và chia sẻ cho nhau về hoàn cảnh nhiều hơn.

Và ngay trong những khoảnh khắc ấy dường như trái tim của chúng tôi đã bắt đầu cùng nhịp đập. Sau lần gặp nhau ấy, tôi ở lại Vĩnh Phúc chơi hai hôm. Ngày về, cô ấy đưa tôi ra tận bến xe. Lưu luyến, dùng dằng nửa ở nửa về, tôi đánh liều bảo: "Hay em đưa anh về, tiện thể về quê anh chơi một lần cho biết cửa biết nhà!". Không ngờ sau lời mời nửa thật nửa đùa đó, cô ấy đã lên xe cùng tôi về Bắc Giang...

Trải qua bao khó khăn, trắc trở, chúng tôi đã về với nhau dưới một mái nhà và đứa con trai đầu lòng lành lặn cũng chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Tổ ấm của hai vợ chồng chỉ là một căn nhà nhỏ đủ che mưa che nắng, vì không lao động được nên ngày ngày, tôi vẫn duy trì cái "nghề" bấy lâu nay, còn cô ấy ở nhà lo việc đồng áng.

Dù thiếu thốn, nhưng chúng tôi chưa một lời nặng nhẹ từ khi cưới nhau và mọi ước mơ về tương lai đều dồn cả vào đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Thầm cảm ơn số phận đã ban tặng cho tôi một phép cộng bù xứng đáng, tôi luôn tự nhủ sẽ làm tất cả mọi điều có thể để vun đắp cho tổ ấm thiêng liêng của mình...

Anh Trần Văn Khiển, thôn Tân Giáp, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem